Wednesday, March 19, 2014

Ông Khách Lạ (Thánh Cả Giuse)

Anthony Quang Dinh

Tu hội "Đức Mẹ Mân Côi" ở Palestina, do Mẹ Alfonsine Ghattas sáng lập, là một Tu hội toàn người bản xứ. Tu hội sống đời sống đơn sơ, thanh bần, rất ít liên lạc không những với người ngoại quốc mà cả với người bản xứ.

Mẹ Alfonsine Ghattas lập nhà đầu tiên ở Belem. Mẹ đã sống nhiều năm ở đó với nữ tu tiên khởi là Sơ Franziska. Tuy khó nghèo, Mẹ cũng đã sớm nhận chăm sóc, nuôi nấng 6 trẻ mồ côi và sẵn sàng giúp đỡ tuỳ khả năng, khi có người túng thiếu đến gõ cửa. Tuy đơn nghèo túng thiếu, cả hai mẹ con Alfonsine và Franziska và các người liên hệ đều bằng lòng, hân hoan được noi gương bắt chước Chúa Hài Nhi đã sinh ra ở Belem giữa cảnh thanh bần trong đêm đông giá lạnh.


Thánh Giuse xưa đã tận tâm lo cho Thánh Gia thế nào, nay Ngài cũng đặc biệt phù giúp Tu hội Đức Mẹ Mân Côi như thế, bởi lẽ cả hai mẹ con Alfonsine và Franziska đều có lòng tôn sùng đặc biệt Thánh Giuse và đồng lòng chọn Thánh Giuse làm Đấng chở che, hộ phù Tu hội và hằng chạy đến với Người mỗi khi gặp túng thiếu hay gian nan, thử thách...

Tháng 3 năm 1904, xảy ra một chuyện lạ: Trước lễ Thánh Cả Giuse, hai mẹ con với đám trẻ côi cút và các người liên hệ cùng nhau làm tuần Cửu Nhật kính Thánh Giuse, đồng thời xin Người phù giúp cách nào vì tiền bạc, kho lẫm, thóc gạo trong nhà đều cạn cả... Đúng ngày áp lễ (18 tháng 3) thì tuần Cửu Nhật kết thúc và chút ít bánh gạo dự trù cho ngày lễ cũng cạn sạch. Cả ngày 18 qua đi mà vẫn chẳng thấy một sự cứu giúp nào từ trời. Tuy không biết ngày mai (19 tháng 3) phải lấy gì dọn cho đám trẻ tội nghiệp, cả Mẹ Alfonsine lẫn sơ Franziska đều vững lòng cậy trông và nhắc nhở nhau:

- Thánh Giuse - Cha Nuôi Chúa Giêsu và Bạn Thanh Sạch Đức Mẹ Đồng Trinh - sẽ giúp. Người không quên chúng ta đâu.

Trời bắt đầu tối. Mưa gió thình lình nổi lên... Rồi bất thần có tiếng gõ cửa. Sơ Franziska vội vàng ra xem ai. Vừa mở cửa, Sơ ngỡ ngàng thấy một người lạ đứng đó, trên lưng mang một đống đồ nặng trĩu. Sơ chưa kịp chào hỏi, ông khách lạ đã nhã nhặn nói:

- Đây là chút quà cho mấy trẻ em.

Thấy ông khách lạ nhã nhặn, tử tế, lại đem quà cho đám trẻ, Sơ Franziska vững dạ gọi Mẹ Alfonsine, mở cửa mời ông khách lạ vào phòng khách, giúp ông gỡ đống đồ nặng trên lưng.
Đó là cái áo choàng (Abaije) của người Ả Rập, ông khách lạ dùng để bọc các thứ quà ông mang đến. Một điều hơi lạ là cả Mẹ Alfonsine lẫn Sơ Franziska đều để ý: Sơ Franziska chỉ qua lại mấy phút ở ngoài sân để đón khách mà mình bị ướt đẵm (vì trời mưa lớn), còn ông khách lạ: cả người lẫn áo quần và đồ mang trên lưng vẫn khô ráo, sạch sẽ như thường... Hai mẹ con mời ông khách lạ an toạ, rồi Mẹ Alfonsine hỏi ông:

- Xin lỗi, ai đã nhờ ông mang quà đến cho chúng tôi? Có phải các Sư huynh ở Tantur không?

- Không.

- Có phải các Sơ ở Hortas không?

- Không

- Hay cha sở Schukri ở Betschala?

- Không.

Mẹ hỏi câu nào, ông khách lạ đều đáp là "Không."

