Tuesday, April 15, 2014

Kinh Cầu Của Thánh Phanxicô - Sứ điệp hòa bình cho thế giới ngày nay (phần 2)

                      Kinh Cầu của Thánh Phanxicô
                               xuất hiện cách nào?


          Những điều lớn lao hay có gốc gác tầm thường. Sông Amazon, sông lớn nhất trên trái đất, khởi nguồn trong một con suối vô danh giữa hai ngọn núi cao mười năm ngàn dặm phía nam vùng Curzo nước Peru. Sông São Francisco, dòng sông nối kết những người Brazil chúng tôi, xuất phát từ một con suối nhỏ trong vùng cao rặng Canastra ở Minas Gerais. Từ từ khối nước này nhập với khối nước kia đến khi chúng làm thành những dòng sông lớn đổ ra biển cả.

          Kinh Cầu Hòa Bình cũng tương tự như thế. Nó phát sinh ẩn danh, nằm ngoài lề, chẳng ai cho nó chút giá trị đặc biệt nào. Không lâu sau, nội dung đẹp và truyền cảm của nó đã làm ấm lòng nhiều người và làm trí óc họ phấn khích. Như một tia sáng băng qua không gian vô tận, Kinh Cầu Hòa Bình tiếp tục lan rộng và chinh phục thế giới.

          Mỗi một lời kinh đều chân thật và có sức thuyết phục. Nó rất đơn giản đến độ ai cũng có thể hiểu được. Trẻ con Phật giáo ở Nhật Bản đọc nó, các nhà sư Tây Tạng ở Ấn Độ, những tín đồ Hồi Giáo ở Cairo, các Giáo Hoàng Kitô giáo ở Roma, các thành viên cộng đồng cơ bản ở Châu Mỹ Latinh, và ngay cả thợ thuyền trong các cuộc biểu tình và đình công đọc nó. Tất cả họ đều cảm nhận rằng kinh cầu này là một chuyển dịch đầy cảm hứng những ước vọng lâu đời của nhân loại. Nó nối kết với những lời kêu gọi cho hòa bình và bao dung, những điều tuyệt đối cần thiết cho cuộc vượt qua đầy nguy hiểm hiện nay của chúng ta, cuộc vượt qua từ địa phương đến toàn cầu, từ quốc gia đến hành tinh, từ nhiều xã hội đến duy nhất một xã hội thế giới.

          Khi các kinh cầu gợi cảm và phổ quát đến như thế xuất hiện, thì đó là dấu chứng cho thấy tác giả của chúng là Thánh Linh, Đấng thường tác động âm thầm trong những tâm hồn thanh tịnh rộng mở trước thần linh. Điều đó ắt hẳn là cách thức Thánh Linh tác động nơi tác giả vô danh nào đó là người, đầy nhiệt tình đạo đức, đã diễn đạt kinh cầu đó, về sau được quy cho Thánh Phanxicô thành Assisi.

          Kinh Cầu Hòa Bình đầu tiên xuất hiện vào năm 1913 trong một tạp chí nhỏ địa phương ở vùng Normandy nước Pháp. Không người ký tên, và được chép từ một tạp chí khác không tên tuổi nên chẳng để lại dấu tích nào trong lịch sử, bởi hiện chẳng ai tìm thấy được gì trong bất cứ văn khố nào ở Pháp.


                           Từ Bên Lề tới Trung Tâm


          Kinh Cầu của Thánh Phanxicô được biết đến rộng rãi sau khi nó xuất hiện trên tờ Osservatore Romano, tờ báo chính thức của Vatican, vào ngày 20 tháng Giêng năm 1916. Tờ nhật báo Pháp nổi tiếng La Croix phổ biến nó vào ngày 28 tháng Giêng, gần đúng vào giữa chừng cuộc Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918), khi các kinh cầu cho hòa bình vang lên khắp nơi.

          Làm sao Kinh Cầu Hòa Bình, hay Kinh Cầu của Thánh Phanxicô, tới được Vatican, và rồi bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới?

          Trong các giáo phận và giáo xứ theo Kitô giáo khắp nơi, dân chúng đều cầu xin cho chấm dứt chiến tranh, đang tàn phá và làm nhục Châu Âu, cái nôi của cái gọi là văn minh Kitô Giáo Phương Tây. Hầu tước Rochetulon, người sáng lập tuần báo Công Giáo Souvenir Normand, đã gởi đến Giáo Hoàng Bênêđictô XV một số kinh cầu hòa bình. Không ai biết rõ chính Hầu Tước đã viết ra chúng hay chỉ góp nhặt những kinh đang lưu hành trong dân chúng.

