CHƯƠNG I:
DẪN NHẬP: ĐỨC TIN, HY VỌNG, TÌNH YÊU
Thưa Hồng Y, có khi nào ngài cảm thấy sợ Chúa không?
Có lẽ nói sợ thì không đúng. Qua Đức Ki-tô ta biết Chúa là ai rồi. Ngài yêu ta. Ngài biết ta là người thế nào. Là xác thịt, là tro bụi. Vì thế Ngài chấp nhận cái yếu đuối của ta.
Nhưng tôi luôn có cái cảm giác nóng bỏng là không chu toàn ơn gọi của mình, không đáp ứng điều Chúa muốn, và đã không cho đi cái mình có thể cho và phải cho.
Đã có lần nào Chúa phiền hà ngài hay đã có lúc nào ngài quyết định sai lầm?
Chúa không phải là người cảnh sát, mà cũng chẳng phải vị quan toà chỉ muốn phạt mình. Nhưng, vì đức tin và nhiệm vụ được trao, mỗi ngày tôi phải xét mình, xem đã làm gì phải hay không phải. Dĩ nhiên tôi cũng thấy có điều lầm lỗi. Chuyện đó đã có bí tích hoà giải.
Người ta nói, người công giáo mang mặc cảm tội lỗi trước mặt Chúa.
Tôi tin rằng người công giáo, trước hết nói chung, có cảm nhận là được Chúa thứ tha. Hãy xem nghệ thuật Ba-rốc hoặc Rô-cô-cô. Ở đó toát lên nét tươi vui thanh thoát. Không phải không có lí do mà người ta bảo dân các nước công giáo điển hình như Í-đại-lợi hay Tây-ban-nha đều có tâm hồn thanh thản.
Có lẽ cũng có những vùng Ki-tô giáo, mà vì lối giáo dục hoặc quan niệm lệch lạc, đã đề cao sự đe doạ và hình phạt, nhưng bản chất Ki-tô giáo không phải vậy. Theo tôi thấy, nói chung, những ai sống trong niềm tin của Giáo Hội, cuối cùng đều mang cảm nhận được cứu độ: Chúa không để mình hư mất!
Thỉnh thoảng Chúa có dùng thứ ngôn từ thật cụ thể để nói với ta: „Được, cứ thế mà làm“. Hay: „Này dừng tay lại, đây là lời cảnh cáo cuối cùng!“ không?
Tiếng Chúa nhỏ nhẹ lắm. Nhưng Ngài cho ta nhiều dấu chỉ. Có thể khi nhìn lại, ta nhận ra dấu chỉ đó qua bạn hữu, qua một cuốn sách hay qua một thất bại, thậm chí một tai nạn. Cuộc sống thật ra đầy những dấu chỉ âm thầm như thế. Với đầu óc tỉnh táo, từ từ ta nhận ra cái toàn thể từ các dấu chỉ đó, và ta bắt đầu cảm được Chúa đang dẫn dắt ta như thế nào.
Ngài trò chuyện với Chúa một cách tự nhiên như khi gọi điện thoại?
Cũng có thể nói được như thế, trong mức độ nào đó. Tôi biết Ngài luôn có đó. Và Ngài dĩ nhiên biết tôi là ai, và tôi là người như thế nào. Nhất là khi tôi có nhu cầu muốn kêu Ngài tới, muốn tự thông báo và muốn thưa chuyện với Ngài. Tôi có thể trao đổi với Ngài những chuyện thật đơn giản, thật riêng tư, thật khó chịu cũng như điều lớn lao. Tôi gặp Ngài dễ dàng, suốt ngày luôn có thể nói chuyện với Ngài.
Chúa luôn tỏ ra nghiêm nghị, hay Ngài cũng có khi hài hước?
Tôi tin rằng Ngài nhiều hài hước. Đôi khi Ngài đẩy nhẹ ta một cái và nhắc, này con, đừng coi trọng mình! Hài hước thực ra là một thành phần trong bức tranh tươi vui của thụ tạo. Nếu đế í, ta thấy Chúa nhiều lúc trong cuộc sống cũng muốn ta đừng quan trọng hoá vấn đề, hãy hạ mình xuống, hãy nhìn khía cạnh tươi vui, và đừng quên mặt hài hước của cuộc sống.
Đôi khi Ngài cũng phải bực bội Chúa?
Dĩ nhiên nhiều lúc tôi cứ loay hoay với câu hỏi: Tại sao Chúa không giúp tôi nhiều hơn? Đôi khi tôi thấy Ngài khó hiểu. Những khi bất chợt gặp bực tức, tôi cũng cảm thấy Ngài bí ẩn và xa lạ. Nhưng trực tiếp giận Chúa, như thế là ta đã kéo Ngài xuống quá thấp. Nhiều khi lỗi nằm chính nơi cơn giận. Và nếu như cơn giận có lí do, thì ta phải nên tự hỏi, phải chăng Chúa muốn dùng sự việc hay cá nhân nào đó làm ta giận để nhắn nhủ mình một chuyện gì quan trọng? Tôi không bao giờ bực chính Chúa.
Mỗi sáng ngài bắt đầu làm gì?
Trước khi đứng dậy, tôi cầu kinh một lát. Ngày tới sẽ khác, nếu ta không nhảy bổ ngay vào nó. Rồi đến những việc khác như người ta vẫn làm lúc sáng sớm, rửa ráy, ăn sáng. Sau đó dâng thánh lễ và đọc kinh nguyện. Hai chuyện này là công việc chính trong ngày của tôi: Thánh lễ là cuộc gặp gỡ cụ thể với Đức Ki-tô phục sinh, và kinh nguyện là đi vào lời cầu lớn của lịch sử cứu rỗi. Tôi thích nhất đọc Thánh Vịnh. Đó là lời cầu ngàn năm tiếp nối, và đọc nó là ta nghe tiếng nói của các giáo phụ. Tất cả những thứ đó là cánh cửa dẫn con người bước vào một ngày. Rồi tới công việc thường nhật.
Ngài cầu nguyện thường xuyên?
Các giờ nguyện trong ngày là buổi trưa, theo truyền thống Giáo Hội, lúc đó ta cầu cùng thiên thần Chúa (kinh truyền tin). Buổi chiều có kinh chiều, và tối có lời kinh tối của Giáo Hội. Giữa những giờ kinh đó, khi cảm thấy cần ơn Chúa, tôi đọc thêm những lần kinh ngắn.
Mỗi sáng ngài cầu kinh khác nhau?
Không, chỉ có một bộ kinh sẵn, đó là một chuỗi lời kinh ngắn, nhưng đã được kết lại thành một công thức không đổi.
Theo ngài, nên đọc kinh nào?
Mỗi người, tùy sở thích, có thể chọn cho mình một đôi kinh trong kho tàng của Giáo Hội. Buổi tối, khi cảm thấy mình bất an... ... thì tôi khuyên nên lần chuỗi. Ngoài tính chất linh thiêng của lời kinh, chuỗi còn có tác dụng trấn an tâm hồn. Càng để tâm lập đi lập lại lời kinh, ta quên đi những ý nghĩlàm mình nặng đầu.
Nếu như có chuyện đau đầu, thì ngài tự giải quyết chúng bằng cách nào?
Tại sao tôi lại được miễn những chuyện đau đầu? Một mặt, tôi cố đưa chúng vào lời kinh nguyện, và cố bám chắc mình trong các lời kinh đó. Mặt khác, tôi cố đề ra cho mình một công việc khác, đòi hỏi công sức thực hiện cao hơn và đồng thời mang lại niềm vui cho mình. Và cuối cùng, nếu chưa hết, tôi có thể giải toả chúng phần nào qua gặp gỡ bạn bè. Ba yếu tố đó quan trọng.
Tôi tin rằng ai cũng có lúc cảm thấy mỏi mệt, bị xâu xé, bất lực, và thất vọng cũng như tức giận về số phận xem ra âm thầm, bất công của mình. Ngài bảo đưa chúng vào kinh nguyện – đưa bằng cách nào?
Có lẽ nên bắt đầu như ông Gióp. Thoạt tiên mình phải la Chúa: Tại sao Chúa đối xử với con như thế? Tiếng la của Gióp là một tiếng la thật, nó cũng nói cho ta biết, là mình có quyền làm như vậy – và ngay cả phải làm như vậy. Dù Gióp có than trách Chúa thật, cuối cùng Ngài cũng phải cho ông là có lí. Ngài bảo: Gióp làm đúng, còn những người khác, họ giải thích mọi chuyện, nhưng đã không nói về Ta một cách đúng đắn.
Gióp nhảy vào cuộc đấu với những lời than trách Chúa. Nhưng rồi dần dần ông nghe ra tiếng Ngài, và sự việc đã xoay sang một chiều hướng khác. Nhờ đó, tôi bước ra khỏi tình trạng chỉ cảm thấy bị bách hại mà thôi, và biết rằng, dù lúc này đây tôi chưa thể hiểu ra tình yêu của Chúa, nhưng tôi có thể tin tưởng vào nó, và tin rằng, tình trạng đang xẩy ra cho tôi không hẳn là xấu.
Có lẽ người ta nên nghiêm khắc hơn đối với những chuyện đau đầu, đừng cho phép chúng lọt vào đầu thì hơn.
Chẳng ai cấm được chúng. Các quyết định phải lấy, các thất bại, hiểu lầm, thất vọng... là những thứ con người không thể tránh được, mà cũng không nên tránh. Các vấn nạn khó khăn còn có tác dụng giáo dục, chúng giúp con người tập giải quyết vấn đề. Nếu muốn trở nên hoàn toàn như thép hoặc chai cứng, con người sẽ mất đi tính người và mất khả năng nhạy cảm, ngay cả đối với tha nhân. Ông Seneca*, một người theo chủ nghĩa khắc kỉ, đã nói: Đau khổ vì kẻ khác là chuyện đáng tởm. Nhưng, nếu ta nhìn lên Chúa Ki-tô, ta thấy Ngài là đấng đã vì ta mà khổ đau, và chính cái đó làm Ngài trở nên cao trọng đối với ta. Có thể đau vì kẻ khác và có thể bị tổn thương là những thứ cũng thuộc bản chất của người theo Chúa. Như vậy, mình phải học chấp nhận tổn thương, học sống với tổn thương, và rốt cuộc phải tìm cách chữa lành chúng.
Nhiều người lúc nhỏ biết cầu nguyện, tới một lúc nào đó thói quen biến mất. Phải học nói chuyện với Chúa?
Cái bộ phận dành cho Chúa trong ta có thể bị hư, nó làm cho ngôn ngữ đức tin mất hết ý nghĩa. Vả, ai không còn nghe được thì cũng chẳng còn nói được, bởi vì câm và điếc đi đôi với nhau.
Cầu nguyện cũng giống như ta học tiếng mẹ đẻ. Càng học, từ từ mình càng lần ra được ngôn ngữ của Chúa và hiểu Ngài, cho dù Ngài vẫn luôn ẩn mặt. Và lần hồi chính mình biết ra được cách cầu nguyện và nói chuyện được với Chúa, bước đầu với những lời trẻ con – trong một ý nghĩa nào đó chúng mình vẫn luôn là trẻ con –, nhưng rồi càng lúc càng có được thứ ngôn ngữ riêng của mình.
Có lần ngài nói: Ai chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù…
…bởi vì người đó đã tự hạn chế mình vào một khoảng chân trời hạn hẹp, và không còn nhìn ra được cái cơ bản nữa. Có ai thấy được trí khôn mình đâu. Chính những cái quan trọng nền tảng ta không thể thấy thuần bằng mắt. Vả lại,ta cũng chẳng thấy đúng,nếu như ta không phóng tầm nhìn vượt trên những cảm nhận giác quan trực tiếp.
Có người bảo, có được đức tin cũng giống như mình có cú nhảy vọt từ ao ra biển. Ngài còn nhớ biến cố đức tin lớn đầu đời của ngài không?
Nơi tôi, đức tin lớn lên một cách âm thầm. Dĩ nhiên có những cao điểm, chẳng hạn như qua phụng vụ, qua thần học hay lúc suy tư đào sâu thần học, mình bỗng gặp được một cái gì mới đưa mình lên và đẩy mình đi xa trong đức tin. Tôi không thấy mình có được cú nhảy như anh nói. Mà trái lại, tôi như từ vũng nước cạn dám liều lĩnh dè dặt bước ra, và từ từ cảm được đại dương đang tới.
Tôi cũng nghĩ, đức tin không bao giờ là cái gì đã hoàn chỉnh. Mà nó luôn phải được sống và thử thách trong cuộc sống, trong đau khổ, cũng như trong những niềm vui lớn mà Chúa trao tặng cho ta. Nó chẳng bao giờ như thể một đồng tiền mình có thể cầm bỏ túi.
MỘT HÌNH ẢNH VỀ CHÚA
Thỉnh thoảng đứa con trai tôi hỏi: Ba có biết Thiên Chúa như thế nào không?
Có lẽ tôi sẽ trả lời nó : Thiên Chúa giống như Đức Giê-su Ki-tô. Đức Ki-tô cũng đã có lần nói: „Ai thấy tôi thì thấy Cha“. Và nếu như ta nhìn toàn bộ lịch sử Đức Giê-su - khởi đi từ máng cỏ, qua giai đoạn công khai, những lời giảng giá trị và sống động, cho tới bữa tiệc li, tới thánh giá, phục sinh và tới lệnh sai đi rao giảng -, ta sẽ nhìn ra phần nào khuôn mặt Thiên Chúa. Khuôn mặt đó một đàng nghiêm trang và cao cả, vượt lên trên mọi khuôn thước của chúng ta. Nhưng đồng thời nét tiêu biểu của khuôn mặt đó lại là thương yêu, chấp nhận, muốn điều tốt lành cho ta.
Cũng có lời dạy, không nên vẽ cho Thiên Chúa một bộ mặt nào.
Lời dạy đó không còn đúng hẳn, vì chính Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho ta. Trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô nói về Đức Ki-tô: Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa. Và nơi Ngài thể hiện mọi điều đã được nói tới trong việc tạo dựng con người.
Đức Ki-tô là hình ảnh nguyên mẫu của con người. Thật ra, chúng ta không thể trình bày chính Thiên Chúa trong nét bất tận muôn đời của Ngài, nhưng chúng ta có thể trình bày Ngài qua hình ảnh chính Ngài đã tỏ ra. Từ đây, ta không còn tạo ra một khuôn mặt nữa, mà chính Thiên Chúa đã tỏ khuôn mặt ấy ra. Với khuôn mặt đó, Ngài nhìn ta và nói với ta.
Khuôn mặt Đức Ki-tô, dĩ nhiên, không đơn giản là một ảnh chụp khuôn mặt của Thiên Chúa. Nhưng qua khuôn mặt của Đấng bị đóng đinh đó, ta thấy được toàn bộ tiểu sử, nhất là tiểu sử nội tâm, của Đức Giê-su. Khuôn mặt đó dẫn ta vào một cái nhìn, trong đó các giác quan mở ra và vươn lên cao.
