Trên con đường lên Giêrusalem, có câu chuyện Chúa hiển dung trên núi Taborê, ở đó Nguời bày tỏ vinh quang của mình cho môn đệ chiêm ngưỡng.
“Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết” (Mt 17,1-2).
Người ta suy luận rằng Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nếm vinh quang của Nguời, hầu khuyến khích các ông vững vàng trong cuộc khổ nạn sắp đến. Dù vậy, thì vinh quang của núi Taborê cũng không giúp các ông trung thành với Thầy mình. Họ đã bỏ Chúa trong vườn Giệtsêmani. Phêrô, một trong ba môn đệ có mặt hôm đó, thậm chí còn chối Thầy ba lần.
Tôi thiết nghĩ câu chuyện trên núi Taborê là nơi các môn đệ được thị kiến, để biết Chúa mình như thế nào. Đó là kinh nghiệm về Thiên Chúa. Kiểu như khi bạn ăn một món nào thì bạn mới biết món đó. Những người chỉ đọc thực đơn hay làm bếp thi không biết được như thế.
Đạo Kitô là đạo kinh nghiệm, trong đó người tín hữu được mời gọi nếm cảm Đấng mình tin, chứ không phải tin theo một giáo thuyết. Đó là kinh nghiệm về Thiên Chúa hay kinh nghiệm gặp gỡ Chúa.
Một cuộc đời tín hữu trưởng thành, nói đúng hơn một người đạo đức thánh thiện là người có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Ai đã có kinh nghiệm này rồi thì rất vui, đến mức có thể nói được như thánh Phêrô “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm” (Mt 17,4).
Ông Abraham đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Thế là ông từ bỏ quê huơng, gia tộc của mình, lên đuờng đi theo tiếng gọi của Chúa.
“Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: ‘Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho’” (St 12,1). Và “Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy” (câu 4a).
Ông đã thực hiện một cuộc hành trình đầy mạo hiểm, và ông đã đuợc Thiên Chúa chúc phúc. Ông trở thành tổ phụ của những kẻ tin.
Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệp gặp gỡ Chúa trên đường Damas. Kinh nghiệm đó giúp ngài dấn thân truyền giáo. Sau này, thánh nhân tuyên bố “Tôi biết tôi tin vào ai”.
Sống đạo là nhắm đến cái lí tưởng này: đó là gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày, nhất là qua cầu nguyện và khi đương đầu với thử thách của cuộc sống. Ai đã có kinh nghiệm về Chúa rồi thì sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa, xin lấy lời hằng sống mà nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.
Lm Gioan Phạm Quang Long
No comments:
Post a Comment