          Chúng ta biết được những kinh cầu hòa bình này đã tới tay Giáo Hoàng là nhờ có bức công hàm của Hồng Y Gaspari nhân danh Giáo Hoàng Bênêđictô XV cám ơn Nhà Quý Tộc Rochetulon. Tài liệu này tiết lộ một điều đáng chú ý: mọi kinh cầu đó, gồm cả kinh cầu của Thánh Phanxicô, đều hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu, một việc sùng kính được giới thiệu cho toàn thể Giáo Hội vào cuối thế kỷ 19.

          Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đó đã cố tìm cách vãn hồi một khía cạnh bị lãng quên trong Kitô giáo truyền thống: sự phong phú của nhân tính thánh thiêng của Chúa Giêsu, tình thương không điều kiện của Ngài, lòng thương xót của Ngài, lòng nhân hậu của Ngài đối với mọi người, đặc biệt với người nghèo và kẻ tội lỗi, trẻ con và phụ nữ.

          Như một kết quả của lòng sùng kính này là hầu hết các nhà thờ Công Giáo khắp thế giới, ngay cả những thờ cổ nhất kiểu gôtich, thuộc địa, hay phong cách ba-rốc, đều có tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu với trái tim rỉ máu rõ ràng.

          Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được nối kết với tinh thần nhân bản về hòa bình và hòa giải, là điều vô cùng cần thiết vào thời chiến tranh thế giới đó. Đây chính là bối cảnh mà Kinh Cầu Hòa Bình được công bố trên tờ Osservatore Romano. Từ đó nó đang chinh phục trí khôn và con tim hàng triệu người trên thế giới, và đang được thống nhất bìến thành một kinh cầu cho hợp nhất giữa các tôn giáo, nguyện cầu cho hòa bình, hòa bình thế giới, hòa bình xã hội, hòa bình sinh thái và hòa bình cá nhân.

          Mọi điều trong kinh đều giản dị và chân thật, mọi điều đều xuất phát từ tâm hồn và đến với tâm hồn. Bất cứ ai cũng có thể đáp lại lời kinh bằng cách nói lên "Amen" và "Xin được như vậy" mà không lấn cấn điều gì.


     Từ Kinh Cầu Hòa Bình đến Kinh Cầu của Thánh Phanxicô   


          Bằng cách nào Kinh Cầu Hòa Bình này lại được gọi là " Kinh Cầu của Thánh Phanxicô"?

          Bằng một sự trùng hợp lịch sử đơn giản nhưng lại đầy ý nghĩa và bộc lộ nhiều điều. Bởi vì có một sự tương đồng đầy kinh ngạc giữa các đặc điểm của Tâm Hồn Chúa Giêsu và của Thánh Phanxicô.
Đó là lý do tại sao Thánh Phanxicô đã được gọi là "Đấng Đầu Tiên sau Đấng Duy Nhất", hay Alter Christus, Đức Kitô khác.

          Ngay sau khi Kinh Cầu Hòa Bình được phổ biến ở Rôma, một tu sĩ Phanxicô, một thầy Giám Tỉnh dòng ba giáo dân vùng Rheims nước Pháp, có một tấm bích chương lớn in hình Thánh Phanxicô một tay cầm luật dòng ba và tay kia cầm Kinh Cầu Hòa Bình với một quy chiếu tới nguồn gốc của nó (Souvenir Normand). Vào đoạn cuối có một câu ngắn: "Kinh Cầu này tóm lược các lý tưởng dòng Phanxicô và còn trình bày một đáp ứng cho những nhu cầu cấp thiết của thời đại chúng ta". Với câu ngắn này, con đường đã được mở ra cho kinh cầu đó trở nên không những là một kinh cầu hòa bình mà còn được biết đến là "Kinh Cầu của Thánh Phanxicô", hay "Kinh Cầu Hòa Bình của Thánh Phanxicô".

          Kinh cầu này vì thế đã trở nên bản tổng kết lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và linh đạo Phanxicô. Thật lạ lùng, kinh cầu dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu được Đức Leo XIII phổ biến năm 1899 lại có một cấu trúc tương tự với cấu trúc Kinh Cầu của Thánh Phanxicô mà ta có hiện nay, đặc biệt trong ba nhóm từ: tranh chấp-an hòa, sai lầm-sự thật, tối tăm-ánh sáng.

