Sunday, March 23, 2014

SUY NIỆM PHÚC ÂM ( V - A 20 ); ( 23.03.2014); ( Jn 4, 5-42) CHÚA NHẬT III MÙA CHAY, NĂM A - CHẮC HẲN CHÍNH CHỊ ĐÃ XIN VÀ NGƯỜI ĐÃ BAN CHO CHỊ NƯỚC HẰNG SỐNG

NGUYỄN HỌC TẬP

Chúa Nhật III mùa chay hôm nay và hai Chúa Nhật kế tiếp, Thánh Bộ Phụng Vụ tạm ngưng Phúc Âm Thánh Matthêu, Phúc Âm chính để hướng dẫn chúng ta trong Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật Năm A, để giới thiệu với chúng ta Phúc Âm Thánh Gioan, rất súc tích qua các cuộc đối thoại ( như đối thoại với người thiếu phụ Samaritana đang đọc) và các dấu chứng ( phép lạ chữa người mù từ lúc mới sinh và phép lạ cho Lazzaro sống lại, trong hai Chúa Nhật tới).

Phúc Âm Thánh Gioan rất súc tích như vừa kể được ghi lại để nói cho chúng ta biết Chúa Giêsu là ai.

Đoạn Phúc Âm hôm nay được cấu trúc như sau:

1. Hai câu nhập đề để xác định thời điểm và vị trí của câu chuyện:

" Vậy Người đến một thành xứ Samaria, tên là Sicar, gần thửa đất ông Giacob đã cho con ông là Giuse. Ở đây có một giếng nước của ông Giacob. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng " ( Jn 4, 5-6).
tường thuật lại khung cảnh đầu tiên với Chúa Giêsu và thiếu phụ Samaritana là hai nhân vật chính:
" Có người phụ nữ Samaritana đến múc nước. Chúa Giêsu nói với chị: Chị cho tôi xin chút nước uống..." ( Jn 4, 4-26).


2. Khung cảnh kế đến là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ, dạy các Vị về những gì đang đợi các Vị trong cuộc đời Tông Đồ ( Jn 4, 27-38).

3. Và đoạn kết thúc Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta đức tin của dân chúng Samaria vào Chúa Giêsu:
" Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. quả thật, chính chúng tôi nghe và biết Người, và biết rằng quả thật Người là Đấng Cứu Độ trần gian"( Jn 4, 39-42).

a) Trong khung cảnh đầu tiên cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thiếu phụ Samaritana, cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề nước uống ( Jn 4, 7-15).

Sau những câu trao đổi qua lại về nước uống, Chúa Giêsu bắt đầu dạy chị khởi đầu từ câu:

- " Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, chắc hẳn chính chị đã xin Người và Người đã ban cho chị nước hằng sống " ( Jn 4, 10).
Qua câu Phúc Âm vừa đọc, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chú ý đến việc Chúa Giêsu nhấn mạnh đến đại danh từ ngôi thứ hai, " chắc hẳn chính chị...".

Nhấn mạnh đến chủ thể được đại danh từ ngôi thứ hai phát biểu như vừa kể, Chúa Giêsu có ý làm cho vai trò của người thiếu phụ Samaritana nổi bậc và vai trò của người xin chị nước uống, chính Người, lui về ở lằn mức phía sau.

Điều đó cho thấy rằng sự tương phản hoàn toàn giữa những gì có thực và những gì chỉ là hình thức bên ngoài.

Đối với hình thức bên ngoài, trước mắt người đời, Chúa Giêsu là kẻ xin nước uống. Chúa Giêsu đi đường mệt nhọc và khát nước:

- " Người đi đường mệt, nên ngồi xuống bên bờ giếng " ( Jn 4, 6),
và người thiếu phụ Samaritana là người có gàu có thể múc nước cho Người uống, làm cho Người đả khát:

- " Thưa ông, ông không có gàu, mà giếng lại sâu, vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống " (Jn 4, 11).