Ta có thể phác hoạ Đức Giê-su chỉ bằng vài nét tiêu biểu không?
Ở đây, ngôn ngữ loài người không đủ. Căn bản mà nói, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài vừa là Chúa vừa là người. Ngài chính là đấng không những mang nét tài ba hoặc uy dũng của phàm nhân, mà còn được Thiên Chúa xuyên chiếu. Có thể nói, khi nhìn Đức Giê-su bị banh thây trên thánh giá, ta thấy được Thiên Chúa như thế nào: là đấng đã tự trao tặng cho ta đến mức độ như thế.
Đức Giê-su là một người công giáo?
Điều này hẳn không nói được, vì Ngài vượt trên chúng ta. Ngày nay người ta có một công thức ngược lại, bảo rằng Ngài là một người Do-thái, chứ không phải là một ki-tô hữu. Điểm này cũng không đúng hẳn. Về chủng tộc, thì Ngài là một người Do-thái. Là Do-thái, vì Ngài chấp nhận và sống theo luật do-thái, và – dù bị chỉ trích – Ngài là một người Do-thái sùng đạo, vì đã tuân giữ nội qui của đền thánh. Nhưng dù vậy, Ngài đã phá vỡ và vượt lên trên Cựu Ước – qua sự uỷ quyền của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Đức Giê-su tự coi mình như là một Mai-sen mới và cao hơn. Mai-sen này giờ đây không còn chỉ có việc giải thích, nhưng là làm mới. Ngài vượt lên trên cái đã có, và qua đó tạo ra cái mới, nghĩa là mở rộng Cựu Ước ra cho một dân tộc không còn đóng khung trong Do-thái nữa, nhưng toả ra cả thế giới và không ngừng lớn rộng. Như thế, Ngài là điểm xuất phát của đức tin, và là vị mà Giáo Hội công giáo biết rằng vị đó muốn mình trở nên như thế, nhưng dù vậy, Ngài vẫn chẳng phải đơn thuần là một thành phần trong chúng ta.
Bằng cách nào và từ lúc nào ngài biết được Thiên Chúa muốn gì nơi ngài?
Ý của Thiên Chúa không dừng lại ở một lúc nào cả, thành ra để hiểu Ngài muốn gì, tôi nghĩ, mình phải luôn học đi học lại. Tuy nhiên, nếu anh muốn nói tới cái quyết định làm linh mục, cái hướng nền tảng mà tôi đã nhắm tới, thì đó là một quá trình chín muồi cao độ đã xẩy ra, cũng có khi khá phức tạp, trong những năm tôi học thần học. Tôi gặp con đường đó nhờ qua việc gần gũi với Giáo Hội, qua các vị thầy linh mục hướng dẫn và bạn đồng hành, dĩ nhiên qua Kinh Thánh. Khởi đầu là cả một mớ tương giao phức tạp, từ từ với thời gian mới rõ dần ra.
Nhưng cũng có lần ngài nói, ngài đã có một „cuộc gặp gỡ thực sự“ với Thiên Chúa khi quyết định chọn nghề linh mục. Cuộc gặp gỡ đó giữa Chúa với Hồng Y Ratzinger xẩy ra như thế nào?
Dĩ nhiên không như một cuộc hẹn hò giữa hai con người. Có lẽ có thể diễn tả nó như có một cái gì chạm tới da mình rồi chạy vào nung đốt lòng mình. Rồi mình thấy là sự việc giờ đây không thể khác đi được, thật đơn giản, đó là con đường đúng. Không phải là một gặp gỡ theo nghĩa giác ngộ thần bí. Nó không nằm trong lãnh vực kinh nghiệm, để mình được phép ba hoa về nó. Nhưng có thể nói, toàn bộ cuộc vật lộn đó đã dẫn tôi tới một nhận thức rõ ràng và thúc bách, mà thâm tâm tôi coi đó là ý Chúa muốn.
“Thiên Chúa đã yêu bạn trước”, đó là lời dạy của Đức Ki-tô. Và Ngài yêu bạn bất chấp nguồn gốc và giá trị của bạn. Phải hiểu lời đó như thế nào?
Nên hiểu lời đó từng chữ như đã viết, và tôi cũng cố hiểu như vậy. Bởi vì đó quả thật là động lực sống lớn cho chúng ta, và cũng là niềm an ủi mà chúng ta cần. Mà ta luôn cần những thứ đó.
Ngài đã yêu tôi trước, trước khi chính tôi có thể yêu. Tôi sở dĩ được tạo thành, là chỉ vì Ngài đã biết và đã yêu tôi trước. Như vậy, như Heidegger* nói, không phải ngẫu nhiên mà tôi bị ném vào thế giới và phải lần mò trong đại dương cuộc sống này, nhưng đã có một nhận thức, một ý tưởng và một tình yêu đi trước. Tình yêu đó có mặt nơi nền tảng hiện hữu của tôi.
Điều quan trọng cho mỗi người, cái làm cho cuộc sống họ trở nên đáng trọng, là biết rằng mình được yêu. Một cá nhân có thể thắng vượt được hoàn cảnh nghiệt ngã, khi người đó biết rằng có ai đó đang chờ mình, có người thương mình, cần mình. Chúa đã có đó và yêu tôi. Và đó là cái nền khả tín tôi dựa trên đó mà sống, và cũng từ nền đó tôi hoạch định cho chính cuộc đời mình .
KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN
Thưa Hồng Y, chưa bao giờ trên thế giới người ta tìm về niềm tin Ki-tô giáo nhiều như vậy. Trong vòng 50 năm qua, số người công giáo đã tăng lên gấp đôi, trên một tỉ tín hữu. Nhưng trong nhiều nước thuộc vùng gọi là cựu thế giới, ta tiếp tục chứng kiến tiến trình tục hoá. Xem ra một phần lớn xã hội trong các quốc gia Âu châu hoàn toàn muốn chia tay với gia sản tinh thần mình. Những kẻ chống lại đức tin chửi Ki-tô giáo là „vô phúc“, và tìm cách thoát ra khỏi nó. Trong cuốn „Muối Cho Đời“ trước đây, chúng ta đã bàn kĩ vấn đề này rồi. Nhiều người sẵn sàng nhắm mắt đi theo trào lưu chống Đạo và chống Giáo Hội này. Lí do thường là vì con người đã đánh mất nội dung và dấu chỉ của đức tin. Ta không còn hiểu ý nghĩa của những gì trong đạo nữa. Giáo Hội chẳng còn gì để nói nữa sao?
Hẳn chúng ta đang sống trong một không gian lịch sử, trong đó cơn cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa đã trở nên rất mạnh. Văn minh kĩ thuật và mức sống phồn thịnh đưa ta tới khẳng định, là mọi chuyện có thể tự tay ta làm được. Khi nghĩ như vậy, đương nhiên ta hạn chế cuộc sống vào cái chúng ta có thể làm, có thể tạo ra, và có thể chứng minh được mà thôi. Như vậy, vấn đề Thiên Chúa chằng cần đặt ra nữa.
Nếu ta tổng quát hoá nhận định đó – lối nghĩ trên có sức quyến rũ rất mạnh, bởi vì việc nhìn lên Chúa quả thật đòi hỏi mình phải vươn lên một bình diện khác hơn, khả năng này xem ra trước đây dễ có hơn bây giờ -, thì rõ ràng ta chỉ còn có việc nói: Cái gì mà chúng tôi không làm được, thì cái đó cũng chẳng có.
Hiện nay có khá nhiều nỗ lực xây dựng những nền đạo đức bất cần tới Thiên Chúa.
Đúng, ý hướng của những nỗ lực trên là đi tìm cái gì xem ra tối ưu cho nhân loại. Mặt khác, người ta cũng có những nỗ lực tìm cách bào chế hạnh phúc, nghĩa là xem việc đáp ứng nhu cầu nội tâm của con người như một sản phẩm có thể chế biến. Hoặc bằng qua các loại hình tôn giáo xem ra chẳng cần đức tin, đó là các phong trào huyền bí (Esoterik), mà chung qui lại, thường không gì khác hơn là những kĩ thuật tạo hạnh phúc.
Tất cả những hình thức muốn giữ thế giới cân bằng và muốn tự giải quyết cuộc đời mình nói trên rất gần với lối sống và sinh hoạt của thời đại chúng ta hiện nay. Các lời dạy của Giáo Hội, trái lại, bị xem là cổ lỗ, người ta cho rằng chúng đúng cho xưa mà không còn đúng cho nay nữa, hoặc vì chúng xuất phát từ một lối sống khác, xem ra hoàn toàn xa lạ với lối sống hiện tại.
Giáo Hội rõ ràng chưa nhảy được cả hai chân vào thời hiện tại. Một công tác lớn đang chờ chúng ta, là phải làm sao đổ đầy kinh nghiệm sống vào những lời dạy quan trọng, tuy cũ nhưng còn giá trị, một cách cho người ta dễ đón nhận. Trước mắt chúng ta còn khối công việc phải làm.
Hình ảnh về Thiên Chúa mà phong trào huyền bí đang quảng bá càng ngày càng lìa xa hình ảnh Thiên Chúa trong đạo Ki-tô và Do-thái. Họ bảo, các giáo trưởng (Rabbi) và linh mục, thậm chí cả Kinh Thánh, không phải là nguồn sứ điệp của Chúa. Vì thế, tốt hơn, con người nên nghe theo cảm quan mình. Họ nên thoát ra khỏi những trói buộc cổ hủ của các tôn giáo và tránh xa giới linh mục đam mê quyền lực, để trở về với cái hạnh phúc và cái toàn diện, như chúng đã được trù định ngay từ ban đầu cho con người. Nhiều điều nghe ra thật đầy hứa hẹn.
Quan điểm đó đánh trúng vào nhu cầu hiện tại của ta về tôn giáo và cả vào nhu cầu của ta muốn đơn giản hoá mọi thứ. Vì thế, tự nó có sức toả sáng và hứa hẹn thành công. Nhưng ta cũng phải hỏi: Sứ điệp đó được ai hay cái gì hợp thức hoá? Phải chăng vì nó xem ra dễ hiểu và có lí đối với ta nên nó được hợp thức hoá? Dễ hiểu và có lí phải chăng là tiêu chuẩn đủ để ta chấp nhận một sứ điệp về Thiên Chúa? Hay cái dễ hiểu, có lí đó có thể là một cám dỗ đang mơn trớn ta? Nó chỉ cho ta lối đi đơn giản thật đấy, nhưng cũng ngăn cản ta nhìn ra thực tại.
Cuối cùng thì, theo sứ điệp trên, cảm quan chính là thước đo để ta ấn định ai là Thiên Chúa và ta phải sống thế nào cho nên. Nhưng cảm quan luôn thay đổi, và như vậy chính ta sẽ sớm nhận ra rằng mình đang xây nhà trên cát. Thoạt tiên, nó xem ra quyến rũ thật,nhưng cái đó rốt cuộc cũng chỉ là những ý nghĩkhả nghi của con người.
Cơ bản đức tin của chúng ta thì lại khác. Ở đây, không phải ta gặp một cái gì do mình tự nghĩ ra, nhưng là đón nhận một cái gì lớn lao đang tới với ta, lớn hơn những thứ do con người có thể nghĩ ra.
Khoan: Đó là chuyện Giáo Hội dạy!
Cái đó được chứng thực qua lịch sử, và lịch sử đã lớn lên từ đó. Cũng có thể nói là Thiên Chúa đã tự thể hiện đi thể hiện lại trong lịch sử, và Ngài vẫn tiếp tục thể hiện trong đó. Tôi nghĩ, trong tập sách này, rồi ta sẽ biết thêm nhiều điều liên quan tới điểm này.
Rốt cuộc thì những điều Chúa nói với ta hay những gì ta nghĩ về Ngài đều không đủ đối với ta. Mà chuyện quan trọng là Ngài đã làm gì cho ta, đó là điều ta cần và là cái nền để ta có thể xác lập cuộc đời trên đó. Ở đây, ta có thể nhận ra, là không những chỉ có lời viết về Chúa, mà còn có một thực tế về Ngài. Không những chỉ có điều do con người nghĩ ra, mà còn có một cái gì đã xẩy ra; xẩy ra trong nghĩa chữ một cuộc khổ hình. Thực tế đó lớn hơn mọi từ ngữ, cho dù nó khó hiểu hơn.
Đối với nhiều người, việc coi một kẻ bị án tử ở Palestin khoảng năm 30 là người “được xức dầu“, „được Thiên Chúa chọn“, là „Ki-tô“, và bảo người đó là tâm điểm của toàn bộ lịch sử, không những đó là chuyện khó tin, mà còn là một khiêu khích quái gỡ.
Có hàng trăm nhà thần học ở Á châu bảo rằng, Thiên Chúa quá lớn và quá bao trùm, không thể chỉ hiện thân trong một cá nhân được. Và quả thực, nếu việc cứu độ toàn thế giới chỉ hướng vào một điểm duy nhất mà thôi, thì đức tin có vì thế mà bị bó hẹp đi không?
Kinh nghiệm tôn giáo ở Á châu, một đàng coi Thiên Chúa quá lớn lao, đàng khác cho rằng khả năng hiểu biết con người lại quá hữu hạn, nên Thiên Chúa, theo họ, chỉ có thể trình bày bằng muôn vàn hình ảnh phản chiếu mà thôi. Và như thế, Đức Ki-tô có thể là một khuôn mặt biểu trưng đặc biệt của Thiên Chúa, một nét phản chiếu của Ngài, chứ hoàn toàn không phải là toàn thể bộ mặt của Ngài.
Xem ra đó là thái độ khiêm tốn của con người đối với Thiên Chúa. Người ta đã không tưởng tượng được Thiên Chúa lại có thể đi vào một cá nhân. Và với khả năng suy tư của con người, chúng ta có lẽ chẳng trông mong gì hơn, ngoài việc chỉ có thể cảm nhận được Ngài như một tia sóng nào đó, hay chỉ thấy được một phần nhỏ nhoi nào đó bộ mặt của Ngài mà thôi.
Nghe không phải là không có lí.
Vâng. Đúng lí ra ta phải nói Thiên Chúa quá lớn, không thể đi vào một con người nhỏ nhoi. Ngài quá lớn để không một tư tưởng hay ngôn từ nào có thể diễn tả được. Ta chỉ có thể thấy và hiểu Ngài qua những kinh nghiệm đa dạng và mâu thuẫn. Mặt khác, sự khiêm tốn sẽ trở thành kiêu ngạo, nếu như ta không cho phép Ngài được tự do và có quyền lực yêu thương để trở nên bé nhỏ.