Đang lúc Mẹ Alfonsine và Sơ Franziska chuyện trò với ông khách lạ, thì đám trẻ nghe có người đến cho quà bánh, chúng reo mừng hớn hở chạy đến, túm vào cùng với Sơ Franziska khiêng đống quà xuống bếp. Khi đã tháo gỡ tất cả đồ bọc trong đó: bánh trái, hoa quả, rau lá đủ thứ. Sơ Franziska và các người có mặt thấy cái áo choàng Ả Rập (Abaije) hết sức đẹp đẽ, vải còn mới tinh, mầu sắc tuyệt vời linh động... Sơ Franziska thầm nghĩ trong đầu: "Thật uổng quá, cái áo đẹp và còn mới như vậy mà đem bọc rau cỏ, hoa quả, bánh trái... Nhưng lúc nhìn kỹ lại thì cái áo vẫn mới tinh, sạch sẽ, không chút nhớp nhúa, dơ bẩn tì tích gì... Ai cũng bỡ ngỡ thì thầm...

Nãy tới giờ, Mẹ Alfonsine và ông khách lạ vẫn thích thú nhìn Sơ Franziska và đám trẻ hớn hở, tíu tít khui bọc quà... Mẹ Alfonsine cũng thầm khen phục ông khách lạ: Tuy người ông có gầy ốm chút ít, nhưng tầm thước thật cân đối, mặt mũi hiền lành, bình thản, nhất là con người ông thấy như toả giãi một phong cách khác thường... Sau khi đã khui xong bọc quà, Sơ Franziska đem chiếc áo choàng lại cho ông khách với lời cám tạ nồng nhiệt về bọc quà vừa nhiều vừa quý và lạ. Ông khách lạ đỡ lấy cái áo nhưng không quàng vào mình như thường lệ khi trời mưa. Ông gấp lại, đeo trên cánh tay và xin từ biệt Mẹ Alfonsine. Mẹ vội vã hỏi ông:

- Thưa ông, chúng tôi phải trả thù lao cho ông chút gì chứ? Hay ông có muốn chút chi để ăn uống trên đường về không?

Ông khách đáp lại:

- Xin cám ơn, xin cám ơn. Tôi không cần chi cả, bà cũng không phải trả thù lao cho tôi.
Nói xong, ông chào biệt rồi ra về trong đêm mưa gió. Khi ông khách lạ đi rồi, cả Mẹ Alfonsine lẫn Sơ Franziska tự nhiên thấy mình như người mê mới tỉnh lại, vừa ngỡ ngàng trước diễn tiến sự việc mới xảy ra vừa la lên cùng một câu nói giống như nhau:

- Lạy Chúa, ông khách lạ chắc là Thánh Giuse rồi.

Lúc ấy, cả hai mới sực nhớ và cùng nuối tiếc đã quên không hỏi quý danh và xuất xứ của ông khách lạ. Và cả hai đều đồng lòng qủa quyết: Trực tiếp hay gián tiếp thì chính Thánh Giuse đã cứu giúp chúng ta trong cơn túng quẫn...

Ngay sáng hôm sau, Mẹ Alfonsine đã cho người liên lạc đến các ân nhân ở các địa điểm trên đây (Tantur, Hortas, Betschala), hỏi xem có phải họ đã cho người mang quà đến cho mình không? Tất cả đều trả lời "Không". Họ vừa mừng cho Mẹ vừa ngạc nhiên suy nghĩ...

Vậy là cả tuần lễ ấy, các Sơ và đám trẻ em vẫn còn thưởng thức món quà ông khách lạ mang đến. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn, Mẹ Alfonsine luôn nhắc nhở đám trẻ:

- Hỡi các con, đây là quà Chúa ban và Thánh Giuse mang từ trời xuống. Các con cứ vui vẻ ăn uống, thưởng thức, nhưng đừng bao giờ quên ơn Chúa và Thánh Cả...

Sơ Franziska còn cho biết:

- Trong số các thứ bánh trái, hoa quả và rau, có nhiều thứ Sơ chưa hề thấy bao giờ và cũng không phải là thổ sản của xứ Palestine. Hương vị đều tuyệt vời, không biết xuất xứ từ đâu!
Mọi người trong nhà đều mừng vui hoan hỷ. Và từ ngày ấy, lúc nào trong nhà có hai người gặp nhau là luôn vang lên bản hoà âm vắn tắt: "Tạ ơn Chúa, cám ơn Thánh Giuse."

(Theo NS. Trái Tim Ðức Mẹ - Hoa Kỳ)

No comments:

Post a Comment