Nhưng Thánh Gioan hiểu được thực tại trái ngược: chính người thiếu phụ Samaritana mới là người cần đến Chúa Giêsu.
Nêu lên thực tại trái ngược với những vẻ phát hiện bên ngoài, Thánh Gioan có ý nêu lên hai yếu tố:

- để có thể biết được Chúa Giêsu, chúng ta không thể dừng lại ở những gì có thể thấy được bên ngoài:

"Ông không có gàu, mà giếng lại sâu, vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? " ( Jn 4, 11).

- Chính Chúa Giêsu mạc khải cho con người những nhu cầu sâu xa của mình, mà ngay cả người thiếu phụ Samaritana cũng như chúng ta không hề biết đến:

" Giá chị nhận ra ân huệ của Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, chắc hẳn chính chị đã xin Người và Người đã ban cho chị nước hằng sống...ai uống nước nầy, sẽ lại khát. Còn ai uống nước Ta cho, sẽ không bao giờ khát nữa..." ( Jn 4, 10.13).
Hơn nữa, đọc câu nói của Chúa Giêsu chúng ta cũng biết được rằng "ân huệ Thiên Chúa ban cho " chính là " nước hằng sống ":

- " Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho...thì chắc hẳn chính chị đã xin Người và Người đã ban cho chị nước hằng sống " ( Jn 4, 10).

Hình ảnh " nước hằng sống " để chỉ " ân huệ Thiên Chúa ban cho " được Chúa Giêsu liên tưởng đến những gì đã được viết ra trong Cựu Ước, sách Geremia:

- " Ngày ấy dân Ta phạm hai tội: chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh, để làm những hồ rạn nứt không giữ được nước" ( Jer 2, 13).

- " Lạy Đức Chúa, niềm hy vọng của Israel là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi đất, vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh " ( Jer 17, 13).

Từ những lời khiển trách vừa kể của tiên tri Geremia, chúng ta biết được rằng " nước hằng sống " là sự sống hoàn hảo, sung mãn của dân được Chúa chọn.
Sự sống đầy đủ, hoàn hảo và sung mãn đó, dân Israel có thể tìm được nơi Thiên Chúa và không cần phải tìm kiếm ở đâu khác:

- " ...làm hồ rạn nứt không giữ được nước...những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi đất, vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh".

Như vậy đối với Thánh Gioan, " nước hằng sống " không phải là một trong những ơn Chúa ban mà là " an huệ Thiên Chúa ban cho ", an huệ của Chúa làm đầy tràn, thỏa mãn ước vọng của con người, như một hình ảnh tương tợ được Thánh Matthêu ghi lại:

- " Phước cho ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng " ( Mt 5, 6).
Như vậy ý nghĩa của những câu Phúc Âm vừa suy niệm cho thấy Chúa Giêsu chuyển hoá cơn khát nước hiện thực, nhu cầu thể xác thành nỗi khao khát của con người có được cuộc sống trọn vẹn, hoàn hảo và vô hạn, " nước hằng sống ".

Trong khi đó thì cũng với hình ảnh nước uống, sách Xuất Hành cho chúng ta một hình ảnh khác biệt.

Dân Do Thái được Thiên Chúa giải phóng khỏi Ai Cập nghi ngờ sự tự do Chúa ban không biết là tự do để đi đến sự sống hay để đi vào cỏi chết:

- "Ở đó dân khát nước, nên đã kêu trách Moisen rằng: Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải để chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật chúng tôi chết khát không?... Đức Chúa phán với Moisen:...Ta sẽ ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Oreb. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống" ( Ex 17, 3.5-6).

Như vậy hình ảnh Chúa ban nước cho dân uống, một đàng nói lên tình thương của Người đối với dân Người, nhưng đồng thời cũng nói lên nỗi khó khăn của dân chúng giữ vững niềm tin nơi Thiên Chúa, như là tác giả và người phân phát duy nhứt đời sống cho con người.