Đức tin Ki-tô giáo mang lại cho ta an ủi, là Thiên Chúa rất lớn, nhưng lại có thể trở nên bé nhỏ. Và chính việc Ngài có thể trở nên bé nhỏ, có thể cúi mình xuống, đã thực sự đi vào một con người, đã mặc lấy xác phàm nhân – không phải mặc như mặc một chiếc áo rồi lại cởi ra – và đã trở nên chính con người đó, đối với tôi, lại là một chiều kích hoàn toàn không ngờ về sự lớn lao của Thiên Chúa. Chính qua điều đó ta mới thấy chiều kích vô biên thật sự của Ngài, bởi vì nó dữ dội hơn, ngoài sức tưởng tượng hơn, và đồng thời cứu độ hơn mọi thứ khác.
Trong trường hợp khác, có lẽ chúng ta cũng phải luôn sống với nhiều điều không phải sự thật. Những mảng mâu thuẫn hàm chứa trong Phật giáo và Ấn giáo quả đã khiến họ đề ra giải-pháp thần bí phủ định (negative Mystik). Mà như thế thì Thiên Chúa trở nên phủ định – và như vậy, rốt cuộc Ngài cũng chẳng có gì để nói cho thế giới này trong chiều hướng tích cực và xây dựng cả. Thiên Chúa độc nhất mà ta tin, trái lại, là đấng có quyền thực hiện tình yêu bằng cách đi vào một con người. Ngài trở nên hiện diện và tỏ mình ra cho ta biết, bằng cách nhận ta vào chung bàn với Ngài. Và chính đó là điều chúng ta cần, để ta không phải sống và kết thúc đời mình trong những mảnh vụn, trong những chân lí nửa vời. Điều này không có nghĩa là ta không còn học được gì nơi các tôn giáo khác. Cũng chẳng có nghĩa là đức tin Ki-tô giáo đã được đóng khuôn hoàn tất, chẳng còn có thể phát triển thêm. Đức tin Ki-tô giáo là cuộc phiêu lưu luôn gặp cái mới. Và sở dĩ đức tin đó vô tận, chính là vì chúng ta công nhận Thiên Chúa này có những khả năng bất tận.
Trên nguyên tắc, đức tin luôn nằm sẵn trong mỗi con người?
Nhìn vào lịch sử nhân loại cho mãi tới tận thời nguyên sử xưa nhất, mà ta biết được qua việc đào bới mộ cổ, ta có thể xác định rằng, tư tưởng về một Thiên Chúa đã luôn luôn hiện diện nơi con người. Người mác-xít tiên đoán tôn giáo sẽ chết. Họ bảo, hết đàn áp, thì người ta cũng chẳng cần tới liều thuốc thượng đế nữa. Nhưng chính họ cũng đã phải hiểu rằng, tôn giáo chẳng bao giờ chết, bởi vì nó có mặt thật sự trong tâm mỗi người.
Nhưng bộ phận cảm ứng nội tâm dành cho Chúa trong ta không đương nhiên hoạt động như một cái máy kĩ thuật. Mà nó là một thứ gì sống động, hoặc là cùng lớn lên với con người, hay là bị tê chai đến độ có thể gần như chết khô. Nếu nội tâm ta luôn làm việc với bộ cảm ứng đó, nó càng ngày càng trở nên sắc bén, sống động và nhạy cảm hơn – bằng không, nó sẽ teo lại và như bị vùi chôn dưới ảnh hưởng của thuốc tê. Tuy vậy, dù không tin, con người thế nào cũng phải trăn trở với một câu hỏi còn lại: có lẽ phải có một cái gì chứ. Không có bộ cảm ứng thâm sâu đó, không thể hiểu được lịch sử con người.
Mặt khác, có hàng núi sách và bao nhiêu lí thuyết vững chãi tìm cách phủ nhận cái đức tin đó.
Xem ra như có một đức tin chống lại đức tin, và đức tin phản chứng đó lại được rao truyền mạnh mẽ. Những cuộc thí nghiệm con người lớn nhất trong lịch sử cho tới nay, như chủ nghĩa quốc-xã, chủ nghĩa cộng sản, đã coi việc tin vào Thiên Chúa là chuyện nhảm nhí, và họ cố lôi niềm tin đó ra khỏi lòng người. Và đó chẳng phải là những nỗ lực cuối cùng.
Đức tin vào Thiên Chúa không phải là một kiến thức, mà tôi có thể học được, như tôi học toán hay hoá học. Mà nó vẫn là đức tin. Nghĩa là đức tin có một cấu trúc luận lí, ta sẽ bàn chuyện này sau. Đức tin không đơn giản là một thứ gì mờ mờ ảo ảo, mà tôi chỉ việc cứ yên tâm thả mình vào đó. Đức tin mang tới cho tôi nhận thức. Và có đủ lí do phải lẽ để ta bám vào nó. Nhưng nó không bao giờ là một kiến thức thuần tuý. Bởi đức tin đòi hỏi toàn lực đời sống - ý chí, tình yêu, bước ra khỏi mình - nên nó luôn vươn lên trên cái kiến thức thuần tuý, trên cái chứng minh cần thiết. Mà cũng vì thế mà tôi cũng luôn có thể lìa xa nó, và xem ra có đủ lí do để chống lại nó.
Có đủ thứ lí do chống lại đức tin, như anh biết. Ta chỉ cần nhìn nỗi đau khổ ghê gớm trên thế giới. Chỉ riêng cảnh này cũng đủ để phản chứng Thiên Chúa. Hoặc xem sự bé mọn của Ngài.
Với người có đức tin, thì đó chính là nét cao cả, nhưng với người không thể và không muốn tin, thì đó lại là lí do để chống Ngài. Người ta cũng có thể tháo gỡ cái toàn thể ra thành những tiểu tiết. Có thể gạt bỏ những đoạn những câu trong Kinh Thánh, trong Tân Ước để chỉ còn lại vài chỗ, và một học giả giờ đây có thể nói: phục sinh là chuyện người ta mới thêm thắt về sau này, mọi thứ đều là bịa đặt, hoàn toàn chẳng đáng tin.
Vâng, mọi chuyện đều có thể. Bởi vì lịch sử và đức tin đều là những thứ mang tính người. Do đó, cuộc cãi vã về đức tin chẳng bao giờ chấm dứt. Cuộc cãi vã đó cũng chính là cuộc vật lộn của con người với chính mình và với Thiên Chúa, nó sẽ kéo dài mãi tới tận hoàng hôn của lịch sử.
Xã hội tân thời không tin có một chân lí duy nhất. Vì khăng khăng ôm giữ yêu sách chân lí nên Giáo Hội bị thử thách nặng. Chính ngài cũng có lần nói, cơn khủng hoảng Ki-tô giáo nặng nề ở Âu châu hiện nay chủ yếu là một khủng hoảng về yêu sách chân lí. Tại sao?
Tại vì chẳng còn ai dám nói những gì đức tin dạy là đúng. Người ta sợ như thế là mình thiếu khoan dung, thiếu khoan dung cả đối với các tôn giáo hoặc niềm tin khác. Còn những ki-tô hữu thì kháo với nhau, không biết yêu sách chân lí của mình có cao quá không. Lối nghĩ đó, một mặt, có tác dụng chữa lành. Bởi vì, nếu ta vội vàng và dễ dàng chấp nhận chân lí và yên chí dựa vào đó, ta sẽ không những có thể trở nên độc đoán, mà còn dễ dàng gán nhãn hiệu chân lí cho những cái thuộc thứ yếu hoặc tạm bợ.
Cẩn thận trong việc tuyên xưng chân lí là đúng. Nhưng không được vì thế mà bỏ luôn niềm tin đó. Vì nếu như thế, ta chỉ còn lần mò trong các khuôn mẫu truyền thống khác nhau mà thôi.
Dù sao, biên cương không còn thật rõ nét nữa. Nhiều người mơ về một thứ tôn giáo tổng hợp, trong đó mỗi người có quyền thêm bớt gia vị cho hợp khẩu mình. Càng ngày càng có sự phân biệt giữa tôn giáo „xấu“ và tôn giáo „tốt“.
Ý niệm Tôn giáo, lạ thay, gần như đã bị thay thế bởi ý niệmTruyền thống – và ý niệm Chân lí cũng bị kéo theo khuynh hướng này. Mỗi tôn giáo được xem là một truyền thống. Các truyền thống đều „đáng trọng“, „đẹp“, và người ta nói, ai đứng trong truyền thống nào thì nên coi trọng truyền thống đó và nên trọng truyền thống kẻ khác. Nhưng, nếu chỉ còn lại các truyền thống mà thôi, thì chân lí đương nhiên sẽ mất. Và, tới một lúc nào đó, người ta sẽ tự hỏi, tại sao lại phải có truyền thống. Và như vậy, người ta sẽ có lí do chống lại truyền thống.
Tôi luôn nghĩ tới câu của Tertullian*: Đức Ki-tô không nói, tôi là thói quen, nhưng : tôi là sự thật. Nói thế, Ngài không kết án thói quen, nhưng trái lại, Ngài bước ra từ những thói quen. Ngài muốn một cuộc lên đường, Ngài yêu cầu ta đi tìm cái gì là thật, cái gì dẫn ta đi vào thực tại của đấng Sáng tạo, của đấng Cứu chuộc, của chính sự hiện hữu của ta. Như vậy, ta phải coi sự cẩn trọng trước yêu sách chân lí như là một nhiệm vụ lớn, nhưng đồng thời cũng can đảm không để mất chân lí, cố vươn mình tới nó và khiêm tốn nhận lãnh với lòng biết ơn, khi được Chúa trao tặng nó cho ta.
HOÀI NGHI
Có lần ngài đã kể lại câu chuyện của Martin Buber* về một giáo trưởng do-thái. Chuyện kể, hôm đó, có một nhà thông thái tới thăm vị giáo trưởng. Ông ta muốn chứng minh với giáo trưởng rằng không có chân lí đức tin, và việc tin vào chân lí là chuyện lạc hậu, đó chỉ là một thứ cặn bã sót lại của thời quá khứ. Nhà thông thái bước vào phòng giáo trưởng, thấy vị này tay cầm cuốn sách đi lại trong phòng đầy vẻ suy tư. Chủ nhà không để ý tới sự có mặt của khách. Sau một lúc, ông dừng lại, lén nhìn khách và nói: „Nhưng mà có lẽ điều đó có thật“. Thế là đủ.
Chân nhà thông thái run bắn lên và ông phóng ra khỏi phòng như chạy trốn. Một câu chuyện hay, tuy nhiên: Hiện các linh mục vẫn không ngớt bỏ Giáo Hội, không ngớt nhà tu rời tu viện. Chính ngài có lần đã nói tới cái „sức mạnh o ép của không tin“.
Đức tin chẳng bao giờ là một cái gì sẵn có đó, để rồi một lúc nào đó, tôi có thể nói: tôi có đức tin, những kẻ khác không có. Chúng ta đã nói chuyện này rồi. Đức tin là một thứ gì sống động, nó kéo theo toàn bộ con người - lí trí, ý chí, cảm giác – trong hết mọi chiều kích. Nó có thể càng ngày càng cắm rễ sâu, đến nỗi cuộc sống tôi có thể ngày càng trở nên làm một với đức tin mình, nhưng dù vậy, nó chẳng bao giờ là một tài sản. Con người vẫn luôn có khả năng đi theo một hướng khác và vấp ngã.
Đức tin là một con đường. Bao lâu còn sống, ta còn trên đường, và vì vậy, đức tin vẫn luôn bị đe doạ và bị chèn ép. Mà cũng may là nó không trở thành một ý hệ có thể cầm lấy sử dụng.
Cũng may nó không xơ cứng, khiến tôi mất đi khả năng đồng nghĩ đồng cảm với người bạn đang thắc mắc, hoài nghi bên cạnh. Đức tin chỉ có thể trưởng thành, khi trong mọi giai đoạn cuộc sống nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng thắng vượt chúng, để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới.
Kinh nghiệm của ngài như thế nào? Cá nhân ngài cũng đã trải qua cái „sức mạnh o ép của không tin“?
Dĩ nhiên. Nhất là, khi với tư cách một giáo sư hay một thầy dạy đức tin trong tình trạng hoang mang tinh thần của thế kỷnày, mình phải chạm trán với nhiều câu hỏi thật nặng óc, phải đối diện với những kiểu sống đầy hứa hẹn thay thế đức tin, hay có thể đẩy đức tin ra rìa. Xem như thế, chuyện phải đón nhận những vấn nạn, phải chấp nhận những o ép của những gì chống lại đức tin và chuyện giữ vững tinh thần, là môt phần việc quan trọng trong nhiệm vụ của tôi.
Ngay cả khi mình chẳng muốn, thì những vấn nạn kia vẫn tới, chúng thông qua những tin tức, những sự kiện, qua tất cả những gì mở ra cho kinh nghiệm sống của một người. Một mặt, tất cả những thứ đó làm bước đường đức tin mình thêm vất vả. Nhưng rồi, khi thấy lại được ánh sáng, mình cảm thấy như đang leo núi, và cứ như vậy càng lúc càng thấy gần Thầy mình hơn.
Tới một lúc nào đó mọi chuyện sẽ qua đi hết?
Không, chẳng bao giờ qua đi hết.
Có khi nào ngay cả một giáo chủ cũng rơi vào hoài nghi hay không tin không?
Không tin thì không, nhưng phải khổ sở vì những câu hỏi đè nặng lên đức tin thì có. Khi còn làm phó xứ ở München, tôi có một cuộc gặp gỡ khó quên. Linh mục chính xứ của tôi lúc đó là Blumscheid làm bạn với một mục sư của giáo xứ tin lành gần bên. Ngày nọ, giáo sư Romano Guardini* tới thuyết trình và hai ông quản xứ có dịp nói chuyện với ông. Không biết câu chuyện giữa ba người diễn ra như thế nào. Nhưng linh mục chính xứ sau đó chẳng thú vị gì kể cho tôi hay rằng giáo sư Guardini bảo, càng về già người ta càng gặp khó khăn hơn với đức tin, chứ không phải ngược lại. Guardini lúc đó khoảng 65, 70 tuổi. Dĩ nhiên, đó là kinh nghiệm đặc thù của một người mang nhiều u sầu và đã trải qua nhiều đau khổ. Nhưng, như tôi đã nói, chẳng bao giờ hết thử thách cả. Mặt khác, cuộc sống đâu đó cũng xem ra dễ hơn, khi ngọn lửa sống trong ta nhỏ lại theo tuổi tác. Song, bao lâu còn trên đường, thì mình vẫn là trên đường.
Có phải Giáo Hội công giáo biết tuyệt đối chắc chắn Thiên Chúa thật sự như thế nào, Ngài thật sự đã nói những gì, và thật sự Ngài muốn gì nơi con người?