          Những cặp tương phản khác - tình yêu-hận thù, xúc phạm-tha thứ, thất vọng-hy vọng, và u sầu-niềm vui - được neo vào lời rao giảng của Chúa Giêsu và hành động giải phóng của ngài. Sự hiện diện và lời ngài biến đổi thực tại: nơi oán thù tình thương đi tới; nơi tổn thương tha thứ xuất hiện; nơi nghi nan niềm tin nẩy chồi; nơi thất vọng hy vọng phát sinh; và nơi u sầu niềm vui oà vỡ.

          Phần hai: "Xin dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu", tạo nên nét đặc điểm căn bản của Kitô giáo là sự từ bỏ hoàn toàn bản thân và những gì ta yêu quý nhất để có thể triệt để phục vụ người khác.

          Phần ba: "Vì chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh; chính khi thứ tha là khi được tha thứ; và chính khi chết đi là khi sống muôn đời", căn cứ hầu hết vào các bản văn Tin Mừng:

          - Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại (Luca 6:38).

          - Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha (Luca 6:37)

          - Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống (Lc 17:33)

          - Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời (Ga 12:25)

          Vì vậy, tính chất quá giống nhau giữa lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và lòng mến mộ Thánh Phanxicô đã đưa đến việc các đặc tính của bên này được quy cho bên kia. Điều này gợi nhớ lại câu nói thời danh của Cha Antonia Vieira trong bài giảng về Các Thương Tích của Thánh Phanxicô: "Mặc Chúa Kitô vào rồi bạn sẽ có Phanxicô, cởi Phanxicô ra rồi bạn sẽ có Chúa Kitô".

          Mối tương thân này xuất hiện, chẳng hạn, trong các văn bản của Thánh Phanxicô được gọi là những Khuyến Dụ, đặc biệt số 27, ở đó ta tìm thấy âm hưởng rõ ràng của Kinh Cầu Hòa Bình:

                    Đâu có kiên nhẫn và khiêm tốn,
                    ở đó chẳng có phẫn nộ và lo âu.
                    Đâu có khó nghèo với vui,
                    ở đó chẳng có tham lam và hà tiện.
                    Đâu có an bình nội tâm và chiêm niệm,
                    ở đó chẳng có lo âu và phóng đãng.
                    Đâu có kính sợ Thiên Chúa giữ nhà,
                    ở đó kẻ thù chẳng men tới cửa.
                    Đâu có thương xót và sáng suốt,
                    ở đó chẳng có thái quá và nhẫn tâm.

          Nó còn xuất hiện trong kinh cầu của một trong các đệ tử sâu sắc và thần bí nhất của Thánh Phanxicô, Thánh Egidio thành Assisi:

                    Nếu bạn mến yêu, bạn sẽ được mến yêu;
                    Nếu bạn tôn kính, bạn sẽ được tôn kính;
                    Nếu bạn phục vụ, bạn sẽ được phục vụ;
                    Nếu bạn đối xử tốt với kẻ khác, bạn sẽ được đối xử tốt;
                    Vì thế,
                    Phúc cho ai yêu mà chẳng được yêu,
                    Phúc cho ai tôn kính mà chẳng được tôn kính,
                    Phúc cho ai phục vụ mà chẳng được phục vụ,
                    Phúc cho ai đối xử tốt với kẻ khác mà chẳng được đối xử tốt.

          Điều diễn bày ở đây là năng lực tình yêu vô điều kiện. Nó yêu chỉ vì yêu, chẳng mong chờ khen thưởng nào. Đây là tình yêu mà THiên Chúa có với con trai con gái của ngài, cả khi chúng vô ơn và tội lỗi. Đây là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đây là tình yêu tỏa sáng nơi Thánh Phanxicô. Đây là tình yêu thiêu đốt các nhà thần bí như Thánh Gioan Thánh Giá, hay các Thầy Đồng Hồi giáo (SufiRumi). Đây là tình yêu mang ơn cứu rỗi vĩnh cửu cho mọi người, cung cấp nền tảng cho hòa bình, giải thoát thế giới, và kiến tạo ý nghĩa ẩn tàng của vũ trụ.

Còn tiếp...


No comments:

Post a Comment