Nhưng bản tính yếu hèn hay vấp phạm sa ngã của con người, khiến họ bất tín với Thiên Chúa, không ngăn cản Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi huy hoàng của Người. Đó chính là điều Thánh Phaolồ giải thích trong thư cho các tín hữu Roma, cho biết Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta chính vì chúng ta đã là những kẻ tội lỗi:

- " Quả vậy, khi chúng ta không có sức lực làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Chúa Ki Tô đã chết vì chúng ta...Thế mà Chúa Ki Tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta " (Rm 5, 6-7).

b) Một trong những ý nghĩa khác quan trọng trong đoạn Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay: ân sủng của Thiên Chúa được chính Chúa Giêsu ban cho con người:

- " Giá chị nhận ra ân huệ Chúa ban...chắc hẳn chính chị đã xin và Người đã ban cho chị nước hằng sống" ( Jn 4, 10).

- " Đấng ấy chính là Ta, người đang nói với chị đây " ( Jn 4, 26).
Giữa những gì Chúa Giêsu nói và làm trong lịch sử nhân loại và ân huệ Chúa ban cho con người có một mối liên quan không thể chia tách được.

Không những Chúa Giêsu là " Người đã ban cho chị nước hằng sống ", mà chính Ngài là "nước hằng sống " làm thoả mãn mọi khao khát hạnh phúc của con người:

- " Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết..." ( Jn 6, 54).

- " Chính Thầy là đàng, là sự thật và là sự sống " ( Jn 14, 5).

- " Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy " ( Jn 14, 23).

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được tại sao ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu, ở đó có Nước Trời, ơn cứu rỗi đã ở giữa anh em:

- " Anh em hãy sám hối quy hướng ( về Chúa), vì Nước Trời đã ở giữa anh em " ( Mt 4, 23).
- " Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế " ( Mt 28, 20).

Hay nói như Thánh Phêrô:

- " Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại như Người đã hứa, để nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." ( 2 Pt 1,4).

Đó là những tư tưởng, diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, ơn cứu rỗi, hồng ân Thiên Chúa hay NướcTrời, hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, những ai " yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy " trong cuộc sống của họ.

Như vậy sự cứu rỗi của con người không phải là một quà tặng, của cải vật chất, một vật ngoại lai được Chúa ban cho ai tin cậy và trung tín đối với Người như một món quà.

Hạnh phúc của con người cũng không phải là một trạng thái, nơi chốn, "được Chúa đem lên thiên đàng hưởng giàu sang, danh vọng, phú quý với Nguời, không còn bệnh tật, đau khỗ, lo âu ", mà là chính cuộc sống thông hiệp giữa người tín hữu và Chúa Giêsu, sống với Chúa Cha trong Chúa Giêsu, thông hiệp với Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu thông hiệp với Cha Ngài.

Được sống hiệp thông với Thiên Chúa, sống chính đời sống mà Thiên Chúa đang sống,
- "...tham dự vào bản tính Thiên Chúa" ( 2 Pt 1,4),
mới thoả mãn được mọi khát vọng hạnh phúc vô hạn của con người, như Thánh Phêrô đã nói.

Từ ngày Thiên Chúa

- " tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài " ( Gn 1, 27),
không có sự cứu rỗi, hồng ân, hạnh phúc nào có thể thoả mãn con người, lấp đầy nỗi khát vọng hạnh phúc của con người, ngoài ra Thiên Chúa.

Ý nghĩa vừa kể được đặt liên quan đến ý nghĩa " uống nước Ta cho, sẽ không bao giờ khát nữa " trong câu 13 đoạn Phúc Âm hôm nay:

- " Ai uống nước nầy sẽ còn khát. Còn ai uống nước Ta cho, sẽ không bao giờ khát nữa " (Jn 4, 13).

Câu Phúc Âm vừa kể cắt nghĩa sự khác biệt giữa giá trị của những thực tại trần thế và ân sủng hay sự thông hiệp với Thiên Chúa, " uống nước Ta cho " được Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta.