Giáo Hội công giáo biết trong đức tin điều mà Thiên Chúa đã nói ra trong lịch sử mạc khải. Dĩ nhiên cái hiểu của ta – và cả của Giáo Hội – về Lời Ngài bao giờ cũng giới hạn. Vì thế mới có sự phát triển của đức tin. Mỗi thế hệ có thể khám phá ra từ hoàn cảnh sống mình những chiều kích mới, chiều kích mà ngay cả Giáo Hội trước đó cũng đã không biết đến. Chính Ngài cũng đã nói trước trong Tin Mừng Gio-an: „Thánh Thần sẽ dẫn dắt anh em vào sự thật, để anh em hiểu được những gì mà lúc này đây anh em chưa thể hiểu“. Điều này có nghĩa là luôn có một khoản “thặng dư“ chưa biết hết nơi mạc khải, không những đối với khả năng hiểu biết của một cá nhân, mà cả đối với vốn hiểu biết của Giáo Hội. Khoản thặng dư đó, vì thế, là một phiêu lưu mới cho mỗi thế hệ.
Nghĩa là thế nào?
Nghĩa là chẳng bao giờ ta có thể nói: giờ đây tôi đã nắm được hết mọi sự trong đạo, việc tìm hiểu của Ki-tô giáo đã kết thúc. Bởi Thiên Chúa và cuộc sống con người là vô tận, nên luôn có những chiều kích mới. Giáo Hội, với những gì đã được trao ban, chỉ bảo đảm được điều gì không hợp với Tin Mừng mà thôi. Giáo Hội đã diễn tả những hiểu biết căn bản của mình qua kinh Tin kính và các tín lí. Tất cả những điều đó được diễn tả một cách phủ định. Chúng nói cho ta biết, đâu là biên giới, bắt đầu từ đâu ta có thể bị lạc. Còn phần gọi là nội địa thì rộng và luôn mở. Và vì vậy, Giáo Hội cũng có thể chỉ cho cuộc sống con người những hướng căn bản lớn, và cho biết đâu là hướng chắc chắn không được đi, nếu ta không muốn vấp ngã. Nhiệm vụ của mỗi cá nhân là nhìn ra và tận dụng những khả thể muôn vẻ trên đường mình đi.
Tuy nhiên một số người bảo, Ki-tô giáo là đạo ít thực tế, nó nhắm nhiều hơn cho đời sau, nghĩa là một tôn giáo nhắm vào việc kiếm điểm cho trương mục đời sau.
Đúng, ki-tô hữu có nhắm đến đời sau. Nếu vất khoản đời sau đi, dự phóng cuộc đời ta sẽ trở thành một mảng kì lạ, một cái gì bị đứt đoạn. Nếu chỉ nhìn cuộc sống với chiều kích 70, 80 năm ta được phép có mặt mà thôi, thì đời người quả què quặt. Từ đó nẩy sinh lòng tham sống. Nếu như chỉ có cuộc sống đời này mà thôi, thì đương nhiên tôi phải tìm mọi cách tiếm dụng cho mình được nhiều chừng nào có thể. Và như thế, tôi cũng chẳng cần quan tâm gì tới kẻ khác nữa.
Đời sau cung cấp cho ta thước đo, và làm cho cuộc sống đời này đáng sống, đáng trọng, để ta không chỉ sống cho hiện tại, mà làm sao cuộc đời mình cuối cùng trở nên một thứ gì đáng giá - không những cho riêng mình, mà cả đối với toàn thể. Thiên Chúa hằng nhậm lời không cất đi trách nhiệm nơi ta, nhưng Ngài dạy ta phải biết trách nhiệm. Ngài dạy ta biết sống trách nhiệm với những gì được gởi tới, để ngày sau ta có thể trả lời trước mặt Ngài.
Đức Ki-tô nói: « Hãy xin, sẽ được. Hãy tìm, sẽ thấy. Hãy gõ, sẽ mở ». Mặt khác: Khi con tôi cầu Chúa giúp để làm bài tập ở trường, thì, thú thật, nó đã chẳng luôn được toại nguyện.
Người ta cầu nguyện, chẳng hạn, để được sức khoẻ ; mẹ cầu cho con; chồng cầu cho vợ ; người ta cầu cho dân tộc mình đừng lạc lối – và ta biết, những lời cầu đó không hẳn luôn được nhậm lời. Điều này có thể trở thành một thắc mắc lớn cho những ai đang ở trong cơn thập tử nhất sinh. Họ sẽ tự hỏi : Tại sao Chúa im tiếng ? Tại sao Ngài không trả lời lời cầu xin của tôi ? Tại sao Ngài ẩn mặt ? Tại sao tôi lại gặp điều trái ngược với những gì mình xin ?
Cái khoảng cách này giữa lời hứa của Đức Ki-tô và những gì con người kinh nghiệm được trong cuộc sống đã làm mọi thế hệ, mỗi người và cả chính tôi luôn phải suy nghĩ. Chính mỗi người chúng ta rồi cũng phải tìm ra cho mình câu trả lời, để cuối cùng hiểu được rằng, tại sao Chúa lại nói với ta như thế.
Tìm ra cho mình câu trả lời nào ?
Thánh An-tịnh và các giáo phụ khác nói, Chúa ban cho ta cái gì tốt cho ta nhất – cái đó có thể lúc này ta chưa biết được. Nhưng cái gì tốt nhất, thì ta lại thường nghĩ khác hẳn với Chúa. Có lẽ ta phải học chấp nhận những kinh nghiệm và đau khổ gặp trên đường đời, và coi đó như là thánh í của Ngài. Con đường Chúa nhiều khi là một con đường đáng sợ, nhằm uốn nắn và đổ khuôn lại đời ta, nhờ đó ta thay đổi và trở nên ngay thẳng thật sự.
Như vậy, câu « Hãy xin, sẽ được » chắc chắn không có nghĩa Chúa là cái kho để ta muốn lấy gì thì lấy, hầu lấp đầy chỗ trống của ta và làm cho đời ta thoải mái. Hay Ngài là kẻ sẽ cất đi đau khổ và những câu hỏi trong ta. Trái lại, nó có nghĩa là Chúa chắc chắn nhậm lời ta và sẽ ban cho ta những gì mà Ngài cho là phải, là đúng.
Trở lại trường hợp cụ thể lúc nãy : Có lẽ cũng tốt cho con anh, để nó tập hiểu rằng, Chúa từ ái không đơn giản ra tay giúp, khi nó không thuộc bài, mà chính nó phải tự nỗ lực học bài trước đã. Có thể cũng là liều thuốc đắng tốt cho nó, khi gặp một thất bại. Mà có lẽ nó cũng rất cần liều thuốc đó để tìm ra con đường nên đi.
THAN TRÁCH CỦA JOB
Nhà văn Joseph Roth, theo truyền thống xưa của Do-thái, đã tranh luận thẳng thừng với Chúa. Ông viết sau cảnh giết chóc của thế chiến thứ nhất : « Chúa đã tạo ra hàng triệu người như con trong nỗi vô nghĩa rùng rợn của Ngài ». « Con không cần ân phúc của Ngài ! Hãy đưa con vào địa ngục », ông đã kêu trời đầy tuyệt vọng như thế.
Có lẽ tiếng kêu đó, trong truyền thống do-thái, mạnh hơn nơi ta, phần cũng là vì Đức Ki-tô chưa xuất hiện (nơi họ). Đức Ki-tô là Thiên Chúa đồng khổ, đấng hay cứu vớt tâm hồn, và là kẻ đã đi vào một cuộc sống cơ cực; Ngài không chỉ còn là một bóng dáng không thể hiểu nổi, như một Thiên Chúa đã xuất hiện trước mắt Gióp. Nhưng Ngài đã bước xuống tận đáy tầng sâu, như Thánh Vịnh viết về Ngài : « Tôi là một con giun đất, chẳng phải là người », một kẻ bị chà nát dưới chân.
Mỗi khi rơi vào túng quẫn, ta luôn đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại làm thế ?! Từ đầu, chúng ta đã nói rằng, khi ta thưa được với Chúa là ta chẳng hiểu gì về Ngài hết, thì trong nhiều trường hợp, đó cũng có thể là lúc ta bắt đầu cầu nguyện và bắt đầu khắc phục được khó khăn. Ta nói lên điều đó với niềm tin vững vàng, là Ngài sẽ cho ta câu trả lời đúng, bởi vì đấng bị đóng đinh - kẻ cũng gặp cơ cực và bất công như ta – luôn ở trước mặt ta.
Điều này có thể tôi lầm, là tín hữu ki-tô có thái độ quá sùng tín đối với Thiên Chúa. An-tịnh nói : « Chúa ơi, con không đôi co với Chúa, vì Ngài là sự thật... Con không bắt đền Chúa... Nhưng, là bụi tro, con để cho lòng nhân từ Chúa nói »
Thánh An-tịnh là một người luôn đau khổ và không ngừng chiến đấu, ngài rất cảm kích về lòng nhân của Chúa. Lúc đầu ngài nghĩ, một khi trở lại đạo, mình sẽ phơi phới đi lên. Nhưng về sau, ngài nhận ra con đường đi lên đó quả vô cùng gian lao, và trên đường đó có nhiều bóng đêm thung lũng. Ngài bảo, ngay cả thánh Phao-lô cuối cùng cũng không tránh khỏi bị cám dỗ. Nói thế, hẳn An-tịnh muốn phóng rọi chính mình vào thánh nhân. Nhưng chính vì bị dằn vặt, nên An-tịnh mới nhìn ra lượng từ ái lớn lao của Chúa, và có thể nói với Ngài như một đấng nhân từ, mới dám chờ đợi sự che chở nơi Ngài, mới thấy bộ mặt hiền từ của Ngài, và không phải đôi co với Ngài.
Trong ý nghĩa đó, tôi tin rằng, bóng dáng Đức Ki-tô quả thật làm giảm đi ít nhiều nỗi đắng cay của cuộc sống đôi co của ta. Lòng nhân của đấng tạo dựng, mà Gióp trước đây chỉ mới thấy lờ mờ, giờ đây – qua Đức Ki-tô - đã hiện hình rõ nét.
Trong cơn nguy khốn nhiều người quay về đức tin để tìm nâng đỡ. Đôi lúc họ được toại nguyện, nhưng cũng nhiều khi họ có cảm tưởng Chúa ẩn mặt, không hiểu sao Chúa không ra tay giúp khi họ cần Ngài.
Sách Gióp là tiếng kêu điển hình của con người trước kinh nghiệm quẫn bách của cuộc đời và về nỗi thinh lặng của Thiên Chúa. Và ngay cả về một Thiên Chúa xem ra bất công. Gióp thất vọng và bực tức, đến nỗi đã đổ trút lên Chúa tất cả những gì đè nặng tâm can và khiến ông đam ra hoài nghi về sự thiện của cuộc đời.
Vấn đề là cuộc đời có đáng sống không ? Chúa có tốt lành, Ngài có thật hiện diện và hay cứu giúp không ? Không ai thoát được những câu hỏi u tối đó. Nhưng cũng cần có những câu hỏi đó để ta luyện thân trong đau khổ, hầu thủ đắc cho mình một sự tự do và trưởng thành tâm hồn, và nhất là một nỗi cảm thông với tha nhân. Chẳng có một câu trả lời thuần lí, chẳng có một công thức rốt ráo nào có thể giúp ta giải thích được những vấn nạn trên. Bởi chưng, những gì thật sự đi vào làn da hay con tim ta đều mang một nội dung hoàn toàn khác, nội dung đó ta không thể dùng công thức trần gian để giải thích, nhưng nó rốt cuộc có thể được gột rửa nên trong nhờ kinh qua đau khổ của mỗi người.
Trong Sách Gióp, có những câu than trách như sau : « Người ta chia cho tôi những đêm đen đầy vất vả, tôi nằm xuống, tự hỏi, không biết bao giờ mình được phép đứng lên. Chiều tối, tôi no đầy rác rưởi... Chẳng bao giờ mắt tôi thấy được hạnh phúc ». Nếu nỗi đau tâm hồn đó không làm sao tránh khỏi, thử hỏi đức tin hẳn còn giúp được gì cho ta ?
Ta có quyền nêu lên câu hỏi đó, bởi khi tôi làm điều gì, thì điều đó phải có ý nghĩa. Người ta muốn biết: Điều tôi tin đó có đúng không ? Nó có mang một ý nghĩa nào hay thực ra chỉ là một sự giả dối? Nhưng câu hỏi đặt ra sẽ sai, khi người ta nhìn tất cả mọi thứ dưới khía cạnh cái tôi của mình, dưới tiêu chuẩn mình sẽ được cái gì trong đó. Vì như thế, người ta sẽ chỉ còn biết tham sống, chỉ còn biết có mình thôi, và như vậy, có thể họ sẽ chẳng hiểu gì nữa và đời họ rốt cuộc sẽ thất bại.
Đức Ki-tô có lần nói : Ai muốn được cuộc sống, kẻ đó sẽ mất nó. Và chỉ ai mất, sẵn sàng cho đi cuộc sống, người đó sẽ bước đúng hướng và có thể nhờ đó tìm lại được cuộc sống. Có nghĩa là, cuối cùng, ta phải quẳng đi câu hỏi: tôi sẽ được gì trong đó. Tôi phải học để hiểu ra rằng, quên mình là điều quan trọng. Tôi phải sẵn sàng cho mình đi.
Nói thì dễ.
Nhưng tình yêu hôn nhân cũng vậy, nó chỉ thật sự phong phú và lớn lên, khi tôi sẵn sàng quên đi chính mình, sẵn sàng bước ra khỏi mình và trao mình cho một người. Và điều đó lại càng đúng trong quan hệ lớn lao giữa ta với Chúa, và chỉ từ quan hệ đó mà mọi quan hệ khác mới có thể nẩy sinh.
Như vậy, tôi không phải bắt đầu bằng cái nhìn về mình, nhưng phải tự hỏi, Ngài muốn gì nơi tôi.
Tôi phải bắt đầu với việc học yêu, bằng cách quay ra khỏi tôi để hướng về Chúa. Từ hướng nền tảng đó, khi tôi không còn hỏi mình sẽ kiếm được gì, mà cứ đơn giản để cho Chúa dẫn dắt, để mất mình thật sự trong Chúa, quên đi chính mình, thì lúc đó tôi sẽ nhận ra, à thì ra như vậy đời tôi mới đúng hướng, chứ nếu mà cứ chỉ bo bo cho mình thôi, thì cuộc sống eo hẹp quá. Một khi tôi đã ra được « ngoài trời » rồi, thì mọi sự mới bắt đầu, chiều kích lớn lao của cuộc sống mới thật sự khởi đầu.
Bắt đầu từ đây có lẽ con thuyền sẽ xuôi chèo mát mái dài dài.
Đây là một con đường, dĩ nhiên, không phải ngày một ngày hai có thể đạt được. Đức tin không tạo nhanh hạnh phúc. Và đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khủng hoảng đức tin ngày nay, là vì chúng ta muốn có ngay lạc thú và hạnh phúc, mà không dám nhảy vào cuộc phiêu lưu kéo dài cả đời người – trong niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng, bước nhảy đó sẽ không rơi vào khoảng không, nhưng đó căn bản là một hành vi tình yêu, mà chúng ta được tạo dựng là cho hành vi tình yêu đó. Và chính nhờ bước nhảy đó mà ta đạt được điều mong muốn: yêu và được yêu, và như vậy gặp được hạnh phúc đích thực.
