(Lễ Vọng Phục Sinh)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Những ai đã từng đi rừng vào ban đêm, hẳn sẽ hiểu được sự cần
thiết của ánh sáng. Cách đây khoảng mấy chục năm, việc có và sử dụng đèn pin là
rất hiếm, nên những người đi rừng vào ban đêm thường hay đốt đuốc để dò đường.
Một phần phá đi bóng tối bao phủ, phần khác xua đuổi những loài dã thú dữ... Rồi
trong những dịp lễ hội dân gian, người ta thường hay nhóm lên đống lửa và tụ họp
trung quanh nó để vui ca nhảy múa... ta gọi đó là lửa trại.
Đêm nay, đêm mà mọi người Công Giáo trên thế giới cũng quây
quần bên ánh lửa đặc biệt của ngọn nến Phục Sinh. Ánh lửa đó tượng trưng cho
chính Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chiến thắng tử thần và đã sống lại. Ngọn lửa ấy
đã làm bừng sáng lên để xua đi bóng tối của những phiêm tòa ẩn khuất xử Đức
Giêsu trong đêm và cũng phá tan bóng đen u ám của cái chết trên đồi Canvê chiều
thứ 6 Tuần Thánh.
1. Đức Kitô Giêsu là Ánh Sáng, là Chân Lý và Tình Yêu
Trước khi cử hành phụng vụ đêm nay, mọi ánh đèn đều được tắt,
để khởi đi từ bóng tối. Đây là hình ảnh của tội lỗi, sự dữ, gian dối và chết
chóc. Nhưng ngay sau đó, nến Phục Sinh được thắp lên, được truyền lan đến mọi
người, và vị chủ tế cất tiếng giới thiệu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi người đáp:
“Tạ ơn Chúa”. Nghi thức này cho thấy: Đức Kitô phục sinh đã phá tan bóng tối,
đêm đen, tội lỗi và sự chết. Từ nay Ngài là Chúa của kẻ sống và sẽ phục sinh tất
cả những ai đã cùng Ngài bước qua đau khổ thì sẽ được đến vinh quang. Từ nay,
Ngài sẽ thông ban sự sống của Ngài cho chúng ta, để chúng ta sống tự do trong
cương vị là con cái Chúa.
Vì thế, kể từ đây, chúng ta thuộc về Đức Kitô Phục Sinh - Đấng
là Sự Sống, là Ánh Sáng chiếu soi mọi người. Khi đã thuộc về Đức Kitô như thế,
mỗi người cũng nhớ lại vai trò trở nên ánh sáng soi cho muôn người ngày chúng
ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Ánh Sáng của nến Phục Sinh được thắp lên, còn gợi cho chúng
ta cảm nghiệm được sự sáng và sức nóng, đây chính là biểu trưng của chân lý và
tình yêu nơi Đức Giêsu. Chân lý và tình yêu là hai đặc tính luôn ở bên mỗi
chúng ta và nó thôi thúc mỗi người hãy bước theo chân lý và sống trong tình
yêu. Bước theo chân lý và sống trong tình yêu là gì nếu không phải là cùng làm
chứng với Đức Kitô Giêsu, cùng bước vào quỹ đạo của tình yêu là yêu cho đến
cùng như Ngài!
Như thế, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, nếu một khi đã trở
nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, tức là ta cùng chết với Ngài, ắt ta cũng
sẽ được cùng Ngài sống lại hiển vinh.
2. Thiên Chúa biểu hiện Tình Yêu của Người
Các bài đọc sẽ giúp cho chúng ta lần lượt khám phá thêm ý
nghĩa của đêm nay:
Phụng vụ Lời Chúa được khởi đầu với bài trích sách Sáng Thế,
qua bài đọc này, gợi lại cho chúng ta những hình ảnh rất giàu tính biểu cảm, đó
là: cảnh tối tăm bao trùm hết mọi nơi, tình trạng hỗn mang vô trật tự. Tuy
nhiên, khi Đức Chúa phân rẽ ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thì tình trạng hỗn
mang đó không còn nữa và kể từ đó mọi vật và mọi loài sống theo trật tự đúng với
bản chất của chúng. Qua bài đọc này, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta xác tín
hơn về niềm tin của mình vào một Thiên Chúa là Chủ Tể trời đất. Mọi sự hiện hữu
trên trần gian này thuộc về Người, và do ý muốn của Người mà có.
Tiếp theo, hành ảnh của Ápraham hiện lên như một mẫu gương
tuyệt vời về niềm tin. Ông đã đặt trọn niềm tín thác của mình ở nơi Đức Chúa,
nên ông sẵn sàng hiến dâng cho Người những gì là quý giá nhất của mình, đó
chính là Isaác, đứa con trai duy nhất để trọn niềm hiếu trung với Người.
Sang bài đọc Xuất Hành, tác giả gợi lại cho chúng ta về một
vị Thiên Chúa luôn yêu thương con cái của mình. Thật vậy, Người đã cứu thoát họ
ra khỏi Aicập và đưa họ về miền Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật. Cuộc xuất
hành của dân Do thái cho chúng ta một hình ảnh tiên trưng vừa cá nhân vừa tập
thể. Cá nhân thì ám chỉ cuộc vượt qua của Đức Giêsu; tập thể là cuộc vượt qua của
tất cả chúng ta.