Đọc thoáng qua câu Phúc Âm vừa kể, chúng ta có cảm tưởng rằng ngoài giá trị khác biệt giữa thực tại trần thế có giá trị tạm bợ và ân sủng thông hiệp Chúa ban với giá trị vĩnh viễn, của cải trần thế đang có giá trị hiện tại, còn giá trị của ân sủng và thông hiệp Chúa ban chỉ có ý nghĩa trong tương lai, ở đời sau, " ...hầu ngày sau được hưởng phước đời đời " , như Sách Phần Thánh Giáo Yếu Lý dạy chúng ta.

Điều đó không đúng hẳn như vậy, nếu chúng ta đọc lại các câu đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thiếu phụ Samaritana hôm nay:

- " Này chị, hãy tin Ta: đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi nầy hay tại Giêrusalem...Nhưng giờ đã đến, và chính lúc nầy đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thánh Thần và sự thật " ( Jn 4, 21.23).

- " Tôi biết Đấng Messia, gọi là Chúa Ki Tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự... Chúa Giêsu đáp: Đấng ấy chính là Ta, Người đang nói với chị đây "( Jn 4, 25-26).

Điều đó cho thấy " uống nước Ta cho ", hạnh phúc của con người, không những không phải là một sự vật, nơi chốn hay trạng thái " sẽ đến. Khi Người đến..." trong tương lai, mà là
- "Đấng ấy chính là Ta, Người đang nói với chị đây ".

Hay: " Anh em hãy sám hối ( hối cải và quy hướng về Chúa), vì Nước Trời đã đến giữa anh em" ( Mt 4, 23).

Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ.

Như vậy, hạnh phúc của con người, thông hiệp với Chúa Cha, không phải chỉ là " ...hầu ngày sau được hưởng phước đời đời ", mà là hạnh phúc được thông hiệp với Chúa Giêsu trong hiện tại, Chúa Giêsu là " nước hằng sống "
- đang ở trước mặt người thiếu phụ Samaritana,
- đang ở trong phép Thánh Thể để được đón rước và hoà tan con người chúng ta vào trong con người của Người,
- đang ở trong tâm hồn của mỗi người tín hữu Chúa Ki Tô,
- đang ở trong Giáo Hội để hướng dẫn và chúc lành cho Giáo Hội: " Thầy là đàng, là sự thật và là sự sống " ( Jn 14,5).

c) Và ý nghĩa cuối cùng chúng ta có thể suy niệm trong đoạn Phúc Âm rất súc tích hôm nay, đó là ý nghĩa của câu:

- " Và nước Ta cho sẽ trở thành nơi người ấy một nguồn mạch vọt lên, đem lại sự sống đời đời " (Jn 4, 14).

Ơn cứu rỗi, sự sống đời đời, cuộc sống thông hiệp với Thiên Chúa đã bắt đầu nơi người tín hữu Chúa Ki Tô ngày họ được tháp ghép vào thân thể mầu nhiệm của Người qua Phép Rửa, không phải chỉ là một món quà mà con người đón nhận, rồi nằm án binh bất động trong ngăn kéo.

Ơn cứu rỗi, cuộc sống thông hiệp hạnh phúc với Chúa Giêsu, sau khi được lãnh nhận, nơi người tín hữu của Người là " nguồn mạch vọt lên, đem lại sự sống đời đời ".

Người tín hữu Chúa Ki Tô được tháp gắn vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, chính họ cũng có khả năng trở thành nguồn mạch cứu rỗi cho anh em, " nguồn mạch vọt lên, đem lại sự sống đời đời" cho anh em mình.

Đó là sứ mạng của mỗi tín hữu Chúa Ki Tô, là " muối và ánh sáng " thế gian, là " nước hằng sống ", là phần thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, và là " nguồn mạch vọt lên, đem lại sự sống đời đời " cho anh em.

No comments:

Post a Comment