CHUYỆN DỜI NON
Chính Đức Giê-su nói: « Chỉ cần một đức tin bằng hạt cải, anh em có thể nói với ngọn núi kia: hãy dời khỏi đây! Và núi sẽ chuyển đi. Chẳng có gì mà không thể làm được ».
Quả thật, đây là một trong những lời bí ẩn của Tân Ước, dĩ nhiên là đối với tôi. Các giáo phụ, những nhà thần học, các thánh, cũng đã vất vả với câu này. Chúng ta không được hiểu nó – cũng như câu : « Hãy xin thì sẽ được nhận lời » - một cách tầm thường, và nói, ừ giờ mình có đức tin rồi đây, nếu mình muốn, mình có thể dời ngọn Montecassino này. Núi ở đây phải hiểu là những gì cản bước đời ta. Và chúng thường còn nặng hơn những ngọn núi được vẽ trên bản đồ. Thực tế, ta có thể thắng được những ngọn này, nếu ta bỏ mình hướng theo Chúa.
Phải chăng đó chỉ là một thứ thần chú, một lối tự kỉ ám thị ?
Hành vi đức tin không phải là chuyện nhập tâm một ý tưởng, hay việc gán cho nó một khả năng nào đó. Hành vi đức tin hệ tại ở niềm tin Thiên Chúa đang có đó, và tôi có thể trao thân vào cánh tay Ngài. Và rồi núi cũng phải dời đi.
Liên quan tới chuyện này, Đức Ki-tô đã dùng dụ ngôn hạt cải, là một thứ hạt bé nhất trong các loại hạt, thế mà cuối cùng hạt đó đã thành một thân cây lớn, chim trời tới làm tổ. Hạt cải, một mặt, nói lên sự bé mọn – nỗi nghèo hèn của tôi -, mặt khác cũng chứa đựng tiềm năng lớn lên. Như thế, trong hạt cải ẩn chứa một hình ảnh sâu xa về đức tin. Theo đó, đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số giáo huấn, nhưng nó là hạt giống sự sống trong tôi. Tôi chỉ trở thành một kẻ tin đúng nghĩa, khi đức tin trong tôi trở nên như một mầm sống động, ở đó một thứ gì mọc lên, thoạt tiên thực sự làm biến đổi đời tôi, rồi từ đó mang vào thế giới một cái gì mới.
Đức Giê-su đã có một lời hứa quan trọng, Ngài nói: « Những điều tôi giảng không phải là của tôi, nhưng là của đấng đã sai tôi. Ai thực hành í của Thiên Chúa, người đó sẽ tự nhận ra, những điều đó xuất phát từ Thiên Chúa hay từ chính tôi ». Và ngay những người Pha-ri-sêu thời đó cũng phải thốt lên: « Chưa bao giờ thấy ai nói năng như ông này ».
Đúng i như điều chúng ta đang suy gẫm. Chân lí trong lời dạy của Đức Giê-su không mang tính lí thuyết. Nhưng nó như một công thức kĩ thuật : hãy thử làm đi rồi mới thấy sự đúng đắn của nó. Chân lí lời Chúa nói ở đây kéo theo toàn bộ con người, kéo theo cả cuộc đời thử nghiệm. Tôi chỉ có thể nhận ra chân lí đó, bao lâu tôi vâng theo í Chúa, những gì mà Ngài đã tỏ ra cho tôi biết. Í của Tạo hoá chẳng phải là cái gì xa lạ, ở ngoài, nhưng nằm sẵn trong chính tôi. Và qua thử nghiệm cuộc sống, ta sẽ thật sự nhận ra phải sống thế nào mới đúng. Cuộc sống sẽ không thoải mái, nhưng sẽ đúng. Nó sẽ không hời hợt, hứng thú, nhưng sẽ đưa tới một niềm vui sâu xa đúng nghĩa.
Đó cũng là tín hiệu các Thánh mang lại cho chúng ta, là đã có những người đã vâng theo í Chúa trong cuộc thử nghiệm đời sống. Các ngài đúng là ánh sáng cho nhân loại, là bảng dẫn đường giúp ta lái cuộc đời đi sao cho đúng hướng. Tôi tin rằng, đó là nền tảng cho toàn bộ câu hỏi về chân lí Ki-tô giáo.
THIÊN CHÚA và TRÍ HIỂU
Giáo Hội và các Thánh nhấn mạnh rằng, đức tin Ki-tô giáo có thể hiểu được bằng lí trí, có thể chứng minh và biện minh. Điều đó có đúng không?
Đúng, nhưng có giới hạn. Đúng, đức tin không phải là bất cứ một miếng vải nào, mà mình có thể vẽ thế này thế khác lên trên đó. Đức tin liên quan tới trí hiểu, vì nó nói lên sự thật – và vì trí hiểu được tạo dựng cho sự thật. Do đó, đức tin thiếu trí hiểu không phải là đức tin Ki-tô giáo đúng nghĩa. Đức tin thách đố trí hiểu của chúng ta. Trong cuộc trao đổi này, chúng ta cũng sẽ thấy tất cả - từ khởi đầu những ý nghĩtạo dựng cho tới niềm hi vọng Ki-tô giáo – là một bức tranh hữu lí, mà ta có thể hiểu với lí trí. Do đó, có thể nói, đức tin cũng phù hợp với lí trí.
Ngay các nhà khoa học vẫn luôn lấy Thiên Chúa và đức tin làm đề tài suy tư. Xin kể ra một vài trường hợp. Chẳng hạn Isaac Newton, cha đẻ ngành vật lí lí thuyết, nói: « Sự thiết lập và trật tự của vũ trụ kì diệu này chỉ có thể có được do chương trình của một bàn tay tạo hoá toàn năng toàn trí. Đó là và sẽ là cái biết cuối cùng và trên hết của tôi ». Augustin Louis Chauchy, nhà toán học người Pháp, nói : « Tôi là một ki-tô hữu, có nghĩa là tôi tin vào thiên tính của Đức Ki-tô, như Tycho de Brahe, Kopernikus, Descartes, Newton, Leibnitz, Pascal… như các nhà thiên văn và toán học lớn trước đây vẫn tin”. Và Guglielmo Marconi, người Í, giải Nobel, nhờ ông mà ngày nay ta có điện thoại không dây và điện thoại cầm tay, nói: « Tôi hãnh diện tuyên bố rằng tôi có đức tin. Tôi tin vào quyền năng của sự cầu nguyện. Tôi tin điều đó không những với tư cách một người công giáo, mà còn với tư cách một nhà khoa học ».
Rõ ràng, tín hữu ki-tô chúng ta không rơi vào một phiêu lưu dị đoan. Nhưng có lẽ tôi phải nêu lên hai dè dặt : Đức tin không thể hiểu đầy đủ như ta hiểu một công thức toán học, nhưng nó càng lúc càng đi vào tầng sâu hơn, đi vào sự vô tận của Thiên Chúa, đi vào cái nhiệm mầu của tình yêu. Trong lãnh vực này, có một giới hạn cho những gì con người có thể hiểu được bằng suy tư. Nhất là, con người hữu hạn chúng ta có thể hiểu gì và cái gì chúng ta có thể làm ra cho hoàn toàn dễ hiểu.
Chúng ta người này đã chẳng hiểu hết được người kia, vì luôn có những lí do sâu hơn mà ta không thể giải thích. Chúng ta rốt cuộc cũng chẳng hiểu được cơ cấu của vật chất, ta luôn chỉ có thể hiểu tới một mức nào đó mà thôi. Trước Thiên Chúa và lời Ngài thì trí óc chúng ta lại càng phải cúi đầu khiêm tốn, vì cả hai cao vượt trên khả năng hiểu của chúng ta.
Trong ý nghĩa đó, đức tin cũng không thể chứng minh được. Tôi không thể nói được, ai không chấp nhận đức tin, người đó là ngớ ngẩn. Tin là một con đường sống, trên đó điều mình tin càng ngày càng được vững-chắc qua thử nghiệm, và được chứng tỏ cho thấy sự hữu lí trong tổng thể của nó. Như vậy, có những tiếp cận bằng trí hiểu cho phép tôi có quyền tin vào đó. Chúng cho tôi biết chắc chắn là mình không nhắm mắt dị đoan. Nhưng, không thể có một chứng minh rốt ráo, như tôi có thể làm nơi các quy luật tự nhiên.
Có thể nói, cần phải mở mang tâm trí để có thể càng ngày càng hiểu được Thiên Chúa hơn?
Cả người bình thường cũng có thể có được một hiểu biết lớn rộng về Thiên Chúa. Không nhất thiết phải có nhiều kiến thức khoa học và lịch sử ta mới có thể hiểu Chúa được nhiều hơn.
Chỉ với thực tại (con người và thế giới này) không thôi cũng đủ làm cho ta chết ngộp trong đó rồi. Nếu tim óc ta bị nhồi nhét nhiều thứ quá, nó có thể sẽ bị những thứ đó làm cho cạn và hẹp đi, khiến ta không thể nhìn ra được cái bí mật đang tác động trong thiên nhiên và lịch sử.
Tác dụng của những kiến thức khoa học lớn, như vậy, một mặt khiến con người không thể nhìn vượt qua được thực tại, và như thế chân trời suy tư của họ bị bó hẹp. Vì biết quá nhiều, người ta chỉ có thể tiếp tục suy tư ở bình diện thực tại, mà không thể nhảy vào được vòng bí nhiệm.
Người ta chỉ còn thấy được cái có thể nắm bắt. Và nhìn dưới khía cạnh siêu hình thì người đó như vậy càng dốt đi. Mặt khác, cũng có thể nhờ cái biết lớn rộng đó mà ta nhìn ra được những tính toán muôn hình muôn vẻ của lí trý Thiên Chúa qua thực tại, nhờ đó hình ảnh Thiên Chúa trong ta càng mở ra, và ta càng trở nên khiêm tốn, kính trọng và thán phục thêm đối với Ngài.
Một thí dụ thật cụ thể về khả năng thay đổi hình ảnh Thiên Chúa: Trước đây, người ta cho rằng Chúa nhìn thấy mỗi người và Ngài biết rõ người đó hiện đang làm gì. Quan điểm này, một lúc nào đó, đã bị bãi bỏ; người ta cho rằng đó là trò trẻ con mà Giáo Hội dùng để răn đe và doạ dẫm tín hữu. Ngày nay, với tiến bộ kĩ thuật, quan điểm đó lại trở lại. Lúc này, ta đã thiết lập trên không gian không những các vệ tinh truyền hình, mà cả các hệ thống điều khiển giúp ta lái xe đi tới nơi về tới chốn. Và nữa : kĩ thuật vi tính và mạng lưới đã chứng minh, chỉ cần một kích tác tương xứng ta có thể, trong một tích tắc, điều khiển và nối kết hàng triệu triệu chuyển động và tín hiệu trên khắp địa cầu, dù ở bắc Âu hay nam Phi. Khả năng mường tượng của con người càng lớn ra, thì không hiểu sao, họ lại thích thú quay trở về cái quan niệm một thời đã bị vứt vào kho phế thải.
Vâng, quả đúng và cám ơn Chúa về những thứ mới đó giúp con người nhìn ra lại được Chúa. Có những cánh cửa đã đóng, một lúc nào đó sẽ tự mở ra lại. Càng hiểu thêm về thế giới, hình ảnh Chúa trong ta càng lớn lên trở lại và dễ hiểu ra. Nhưng điều này không xẩy ra một cách đương nhiên.
MỘT MÂU THUẪN
Một đàng là giới răn Chúa – một đàng là bản chất con người. Cả hai đều là sản phẩm của tạo dựng. Và dù vậy, ai cũng có thể thấy cả hai khó mà hợp với nhau. Đã là con người thì không tránh được làm sai, nghĩ quấy. Mâu thuẫn này luôn đưa ta vào một hoàn cảnh, trong đó ta cảm thấy quá sức mình.
Đức tin Ki-tô giáo xác tín rằng, có một bất ổn nào đó trong cuộc tạo dựng. Con người đã không còn tốt đẹp như khi họ vừa thoát thân từ bàn tay Tạo hoá. Bên cạnh khuynh hướng tạo dựng quy về Chúa, giờ đây họ bị một yếu tố khác đè nặng, đó là khuynh hướng rời xa Chúa. Con người, vì thế, bị dằng co giữa nguyên tính và cái gia tài lịch sử của nó.
Tiềm năng xa rời Chúa đó vốn đã được Tạo hoá cài sẵn trong lòng thụ tạo mang bản chất hữu hạn, nhưng lịch sử đã biến tiềm năng đó thành khả năng. Một đàng, con người được tạo ra cho tình yêu. Con người hiện diện để quên đi chính mình và cho mình đi. Nhưng, đàng khác, nó lại từ chối cho đi, mà chỉ muốn ôm vào một mình. Bẩm tính đó gia tăng, khiến nó một mặt yêu Chúa, mặt khác bực bội và đã có thể nói với Ngài: tôi muốn độc lập, tôi chỉ muốn là tôi mà thôi.
Nếu tỉnh thức tự soi mình, chúng ta cũng có thể thấy cái mâu thuẫn, cái căng thẳng nội tâm của cuộc sống. Một đàng, chúng ta công nhận những gì viết ra trong mười giới răn là đúng. Đó là những điều ta muốn có và chúng tạo niềm vui cho ta. Cụ thể là đối xử tốt với tha nhân, biết ơn người, tôn trọng tài sản kẻ khác, yêu sự thật, không nói dối, muốn một tình yêu đầy trách nhiệm suốt đời với người phối ngẫu. Đó là một chiều hướng, một cách nào đó, không phải chỉ ngược với ta và như một ách nặng đè trên vai ta.
Mặt khác, ta nhận thấy cái nhột nhạt, và cũng muốn tránh nó.
Đó là tính thích gây sự, thích nói dối, chước cám dỗ hoài nghi – tất cả những thứ đó nẩy sinh từ một khuynh hướng tiêu diệt, một ý chí chống đối, cũng đã nằm sẵn trong con người. Cái nghịch lí đó cho thấy có một trục trặc trong nội tâm con người, khiến con người không thể trở nên được như nó muốn. Tôi thấy cái này tốt và muốn làm, nhưng lại làm cái khác, thi-sĩ Ovid người Rô-ma xưa đã nói như thế. Và Phao-lô trong chương 7 thư gởi giáo đoàn Rô-ma cũng đã viết : Cái tốt tôi muốn, tôi lại không làm ; và cái xấu mà thực tình tôi không muốn, thì tôi lại làm. Phao-lô cuối cùng đã kêu lên : Ai sẽ cứu tôi khỏi cái mâu thuẫn tâm hồn này đây !? Và chính nhờ điểm này Phao-lô đã hiểu ra một cách đúng đắn về Đức Ki-tô – và cũng từ điểm đó mà Phao-lô đã loan báo Đức Ki-tô như là một lời giải cứu độ ra cho thế giới ngoại giáo thời đó.
