SUY NIỆM CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
(Ga 20, 19-31)
Chúa nhật Lòng Thương
Xót Chúa được tiếp liền sau Đại Lễ Phục
Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cách đặc biệt, kể từ ngày 22 tháng Tư
năm 2001 là sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô
II, hôm nay Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh muốn đáp lại ý muốn của Thiên
Chúa cách minh nhiên được truyền lại cho vị thánh đồng hương của mình là
Faustina Kowalska sứ điệp về lòng thương xót Chúa đối với thế giới là vô cùng
vô hạn. Chúng ta cùng nhau thực hành lời khuyên của Chúa, để nhận được ơn tha
thứ tội lỗi và mọi hình phạt, do đó, trong lời Ca nhập lễ hôm nay : " Như
những trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng tinh khiết, nhờ đó anh
em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ. Allêluia".
Tin Mừng chung cho cả ba năm Phụng vụ A,B,C được trích từ
Phúc Âm theo Thánh Gioan (20, 19-31 ), tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu phục
sinh hiện ra gặp gỡ các tông đồ thật là cảm động. Cử chỉ trao ban bình an của
Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở
nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn
in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông : " Bình an cho
các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người
thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con
tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị
cầm lại" ( Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân
"tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối
với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân
và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in
trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương
vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu
nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa : " Thiên Chúa đã yêu
thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài" (Ga 3, 16). Từ đó, một
làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ,
những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ
hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn,
mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng . Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim
và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay cần thiết biết bao lòng thương xót của
ThiênChúa!
Hôm nay, Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa chúng ta cùng nhau lặp
lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang :
"Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa"
(Tv 117, 1). Quả thật : "Tình thương Chúa tồn tại muôn đời! ". Cái chết
và sự sống lại của Chúa Kitô đã thay đổi tận căn số phận của nhân loại nói
chung và mỗi người chúng ta nói riêng. Ðây là điều kỳ diệu trong đó được thể hiện
trọn vẹn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha, một tình yêu không ai hiểu thấu,
Ðấng vì phần rỗi chúng ta, và để cứu chúng ta, Chúa đã nộp chính Con yêu.
Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương
chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố Phục Sinh
của Con Thiên Chúa, Thập Giá nói lên và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời
của Ngài đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa"(
Dives in misericordia, số 7).
Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, một tình thương mạnh hơn sự
chết và tội lỗi. Giờ đây, nhân loại vẫn đang tiếp tục được thừa hưởng tình
thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đổ ra từ những vết thương vinh hiển và từ
trái tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự
cứu chuộc, ơn cứu rỗi, sự thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa tuôn tràn sự dịu dàng,
thánh nữ Faustina Kowalska thấy xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian.
Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "Hai tia sáng nầy tượng trưng cho
máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể;
còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí
tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần
(x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín
thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt
niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào tay Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi duy nhất
của chúng ta ! Những tia sáng của lòng nhân từ Chúa ban lại niềm hy vọng, một
cách đặc biệt, cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.
Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót do chính thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II thiết lập. Ngài mất vào đúng vọng ngày Kính Lòng Chúa
Thương Xót năm 2005. Hôm lại được tuyên phong hiển thánh đúng Đại Lễ này, ngài
quả là vị thánh Giáo hoàng của lòng xót thương. Cùng với thánh Giáo hoàng Gioan
XXIII nhân hậu hay tỏ lòng thương xót đối với mọi người, phần nào diễn tả thái
độ nội tâm của ngài trước Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và hay thương xót.
Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa, Chúa đã mạc
khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng con, chúng con tin thác vào Chúa,
chúng con lặp lại ngày lúc này với xác tín rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào
Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp
chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con.
Lạy thánh Giáo hoang Gioan XXIII, thánh Gioan Phaolô II hôm nay hiển thánh và
thánh nữ Faustina chúng con nhớ đến với hết lòng mộ mến, xin cũng trợ giúp
chúng con. Xin cho chúng con được cùng với các thánh, hướng nhìn về Ðấng Cứu
Chuộc, và lặp lại lời nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào
Chúa". Bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tác giả: Lm. Antôn
Nguyễn Văn Độ
No comments:
Post a Comment