Hình ảnh dân Israel được trình bày cách tiệm tiến: cuộc đời
và dân tộc của Israel đi từ thân phận nô lệ do tội lỗi, đến nơi được tự do
trong tâm tình con cái Chúa; đi từ sự thất vọng đến hy vọng tràn trề; từ sự chết
đến sự sống. Thiên anh hùng ca giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập là bằng
chứng hùng hồn việc Thiên Chúa đang hướng dẫn lịch sử nhân loại tới hồng ân cứu
độ. Mặc cho dân thất trung, bội ước, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không hề lay
chuyển.
Khi xưa, dân Israel đã khước từ nguồn mạch khôn ngoan, thì đến
thời Tân Ước, Thiên Chúa đã trao ban chính Đấng Khôn Ngoan của mình đến ở trực
tiếp. Đấng ấy chính là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại để cứu chuộc
nhân loại.
3. Sống mầu nhiệm Ánh Sáng
Đêm nay, đêm Vọng Phục Sinh, ngọn lửa Phục Sinh được chiếu
sáng nhắc cho chúng ta thấy rằng, Đức Giêsu là Ánh Sáng, Ánh Sáng đã đến thế
gian để cùng chân lý đẩy lui sự dữ, hận thù và chia rẽ... để trao tặng cho nhân
loại một Ánh Sáng của tình yêu, niềm tin, phó thác, và như thế, người kitô hữu
chúng ta, một khi đã được Rửa tội, chúng ta được mặc lấy Đức Kitô để thuộc về
Ngài, thì đêm nay, chúng ta thắp lên và hướng về ngọn nến Phục Sinh như một sự
suy phục, hẳn chúng ta cũng không thể không nghĩ đến vai trò chứng nhân của
mình là phải trở nên ánh sáng cho mình và soi sáng cho tha nhân.
Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel,
và cũng là dành cho mỗi người kitô hữu chúng ta, đêm nay, một lần nữa, mỗi người
tuyên tín lại niềm tin của mình ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để một lần nữa
hâm nóng lại sự xác tín của mình vào Đức Kitô Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, là
Đấng được Chúa Cha sai đến để chiếu rãi chân lý và tình yêu của Người cho nhân
loại. Đấng ấy đã đi đến tận cùng của tình yêu là vâng lời trọn vẹn và hiến dâng
mạng sống của mình làm của lễ đền tội thay cho nhân loại. Đấng ấy đã sống lại để
dẫn đưa những người tin vào sự sống mới, sự sống tràn đầy hạnh phúc và bình an.
Nếu Ápraham đã vâng lời, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa
nên đã hiến tế con trai duy nhất của mình cho Thiên Chúa, thì Đức Giêsu, Đấng
là con duy nhất của Thiên Chúa Cha cũng đã tự hiến chính mình để thể hiện tình
yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa và vì yêu nhân loại, khi đến lượt chúng ta, mỗi người
cũng hãy sống sự hiến tế ấy trong tư cách là con cái Thiên Chúa và trong tư
cách là người mang trong mình hình ảnh của Đức Kitô Giêsu, để yêu Chúa và yêu
tha nhân hết lòng.
Nếu xưa kia, Đức Chúa đã dẫn dân ra khỏi ách nô lệ bên Aicập,
để đưa dân đến bến bờ tự do thực sự, thì Đêm nay, Đức Kitô Giêsu cũng làm một
cuộc Xuất Hành mới, cuộc Xuất Hành này đi từ sự chết đến sự sống, cái chết
không còn quyền chi đối với Ngài nữa, từ nay Ngài là Chúa các chúa, Vua các
vua, là Chúa của kẻ sống. Như vậy, Ngài đã giải thoát con người chúng ta khỏi sự
dữ, sự tội, khi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng can đảm để làm một cuộc xuất
hành mới, đi từ tối tăm của tội lỗi; từ sự bất hạnh do tội lỗi gây ra; từ những
điều bất chính; những ràng buộc do tội gây nên, để trở thành con người mới, con
người tự do trong tư cách là người thuộc về Đức Kitô Giêsu.
Bên cạnh đó, đêm hôm nay cũng là đêm của Ánh Sáng được chiếu
dãi cho muôn dân. Thật vậy, sự chờ đợi của anh chị em Dự Tòng trong những tháng
ngày qua, giờ đây họ đã được chính thức lãnh nhận Phép rửa để trở nên người
kitô hữu trong Giáo Hội Chúa Kitô. Họ khoác lên mình chiếc áo trắng, tượng
trưng cho sự sống mới trong Đức Kitô, Đấng đã phục sinh.
Chúng ta cùng cầu nguyện và đồng hành với những anh chị em
này, để họ luôn giữ được ngọn nến sáng của đức tin, luôn sẵn sàng làm chứng cho
chân lý và luôn sống trong tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.
Lạy Đức Kitô Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thuộc trọn về
Chúa để trở nên một con người mới trong ân sủng và tình yêu. Amen.
Tác giả: Tu sĩ Jos.
Vinc. Ngọc Biển
No comments:
Post a Comment