Tuy nhiên, cũng có một mâu thuẫn khó hiểu. Đó là mâu thuẫn giữa Tin Mừng về một Thiên Chúa được coi là nhân hậu, « thương yêu », và tình trạng thực tế đau buồn của thế giới. Hậu quả là người ta thất vọng về Chúa. Nhiều người chẳng nhìn ra được chút gì gọi là tác động cứu độ của Ngài. Và đôi lúc tôi cũng nghĩ, đức tin có lẽ không còn phù hợp với khả năng hiểu biết càng ngày càng tiến xa của ta. Nó không thể chịu nổi nguồn sáng chói chang của các thực tế.
Ở đây, mâu thuẫn nội tâm, mà chúng ta vừa nói tới, gặp thêm một yếu tố tập thể. Có một ý thứctập thể làm cho mâu thuẫn thêm gia trọng. Ý thứcđó công nhận khuynh hướng ích kỉ muốn quay mặt lại với Chúa là đúng, và nó chỉ cho ta những lối sống mà lúc này đây xem ra thoải mái. Nhưng mỗi người không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cùng, nó biến đổi theo tập thể hoặc bị tập thể lèo lái, làm biến chất.
Có nhiều cấp độ khác nhau về tình trạng đi xuống hoặc cả đi lên của cộng đồng. Cộng đồng có thể nâng đỡ và dẫn dắt tôi, để các mâu thuẫn trong tôi từ từ giảm đi hoặc biến mất. Trái lại, cũng có cái gọi là tập thể bình quân, bảo rằng, ờ thì người khác cũng làm như thế. Đó là những cộng đồng, trong đó ăn cắp trở thành bình thường, tham nhũng thành đương nhiên và dối trá là chuyện thường tình.
Cộng đồng có thể kéo con người càng ngày càng đi xuống – hoặc giúp nó đi lên. Trong trường hợp đầu, vật chất và lối nghĩ thuần vật chất làm chủ, khiến ta coi những điều khác, những gì cao hơn chủ nghĩa vật chất đó là cổ hủ, vô lí, chỉ tổ gây khó chịu cho con người. Trong trường hợp thứ hai, có một sự hiện diện đương nhiên nào đó của Chúa trong xã hội, và con người dễ hướng lên cùng Ngài hơn.
Nhưng một cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái và đầy lạc thú có phải tốt hơn không?
Dĩ nhiên một cuộc sống thoả thê với vật chất, với cái có thể nắm bắt được, với những cảm giác vui thú có thể mua hay sắm được, trước mắt xem ra đơn giản hơn. Tôi có thể vào một cửa hàng vui chơi, trả tiền vô cửa và có ngay một cuộc lên đồng, nhờ đó quên đi mọi khó nhọc của con đường thành nhân và tự chế. Cám dỗ này vô cùng lớn. Cả hạnh phúc ở đây cũng đã trở thành một món hàng có thể mua bán. Con đường này nhanh hơn, thoải mái hơn, mâu thuẫn tâm hồn xem ra được giải quyết – bởi chẳng cần bận tâm gì tới câu hỏi về Chúa nữa.
Nhưng người ta cũng có thể xem lối sống đó là văn minh, tân tiến và hoàn toàn phù hợp với thế giới tiến bộ ngày nay.
Nhưng ta cũng sớm nhận ra đó là một dối gạt. Cá nhân ta cuối cùng sẽ thấy mình trống rỗng, cháy rụi, và khi hết cơn lên đồng trở về với thực tại, ta đâm ra giận mình và thế giới. Trễ nhất là vào lúc đó, cảm giác bị lừa đến với ta.
Đúng, là bi kịch nội tâm của ta chẳng bao giờ do riêng ta giải quyết, mà nó được giải quyết trong khuôn khổ cái chúng-tôi chung. Khuôn khổ tập thể đó có thể làm cho đời ta thêm khó khăn hay trở nên nhẹ nhàng. Vì lẽ đó, trong Giáo Hội sơ khai, người ta đã lập ra lớp giáo lýnhập đạo. Mục đích là để tạo nên một loại cộng đồng thay thế, trong đó người ta có thể làm quen với Chúa, và qua việc chung sống với kẻ khác, người ta dần bước vào được môi trường có thể học nhìn thấy Chúa. Từ đó cho tới lúc rửa tội – rửa tội còn được gọi là giác ngộ - sự hiểu biết về Chúa bắt đầu lớn lên trong cá nhân, và nhờ vậy, người đó giờ đây có thể tự lập trong cuộc sống đức tin.
Tôi nghĩ, trong thế giới hướng về vô thần, hoài nghi và vật chất ngày nay, mô thức trên lại trở nên cần thiết. Trước đây, xem ra Giáo Hội và xã hội gần như làm một với nhau. Giờ đây, Giáo Hội lại phải nỗ lực làm sao để trở thành một nơi cho con người tìm tới, nơi đó không những có chỗ cho cái chúng-tôi đang gặp khó khăn hay đang xuống cấp, mà cả cái chúng-tôi đang mở ra để đón nhận từng cá nhân và giúp họ tập nhìn ra Chúa.
Vấn đề là liệu đức tin có thật sự làm cho ta tốt hơn, nhân từ hơn, yêu người hơn, bớt tham-lam hơn, bớt tự-phụ hơn không. Hãy nhìn vào những người đã được chính Chúa kêu-mời tin, những kẻ xem ra chẳng mong gì hơn là được sống đẹp lòng Chúa và trở thành những con người toàn hảo. Tại sao cả trong số các giáo sĩ, các tu sĩ nam nữ lại có nhiều đố kị, tị hiềm, ghen tương, dối trá và thiếu bác ái với nhau đến thế ? Tại sao đức tin không làm cho họ tốt hơn ?
Một câu hỏi quả thật nhức nhối. Qua đó ta lại thấy rằng đức tin không đơn giản có sẵn đó, nó không đứng yên, nhưng có thể lớn ra hoặc teo lại. Nó không đơn giản là một bảo chứng thành toàn, một thứ nguồn vốn giờ đây chỉ còn đợi thu lãi. Đức tin luôn được đổ vào một bình tự do rất dễ vỡ. Ta mong mọi chuyện phải khác đi. Nhưng Chúa lại có cái liều lĩnh thật khó hiểu, là Ngài đã không cho ta một liều thuốc mạnh hơn.
Mà ngay cả khi ta phải chứng kiến những thiếu sót trong thế giới kẻ tin (dĩ nhiên đó cũng là hậu quả của sự suy yếu đức tin), ta cũng không được quên mặt tích cực của nó. Đọc chuyện của biết bao người đơn sơ, tốt lành, những kẻ đã được đức tin làm cho tốt hơn, ta thấy rõ là đức tin đã tác động một cách rất tích cực. Tôi đặc biệt nghĩ tới những người lớn tuổi trong các xứ đạo bình thường, đức tin đã làm cho họ chín muồi nhân ái. Gặp gỡ họ, tôi thấy toát lên sự ấm cúng, toả ra một thứ ánh sáng nội tâm.
Và ngược lại, chúng ta cũng phải công nhận là, với đà bốc hơi của đức tin, xã hội càng ngày càng xơ cứng, bạo lực và hung dữ ra. Bầu khí chẳng tốt hơn, nhưng càng ngày càng kích động và ác độc hơn, ngay cả một nhà thần học thích phản kháng như Vorgrimler* cũng đã nhận xét như thế.
BÍ ẨN
Thế giới của người Ki-tô giáo là một thế giới, trong đó cái vô hình và hữu hình đều đương nhiên như nhau. Thiên thần và thiên thần bản mệnh vây quanh ki-tô hữu. Họ có thể được Thánh Thần giúp sức. Khi muốn, họ có thể chạy đến nương tựa hay cầu cứu Mẹ Maria. Nhà trý thứccông giáo lớn Romano Guardini nói, người ta có thể làm cho những gì thiêng liêng và bí ẩn trở nên khả giác, bằng cách tập luyện hay nắm lấy những vật thánh và cố gắng tập trung tất cả suy nghĩ và tinh thần vào đó. Và rồi người ta cũng có thể cảm được ngay là mình đang ở vị trí nào và được thánh hoá ra sao. Người ngoài công giáo coi chuyện đó quả lạ lẫm, nếu không nói là quá ngây thơ.
Không được hiểu một cách hời hợt rồi bảo đó là mê tín. Như kiểu mình đang sống trong một vũ trụ đầy những quyền lực phù trợ, và những lực này nhận gánh thay cho mình một nửa cuộc sống. Đúng, là qua đức tin, chúng ta nhìn nhận có một thực tại trong đó không chỉ có cái hữu hình mà thôi. Những vị Thánh lớn vẫn thật sự luôn sống động. Có sự hiện diện của đại gia đình các thánh. Nhìn nhận sự kiện này có nghĩa là tôi được bao bọc và được thương yêu.
Để học tập một cách đúng đắn những điều Guardini chỉ, đương nhiên tôi phải làm quen với thực tế đó từ nội tâm và thấu hiểu chấp nhận nó – và rồi tôi cũng có thể nhận ra bảng chỉ đường. Bảng này chẳng phải đơn giản là một phương tiện thoải mái để tôi trút đi một nửa cuộc sống mình, nhưng là một hướng dẫn.
Vừa rồi, tin tức ở Í nói đến một bà kể chuyện về số phận mình. Bà sắp sửa sinh con, lại phải mổ tim thật nguy hiểm. Bà vui vẻ nói với nhà báo, là bà đã cầu với linh mục Pio* thế này : « Này cha Pio, hãy giúp con và con con », thế là bà yên chí sẽ chẳng có gì nguy hiểm xẩy ra cho hai mẹ con nữa. Chuyện có lẽ thật trẻ con và ngây thơ, nhưng nó phản ảnh một thứ niềm tin uyên nguyên được trao tặng cho những ai biết rằng mình đang có những anh chị em ở thế giới bên kia. Họ ở gần tôi, có thể giúp tôi, và tôi có quyền tin tưởng kêu cầu họ.
Nhưng càng ngày xem ra càng có ít người biết về những bí ẩn của đức tin. Tại sao thế ?
Có lẽ vì đức tin của ta trở nên quá máy móc. Cũng có lẽ vì con người quá hướng ngoại, ít chịu nhập tâm, như Guardini nói.
Mỗi thế hệ phải tự khám phá ra đức tin và phải sống đức tin đó một cách mới mẻ. Ngược lại, ta cũng đã thấy cảnh thế hệ mất đức tin ngày nay đang chạy đi tìm lực nâng đỡ trong những chuyện huyền bí, trong những viên đá hay một thứ gì đó chả hiểu. Điều này có nghĩa là người ta đi tìm những hình thức kêu cầu quyền lực vô hình mới, bởi vì họ cảm thấy mình có thể có hoặc cần có những kẻ giúp đỡ khác. Vì thế, những người công giáo chúng ta, và nhất là những ai mang trách nhiệm trong Giáo Hội, phải tự hỏi và suy nghĩ, tại sao mình đã không thể rao truyền một đức tin có thể đáp ứng được những vấn nạn ngày nay, để cho con người cảm nhận ra trong đức tin đó cũng hàm chứa những gì họ thực sự đang nỗ lực tìm kiếm.
TẤT CẢ ĐỀU ĐÃ ĐƯỢC VIẾT RA?
Người Ả-rập cố gắng diễn tả cái huyền bí lớn của thế giới bằng từ « Maktub ». Dịch ra đại khái là : « Điều đã được viết ra ». Có lẽ mọi chuyện: toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử cuộc sinh tử của tôi.. quả đã được viết ra rồi. Có lần tôi nghe trong một thánh lễ câu : phúc cho ai đã được ghi tên nơi Chúa, một câu trong Sách sự sống. Phải chăng Chúa đã vẽ ra đường đi cho mỗi người rồi, mình chỉ còn việc phải tìm ra con đường đã vạch đó ?
Tôi không phải là nhà chuyên môn về đạo Islam, nhưng tôi nghĩ, đây là điểm mâu thuẫn thật sự hay ít ra khác nhau giữa Islam và đức tin Ki-tô giáo. Đạo Islam tin rằng mọi chuyện đã được định sẵn, con người chỉ có việc sống trong màng lưới đã giăng đó. Đức tin Ki-tô giáo, trái lại, có yếu tố tự do. Có nghĩa là, một đàng, Thiên Chúa bao trùm mọi sự, Ngài biết mọi sự, Ngài dẫn dắt lịch sử. Nhưng đàng khác, Ngài cũng để chỗ cho tự do hiện diện, qua đó ta có thể làm khác đi điều Ngài muốn.
Ngài có thể cắt nghĩa rõ hơn ?
Điều này rất bí ẩn và khó giải thích. Ngay cả trong Ki-tô giáo thỉnh thoảng người ta lại tạo ra thuyết gọi là tiền định. Thuyết này cho biết, có những người đã bị đóng ấn hoả ngục, và cũng có những người đã có tên sẵn trên trời rồi. Đức tin của Giáo Hội phủ nhận điều đó. Bởi vì như vậy thì cá nhân tôi chả có thể làm được gì hơn nữa, vì số phần tôi đã được an bài rồi. Điều này rõ ràng không phù hợp với đức tin công giáo.
Thiên Chúa đã tạo ra tự do thật, và Ngài cũng để cho chương trình của Ngài bị đảo lộn (từ đảo lộn đó rồi ra Ngài lại tạo nên một cái gì mới). Lịch sử đã chứng minh điều đó. Khởi đầu là tội của Adam, nó làm đổ nhào kế hoạch của Chúa. Và Chúa đã phản ứng bằng cách tỏ cho thấy Ngài mạnh hơn, bằng cách Ngài hiện thân trong Đức Ki-tô.
Dân tộc Is-ra-en, có thể nói, là một mô hình thí dụ lớn. Bên cạnh đó còn có những thí dụ khác nhỏ hơn. Dân tộc này được cai quản bằng thần quyền, không phải qua hàng vua quan, nhưng qua những vị thẩm phán áp dụng luật Chúa. Nhưng dân Is-ra-en muốn có vua như các dân tộc khác. Và họ đã phá kế hoạch, và Chúa đã phải chấp nhận điều họ muốn. Ngài đã ban cho họ Saul, rồi David, rồi từ đó dọn đường cho Ki-tô, vị vua đã làm đảo lộn mọi triều vua với cái chết của Ngài trên thập giá.
Ở đây, chúng ta đã dùng một mô hình để hiểu Kinh Thánh và để hiểu rằng, một mặt, Thiên Chúa hoàn toàn chấp nhận tự do; mặt khác, Ngài lớn hơn và có khả năng hình thành nên từ thất bại và đổ vỡ một khởi đầu mới còn đẹp hơn, lớn hơn cái ban đầu. Cuối cùng rồi sẽ ra sao (hẳn Chúa biết mọi sự, nhưng Ngài cũng dành chỗ cho những đề nghị mới), điều này đã làm điên đầu bao nhiêu triết gia và thần học gia lừng danh nhất. Ta không thể biết được, vì chính ta đâu phải là Chúa, vả lại vì chân trời suy tư của ta vô cùng bó hẹp.
Nhưng tôi nghĩ, ta có thể hiểu được điều trực tiếp : Thiên Chúa nắm giữ lịch sử trong tay, Ngài giữ tôi trên tay, nhưng Ngài cũng để tôi tự do, để tôi tự mình trở nên một kẻ yêu hay chối từ tình yêu. Như thế, Chúa đã không đặt nơi tôi một mã số bất biến, nhưng Ngài chấp nhận nó với những khả thể đổi thay, và ta gọi cái đó là tự do.
CÓ PHÉP LẠ THẬT ?
Đức tin cho biết có thể có phép lạ. Và khi còn sống, các Tông đồ đã được trả giá khá bộn tiền, nếu các ngài chịu nói ra bí mật quyền năng lạ lùng của mình.
Có nhiều chứng tá về những chuyện không thể giải thích. Chúng là cớ cười nhạo cho người này, nhung lại tạo nên niềm kính trọng nơi kẻ khác. Chẳng hạn, trong nhà thờ lớn ở Padua có để trong hòm kiếng chiếc lưỡi của thánh An-tôn, nghe nói xưa kia ngài là một nhà hùng biện trứ danh. Ở Nevers gần Lộ-đức có xác của Bernadette, và ở Lisieux có xác thánh Thérèse, cả hai đều nguyên vẹn. Các xác đó không được ướp bằng hoá chất như mấy ông cộng sản ướp xác thánh Lenin của họ. Sao có thể có những chuyện đó được ? Nếu ta hỏi Chúa, Ngài sẽ trả lời sao với các phép lạ đó?
Tôi không dám cả gan bảo Chúa sẽ trả lời như thế nào. Nhưng câu hỏi về phép lạ vẫn được đặt ra, và nó thực ra cũng thuộc niềm tin Ki-tô giáo, xác nhận Chúa có quyền năng trên thế giới và Ngài quả có thể làm bất cứ chuyện gì.
Phải chăng những sự kiện trên đã vượt ra ngoài các định luật tự nhiên ? Hay trong chính những định luật thiên nhiên đã sẵn chứa những biến số mà Chúa đã có thể lợi dụng ? Đấy chẳng phải là những câu hỏi căn bản. Ngày nay, ta thấy ngày càng rõ hơn, là mình biết các luật tự nhiên như chỉ là những quy tắc áp dụng. Còn ngay trong tự nhiên thật sự là gì, và đâu là tầm ảnh hưởng của luật tự nhiên, thì chúng ta chưa xác định được. Điều quan trọng cần biết, là Chúa – sau khi đã dựng nên tạo vật – đã không ẩn mặt. Ẩn mặt trong nghĩa : Vâng, bây giờ thì bộ máy cứ việc chạy như Ta đã lên kế hoạch cho nó ngay từ đầu rồi. Không, Chúa có thể làm gì tiếp. Ngài trước sau vẫn là Tạo hoá, và vì thế luôn có khả năng can thiệp.
Mỗi can thiệp đều là phép lạ ?
Không được hiểu chữ phép lạ một cách mê tín, làm như thể người ta có thể gọi được phép lạ đến. Không được biến nó thành những toa thuốc rẻ tiền. Nhưng cũng không được tỏ ra ta đây biết điều và muốn ra lệnh cho Chúa có thể làm gì.
Về điểm này tôi có đọc một chuyện rất hay, trong cuốn sách viết về nhà thần học tin lành rất mộ đạo là giáo sư Adolf Schlatter. Schlatter được gọi tới đại học Berlin, là nơi nhà thần học tin lành nổi tiếng mang khuynh hướng tự do là Adolf von Harnack đang dạy. Giáo Hội tin lành muốn làm vậy để trung hoà bớt chủ nghĩa tự do của Harnack.
Harnack rất lịch thiệp. Dù việc phái Schlatter tới là một nhát búa đối với ông, nhưng ông vẫn ân cần tiếp đón Schlatter và nói, chuyện gì tới sẽ tới, chúng tôi rồi sẽ hiểu nhau. Và cả hai đã cộng tác tích cực với nhau. Thế rồi trong một cuộc họp hay buổi nói chuyện gì đó, có người hỏi về những mâu thuẫn giữa hai người, Harnack trả lời : Giữa hai chúng tôi, ông Schlatter và tôi, chúng tôi cách nhau thật ra chỉ với câu hỏi về phép lạ. Nghe thế, Schlatter lập tức la lên : Không phải, câu hỏi về Chúa ! Là vì trong câu hỏi về phép lạ đã tiềm ẩn câu hỏi về Chúa. Ai không nhìn nhận phép lạ (Harnack hoài nghi phép lạ. Người dịch), kẻ đó có một hình ảnh khác về Chúa.
Tôi nghĩ, câu chuyện đã trả lời đúng cho vấn đề của ta. Vấn đề không phải là ta có thể công nhận sự kiện lạ lùng này kia là phép lạ hay không. Mà vấn đề là Chúa vẫn là Chúa. Và Ngài, qua cách Ngài muốn và cách đó tốt cho thế giới, khi cần vẫn có thể tỏ cho thế giới biết Ngài vẫn là tạo hoá và chúa tể.
Giáo chủ Gio-an Phao-lô II có lần nói : « Khi làm việc với Chúa, người ta có thể nhận được ánh sáng tỏ cho mình thấy con đường của Ngài, và như thế giúp mình khám phá ra phần nào chương trình của Ngài ». Có nghĩa là, với đức tin, ta có thể nhìn thấu tương lai ?
Trên thực tế, ta có thể nhận ra phần nào chương trình của Chúa. Nhận thức đó vượt lên trên số phận cá nhân con người tôi và đường đi của tôi. Nhìn lại tổng quan lịch sử, ta cũng thấy là lịch sử đã không trôi dạt một cách tình cờ, nhưng đã đi theo một con đường và được lái về một mục tiêu. Trong cái diễn tiến lịch sử xem ra ngẫu nhiên ta có thể nhận ra một lí trí nội tại, lí trí của Chúa.
Với nhận thức đó, dù ta vẫn không thể đoán trước được cái gì sẽ tới, nhưng ta có một thức tỉnh nào đó về sự nguy hiểm có thể có trong những cái này – và ngược lại, có những hi vọng tiềm ẩn trong những cái kia. Ta sẽ có một cảm quan về tương lai, khi nhận ra cái gì sẽ phá vỡ tương lai (bởi cái đó đi ngược lại cái hợp lí nội tại của đường đi), và cái gì sẽ dẫn ta đi tiếp (bởi nó mở ra những cánh cửa tích cực và hợp với kế hoạch nội tại của toàn thể). Nhờ thế, ta có khả năng chẩn đoán tương lai.
Nơi các tiên tri cũng thế. Họ không phải là những nhà tướng số, nhưng là những tiếng kêu. Họ nhờ Chúa nhận ra được thời đại, và nhờ vậy, họ có thể một mặt báo động về những gì nguy cơ – và mặt khác chỉ ra cho con người bước đường đúng phải đi.
Nếu Đức Giê-su Ki-tô là con Thiên Chúa và là Chúa thật, toàn năng toàn trí, thì ta có lẽ cũng nói được rằng : Vâng, cách đây 2000 năm, khi đang bị treo thân trên thập giá, Ngài đã biết đến cá nhân tôi rất rõ. Với khả năng quan phòng hẳn Ngài đã biết cả đến tên tôi.
Trong thư gởi giáo đoàn Ga-la-tê thánh Phao-lô viết : « Ngài đã nhận ra tôi và đã hi sinh mạng sống cho tôi ». Xét một cách thuần thực nghiệm, thì Chúa dĩ nhiên đã không biết Phao-lô. Nhưng, nhờ được Đấng Phục Sinh gọi, Phao-lô biết được ánh mắt của Chúa đã soi thấu đến ngài.
Chúng ta không nên cố tìm hiểu, xem làm sao Đức Ki-tô là người mà lại có thể nhìn thấu được sự vô tận của con người trong lịch sử, nhưng hãy biết rằng, chính trong cơn lo âu trên núi cây dầu, chính trong tiếng vâng chấp nhận thánh giá, Ngài đã nhìn chúng ta, và Ngài cũng đã nhận ra tôi, có thể nói như vậy. Hành vi đó bao hàm quyết định tình yêu, một quyết định đã có trong đời đời, đã được thể hiện nơi cuộc sống tại thế của Đức Ki-tô, và đã xác định đời Ngài. Như thế tôi biết, tôi không phải là một kẻ hậu sinh không tên tuổi nào đó, một kẻ đứng bên ngoài quả tinh cầu, song đã có một quan hệ cá nhân với tôi, quan hệ đó cắm neo sâu thẳm nơi hành vi hi sinh mạng sống của Đức Ki-tô.
CHÚA THÌ ĐƯỢC, NHƯNG GIÁO HỘI THÌ KHÔNG?
Chữ Giáo Hội trong tiếng Hi-lạp có nguyên nghĩa là : « Những kẻ thuộc về Chúa ». Nghĩa là Giáo Hội cũng thuộc chính Chúa ?
Đúng vậy. Ekklesia có nghĩa là chọn ra, những người được chọn ra. Trong nghĩa kĩ thuật của nó, từ ngữ đó muốn nói tới sự « hội họp », chữ này làm người ta liên tưởng tới cuộc họp dân chúng trong các chế độ dân chủ của các thành phố Hi-lạp xưa. Trong lối nói Ki-tô giáo, từ đó gợi nhắc cuộc họp ở núi Sinai, cuộc họp của dân Is-ra-en. Như vậy, nó có nghĩa là « những người được Chúa gọi lại với nhau », những người quy tụ nhau bên Ngài, thuộc về Ngài và biết rằng Ngài ở giữa họ.
Giáo Hội, như anh nói, như vậy là sở hữu đặc biệt của Chúa trên trần gian. Đàng sau Ekklesia còn tiềm ẩn nghĩa một đền thờ sống động, một đền thờ thuộc về Chúa cách đặc biệt. Người Ki-tô giáo long trọng xác tín một Thiên Chúa sống động, chứ Ngài không ở trong những tảng đá. Vì thế, đền thờ đích thực là những con người thuộc về Ngài và Ngài ở trong họ. Chữ Dân Thiên Chúa cũng có nghĩa là chiếm Chúa đặc biệt cho riêng mình – và rồi thể hiện tương quan chiếm hữu đó qua đời sống mình.
Suốt chiều dài 2000 năm lịch sử Giáo Hội luôn phân rẽ. Hiện đã có trên dưới 300 Giáo Hội tin lành, chính thống và nhiều loại khác. Tại Hoa-kì có trên 1000 cộng đoàn báp-tít. Đối diện với các Giáo Hội đó là Giáo Hội công giáo, lãnh đạo bởi giáo chủ Rô-ma, trước sau vẫn tự coi mình là Giáo Hội thật duy nhất. Cho dù phải trải qua nhiều khủng hoảng, phải nói Giáo Hội công giáo quả là tổ chức hoàn vũ nhất, lớn và thành công nhất trên thế giới, hiện có số tín hữu đông như chưa từng có trong lịch sử.
Tôi nghĩ, ta nên học tinh thần công đồng Vaticano II, để đừng vênh vang về sự khéo léo của tín hữu công giáo và đừng lạm dụng sự to lớn và đông đảo của tổ chức mình. Khi coi những điểm trên là sở hữu của mình và do khả năng mình làm nên, lúc đó có thể ta tự tách ra khỏi sự nối kết với Chúa, và tự nâng mình lên như một hội đoàn riêng với quyền lực riêng. Và như thế, thất bại có thể tới rất nhanh. Giáo Hội trong một quốc gia có thể rất mạnh về tổ chức, nhưng nếu đức tin gẫy đổ, sức mạnh tổ chức kia trước sau rồi cũng sớm đổ theo.
Chắc anh biết câu chuyện thời Trung cổ kể anh Do-thái du lịch tới Vatican, và đã xin rửa tội. Khi trở về, anh được một người biết rất rõ chuyện ở Vatican hỏi : « Anh hoàn toàn không biết những gì xẩy ra ở Vatican sao ». Anh trả lời : « Biết chứ, tôi biết tất cả những chuyện xấu xa xảy ra ở đó ». « Vậy mà anh vẫn vào đạo. Vô lí thật ! » Anh Do-thái liền tiếp : « Vì thế mà tôi mới vào đạo. Bởi loạn đến cỡ đó mà Giáo Hội ấy vẫn đứng vững, thì tôi tin chắc phải có một bàn tay nào đó nâng đỡ ». Cũng có một câu chuyện khác : Một hôm Napoléon bảo, ông ta sẽ tiêu diệt Giáo Hội. Một Hồng Y liền đỡ lời : « Giáo Hội đó chúng tôi đã không phá được, huống hồ ngài ».
Tôi tin rằng, có một cái gì rất quan trọng trong những ngược đời đó. Thực tế, trong Giáo Hội công giáo đã không bao giờ thiếu những gương xấu ngoài sức tưởng tượng con người. Vậy mà nó vẫn trụ được, dù lắm khi cả trong nước mắt và kêu than. Nó vẫn tồn tại, vẫn tạo nên được những vị tử đạo và tín hữu lớn, những người sẵn sàng hiến thân đi truyền giáo, làm i tá, cô giáo ; điều đó cho thấy phải có một bàn tay nâng đỡ nó.
Những thành công của Giáo Hội, như thế, không phải là do công lao của ta, nhưng với công đồng Vatican II, chúng ta cũng được phép nói – dĩ nhiên trong các Giáo Hội và cộng đoàn khác cũng có nhiều cái sống động do Chúa làm - rằng, Giáo Hội hiện diện và tồn tại như một chủ thể thật. Nhưng chủ thể đó chỉ hiện diện và tồn tại nhờ Chúa, chứ không do con người.
Guardini có lần nói về ý nghĩa của Giáo Hội như vầy : « Giáo Hội phải là điểm tựa bất di dịch cho con người về chân lí tối hậu, phải là hình ảnh cuối cùng của sự toàn hảo và là những qui chuẩn rốt ráo cho việc định giá. Nó không được để đam mê dẫn vào lầm lạc, không được để chút tơ vương ích kỉ làm chao đảo tình cảm». Đòi hỏi có cao quá không?
Vâng, cao, nhưng mà đúng. Cho dù giáo sư ấy đã nói ra một cách cứng nhắc. Guardini là người rất thông hiểu, ông thích đặt những yêu cầu thật cao, và ông làm đúng. Chúng ta không được để cái đòi hỏi cao cả đó chìm đi trong những công thức thoả hiệp, rồi từ từ làm nó biến mất. Giáo Hội không thể hành động theo khẩu hiệu : « Ta làm được gì hay không làm được gì ? » Mục đích của Giáo Hội không phải là đi tìm những công thức thoả hiệp khả dĩ có, nhưng là giữ không để cho lời và í Chúa bị xuyên tạc – cho dù vì thế mà Giáo Hội thỉnh thoảng phải chống lại chính mình và chống lại những nhân sự rao giảng của mình.
Điều thánh Phao-lô viết trong lá thư tạm biệt gởi các linh mục ở Ê-phê-sô (lúc đó ngài đã biết mình có thể bị bắt ở Giê-ru-sa-lem) luôn đánh động tôi. Ngài tuyên bố, tôi đã loan báo cho anh em hay toàn bộ í muốn của Thiên Chúa. Tôi đã không dấu diếm anh em điều gì hoặc đã không tìm cách biến nó ra dễ dãi hơn. Tôi cũng đã không tìm cách đưa cho anh em công thức riêng của mình, nhưng đã công bố toàn bộ í muốn của Chúa cho anh em! Và Giáo Hội hiện hữu, trên thực tế, là vì mục đích đó.
Có lẽ ngài đã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ Giáo Hội. Có gì nơi Giáo Hội làm ngài khó chịu hay cả tức bực không?
Tôi quả chưa bao giờ nghĩ tới chuyện xa rời Giáo Hội, mà trái lại, Giáo Hội chính là quê hương sâu thẳm nhất của tôi. Từ ngày sinh ra, tôi đã hoà tan với nó, đến nỗi nếu không có nó, tôi như bị chặt ra từng đoạn, như bị tiêu vong. Dĩ nhiên, luôn có không nhiều thì ít những chuyện làm mình bực lòng. Trước hết là những chuyện ở Giáo Hội địa phương, rồi tới Giáo Hội hoàn vũ, nơi tôi đang làm việc. Bao lâu còn chung đụng với con người, bấy lâu còn có những chuyện khó chịu. Nhưng người ta cũng không bỏ gia đình mình, khi có chuyện bực lòng ; nhất là khi tình yêu nối kết gia đình còn mạnh hơn, khi tình yêu đó là nguyên lực đỡ nâng mình.
Với Giáo Hội cũng thế. Tôi hiểu rằng, không phải tôi có mặt trong Giáo Hội là vì người này hay người kia; tôi cũng biết, xưa nay đã có biết bao nhiêu lỗi lầm trong lịch sử, và trong Giáo Hội luôn có thể có những chuyện rắc rối. Nhưng tôi cũng biết, những chuyện đó không thể nào bóc đi được cái cốt lõi nơi Giáo Hội này. Đơn giản là vì cái cốt lõi đó đến từ một nơi nào hoàn toàn khác – và nó vẫn luôn mang lại giá trị mới.
Trong cuốn tiểu thuyết « Cuộc diễn hành Radetzky », tác giả Joseph Roth viết : « Trong thế giới cằn cỗi này chỉ có Giáo Hội Rô-ma là kẻ duy nhất còn có mô hình. Vâng, ta có thể nói, là kẻ trao tặng mô hình… Bằng cách nó quy định tội lỗi, rồi lại tha những tội lỗi đó. Nó thành thật chấp nhận chuyện không ai là không tội lỗi : đó là cái nhân bản cao cả nhất nơi Giáo Hội này…
Qua đó, Giáo Hội Rô-ma là chứng tá thu phục cho một khuynh hướng đẹp nhất, là biết xin lỗi, biết tha thứ ». Phải chăng Giáo Hội, theo bản chất, là một Giáo Hội của những kẻ tội lỗi ?
Hẳn nhiên là thế ! Như ta vừa thấy, Giáo Hội, dù có nhiều con cái tội lỗi, vẫn được Chúa gìn giữ. Một mặt, câu trích trên cho thấy một lối nhìn và một cách đánh giá thuần trần tục về Giáo Hội. Rằng Giáo Hội có một mô hình, nó cố giữ lấy mô hình đó, không chìm đi vào cái vô định, nó còn có thể nói lên được í Chúa, tất cả những điều đó quả rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nhìn Giáo Hội theo chiều kích lịch sử đó thôi, ta sẽ biến Chúa thành ra kẻ phục vụ mục tiêu của con người. Chính lúc đó, tuy ta vẫn muốn có một tôn giáo, nhưng ta lại coi Chúa chỉ còn như là một cấu trúc hỗ trợ nhằm nối kết con người và nối họ lại với Ngài.
Mặt khác, tôi không đồng í với câu, Giáo Hội công giáo quy định tội lỗi rồi lại tha thứ tội lỗi đó. Giáo Hội dĩ nhiên không sáng chế ra tội lỗi, nhưng Giáo Hội nhận ra í Chúa và phải nói lên í đó. Cái đúng của câu trích trên là Giáo Hội phải nói lên cái í cao cả, bó buộc và nghiêm khắc của Chúa, để con người biết nhìn ra giới hạn mình, và cũng đồng thời được thứ tha nhờ sự ủy-nhiệm tha tội của Giáo Hội.
Trên thực tế Giáo Hội có thể nói với con người: Ai muốn hoàn toàn tự mình trở nên tốt, ai tin rằng mình không cần sự tha thứ, người đó lầm. Vì như thế, người đó sẽ trở nên cố chấp, liều lĩnh, tự kiêu tự đại, và rốt cuộc sẽ thành bất nhân. Vấn đề là ta chẳng cần phải có cái kiêu hãnh đó. Mà tôi cũng chẳng buộc phải hoàn tất điều gì để có thể từ chối sự tha thứ. Trái lại, khi tôi cố gắng sống theo í Chúa, cố gắng hoà nhập í mình với í Chúa, thì ngay lúc đó tôi cũng biết là tôi được thứ tha. Tôi là một thụ tạo có đủ khiêm tốn để chấp nhận rằng mình cần được tha thứ. Trong lối nhìn đó, khiêm tốn và tín cẩn là những đức tính làm con người thật sự trở nên người hơn.
« Chúa thì được, nhưng Giáo Hội thì không », câu nói đã trở nên như một thứ tuyên ngôn. Liên quan tới câu này, thánh Xi-pri-a-nô*, giám mục ở Karthago (200-258), nói: « Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi », bởi vì « ai không nhận Giáo Hội làm mẹ, thì cũng không thể nhận Chúa làm cha ». Câu nói ngày nay vẫn còn giá trị ?
Nếu vì đó mà bảo rằng tất cả những ai không phải là ki-tô hữu đều phải sa hoả ngục, thì câu trên không có giá trị. Nhưng câu trên muốn nói lên rằng, con người ta thế nào cũng cần có một người mẹ, cho dù mình không nhận ra mẹ đó ; đó là người mẹ cộng đoàn sinh mình ra trong đức tin và dẫn mình hướng tới Chúa.
Thánh Xi-pri-a-nô nói câu trên trong hoàn cảnh bị truy nã. Ngài muốn đề cập tới những người bỏ Giáo Hội vì sợ tử đạo, nhưng đồng thời vẫn tin rằng mình không bỏ Chúa và Đức Ki-tô. Ngài muốn nói với họ rằng, ai xa lìa cộng đoàn sống động, xa lìa thân thể sống động, thì người đó đang bỏ thuyền No-ê để nhảy xuống lũ lụt. Trong ý nghĩa đó, ngài muốn nói lên sự gắn bó không thể chia lìa giữa đức tin vào Đức Ki-tô và Giáo Hội.
Tôi không thể biến Đức Ki-tô thành vật tư hữu và chiếm riêng cho tôi. Thuộc về Đức Ki-tô không phải chỉ có mình tôi, mà còn cả cái bực bội do đồng đạo tôi gây nên nữa. Đức tin được trao vào cái chúng-tôi chung đó, chứ nó không hiện diện cho cá nhân. Nói câu trên, thánh Xi-pri-a-nô đã không sáng tạo ra một học thuyết nào về thái độ của Chúa đối với những người chưa biết Giáo Hội. Cả thánh Phao-lô, người luôn nhấn mạnh tới Giáo Hội, cũng đã nói, chúng ta trong Giáo Hội phải biết hành xử đúng, còn việc Chúa muốn làm gì với những người ở ngoài Giáo Hội, thì đó là chuyện của Ngài. Như vậy, cả thánh Phao-lô cũng không lập ra học thuyết nào về lối hành xử của Chúa đối với người ngoài. Nhưng ngài cho ta hay, ai được thấy mặt Chúa, người đó không thể kéo Ngài ra khỏi Giáo Hội được, kẻ đó phải sống với Ngài trong Giáo Hội.
Vấn đề đó từ hơn hai ngàn năm nay vẫn luôn mang tính thời sự.
Có lẽ cho phép tôi thêm ít lời : Tình trạng ngày nay đã hơi khác đi một chút. Johann Baptist Metz* có lần nói, câu tuyên ngôn trên đây nay đã đổi thành : Tôn giáo thì được, nhưng Chúa thì không. Người ta muốn có một thứ tôn giáo nào đó, huyền bí hay là gì đó. Nhưng lại không chấp nhận một Thiên Chúa cá thể có thể nói với tôi, biết tôi, đã dạy tôi một số điều, có thể đòi hỏi tôi, uốn sửa con người tôi. Nghĩa là người ta muốn giữ cảm thức tôn giáo, nhưng lại không muốn đặt mình vào một trói buộc thượng đế nào cả. Xem thế, ngày nay chúng ta thật ra đang gặp khủng hoảng về Thiên Chúa, chứ chẳng phải khủng hoảng về tôn giáo – bởi vì tôn giáo đang mọc lên như nấm.
Sáng nay tôi muốn dự thánh lễ của các linh mục dòng tại Montecassino, nhưng đã vô nhà nguyện trễ vì tìm mãi không thấy lối vào. Nhà dòng này lớn mênh mông như một thành phố. Như một anh mù, tôi gõ hết cánh cửa này tới cửa khác, cũng chẳng gặp một ai để mà hỏi. Người ta có thể một mình tìm gặp Chúa, tìm gặp Giáo Hội được không ?
Chỉ đơn độc một mình thì chắc chắn không gặp. Và đây chính là cái cơ bản Ki-tô giáo (và cái cơ bản này cũng hàm chứa trong ý niệmGiáo Hội), nghĩa là liên hệ giữa ta với Chúa không chỉ là một liên hệ nội tâm, được hình thành từ cái Tôi và cái Anh/Chị, nhưng cũng là một cái được- nói-với, được- dẫn-dắt. Con đường tới Chúa và Giáo Hội đi ngang qua gặp gỡ. Giáo Hội là nơi, trong đó nhiều con người đi tìm và đã gặp đúng cửa. Tuy có nhiều người với bản tính khác nhau, nhưng thế nào trong đó cũng có người hợp với tôi và nói cho tôi biết được lời hay lẽ phải.
Thiên Chúa luôn tới với con người qua con người. Cũng thế, chúng ta tới với Ngài qua con người, những con người được Ngài hướng dẫn. Qua họ, chính Ngài gặp ta và kéo ta tới với Ngài. Nếu như ta chỉ nhờ đọc sách thánh mà có thể tự nâng mình lên gặp được cái tối hậu, thì đó có lẽ là một chuyển động có tính cách triết học, trong đó vắng bóng yếu tố cộng đoàn, một yếu tố rất quan trọng của đức tin.
Hoàng đế Rô-ma yêu cầu thánh Lô-ren-xô giao nộp tài sản của Giáo Hội. Chẳng bao lâu sau, thánh nhân xuất hiện trước mặt Hoàng đế, vừa chỉ vào đám dân nghèo thành phố vừa thưa: « Thưa ngài, đó là tài sản lớn nhất của Giáo Hội ». Lô-ren-xô đã phải chết vì hành vi này.
Kinh Thánh cho hay Đức Ki-tô xuất thân từ giới nghèo Do-thái. Sau 40 ngày sinh, mẹ Ngài dâng của lễ người nghèo. Và sách thánh cũng cho thấy, tâm hồn của chính những người nghèo luôn mở rộng. Họ không bị trăm ngàn thứ chung quanh che mất cái toàn thể. Mà vẫn luôn giữ được sự đơn sơ, tinh khiết, chân thật và nhân ái của tâm hồn, những đức tính giúp họ nhìn ra được điều người khác không thấy.
Dĩ nhiên, Giáo Hội cũng buộc phải cần những người trí thức. Giáo Hội cần những người sẵn sàng đóng góp trí lực. Giáo Hội cũng cần những người giàu đại độ, sẵn sàng dùng tài sản mình phục vụ cho thiện ích. Nhưng Giáo Hội cũng luôn sống nhờ vào niềm tin của những kẻ khiêm nhu theo Chúa. Trong ý nghĩa đó, tài sản thật sự của Giáo Hội là tập hợp những con người cần tình yêu và ban phát tình yêu : những kẻ đơn sơ có khả năng nhận biết chân lí, bởi vì họ, như Chúa nói, là những đứa trẻ. Họ là những người, qua bao vận hành lịch sử, vẫn giữ được điều nền tảng và tinh thần khiêm nhu cũng như yêu thương trong Giáo Hội.
Giáo huấn dạy, lúc Đức Ki-tô tới cũng là ngày khởi đầu của « tận thế ». Nghĩa là « thời của Giáo Hội » bắt đầu, và nó sẽ kéo dài cho tới khi Chúa lại đến. Điều đó phải hiểu ra sao ? Nói khác đi, phải chăng hạnh phúc và đau khổ của địa cầu này và loài người trong đó gắn liền với hạnh phúc và đau khổ của Giáo Hội công giáo ? Hay nói rõ hơn : Nếu không có Giáo Hội với lời cầu kinh và công lao khó nhọc của nó, Thiên Chúa đã để cho thế giới tiêu tan từ lâu ?
Việc Chúa đã làm hay có thể làm, ta nên để ngỏ. Nhưng tôi tin rằng, Giáo Hội công giáo có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chuyển động lịch sử, điều này đã được thực nghiệm kiểm chứng. Nếu như đức tin của Giáo Hội sụp đổ, Giáo Hội chấp nhận phá sản và tuyên bố, chúng tôi đã lầm, thì hẳn sẽ xẩy ra một gãy đổ trong toàn bộ lịch sử và nhân loại, mà hậu quả sẽ không tài nào lường được.
Ta đã thấy sự liên hệ giữa khủng hoảng hậu công đồng và khủng hoảng của thập niên ´68. Có lẽ công đồng không phải là nguyên nhân của khủng hoảng ´68, nhưng rõ ràng nó là lực đẩy ghê gớm. Không ai còn phủ nhận tính chất bi thảm của biến cố đó. Mà ta chỉ mới thấy những gì có thể thấy được mà thôi. Anh có lí khi nói tới những chuyện sâu xa, như sức mạnh của cầu nguyện, của lòng tin, của tình yêu. Những thứ đó đã mang Chúa trở lại trần gian, để nhân loại được tỏa sáng đôi chút bởi ánh sáng Ngài. Nếu lực này biến mất, thế giới hẳn sẽ gặp thảm hoạ.
No comments:
Post a Comment