Các tác giả:
* GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình.
* NNC Nguyễn Đình Đầu - Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Phaolô
Nguyễn Văn Bình.
* Đinh Kim Phúc - Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á,
trường Đại học Mở TP.HCM.
* Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - Nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên
Trưởng nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, hiện đang là nghiên cứu viên độc lập về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại.
* Thạc sĩ Hoàng Việt - Giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM.
* Phạm Hoàng Quân - nhà nghiên cứu độc lập.
Công Lý & Hòa Bình
Trên Biển Đông
Vào giữa tháng 7 năm 2009, các thành viên của Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phải gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng cho cuộc tọa đàm về " Biển Đông và Hải đảo Việt Nam". Những tưởng rằng tọa đàm này cũng bình thường như các Tọa đàm khác mà Câu lạc bộ đã thực hiện trước đó. Nào ngờ đề tài " Biển Đông và Hải đảo Việt Nam", được dư luận trong cũng như ngoài nước đặc biệt quan tâm, đã trở thành một đề tài "nhạy cảm". Chính vì vậy, Ban Tổ chức đã gặp nhiều khó khăn và áp lực từ nhiều phía. Có những lúc tưởng chừng như phải chấp nhận hủy bỏ cuộc tọa đàm đó! Rất may, bất chấp mọi khó khăn và giới hạn, tọa đàm đã được thực hiện. Ban tổ chức cũng đã nhận được nhiều phản hồi rất khích lệ. Đặc biệt, cuối cùng một cơ quan của Nhà nước đã đồng ý tài trợ để xuất bản cuốn Kỷ yếu của tọa đàm với tựa đề "Biển Đông và Hải đảo Việt Nam", NXB Tri Thức, 2010.
Ban tổ chức muốn tiếp tục nghiên cứu về đề tài quan trọng và thiết thân với đất nước chúng ta qua tọa đàm II: "Công lý và Hòa bình trên Biển Đông" (2011). Đây là một tọa đàm chuyên biệt mang tính học thuật xoay quanh ba lãnh vực: địa lý, lịch sử, pháp lý và tương giao quốc tế.
1. Bình diện địa lý
Theo công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia duyên hải được hưởng quy chế 200 hải lý (370 km) tính từ đường cơ sở lãnh hải để đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí. Ngoài ra, quan niệm thềm lục địa mở rộng còn cho phép nới rộng tới 350 hải lý (khoảng 650 km).
Nếu áp dụng nguyên tắc trên thì, đứng trên bình diện địa lý, Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc lãnh hải Việt nam, bởi vì đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và từ đảo Hoàng Sa về đến Việt Nam chỉ vỏn vẹn 160 hải lý. Trong khi đó, Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất là khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý và cách Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý.
Chiếu điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thềm lục địa pháp lý (legal cintinental shelf) của các quốc gia duyên hải dài 200 hải lý tính từ biển lãnh thổ ra khơi. Ngoài ra còn có thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) có thể kéo dài tối đa đến 350 hải lý (650 km), nếu về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài khơi trên triền biển sâu đến mũi xa bờ nhất của nền lục địa (continental margin).
Tại Hoàng Sa, thềm lục địa địa chất nằm trên nền lục địa, chạy thoai thoải từ dẫy Trường Sơn ra biển, phía đông Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Độ sâu nhất quanh đảo Hoàng Sa là 900 mét.
Về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của dẫy Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm. Đây là những cao nguyên của lục địa Việt Nam trên mặt biển. Nếu nước biển rút xuống 900 mét thì toàn thể các hải đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một dẫy hành lang chạy thoai thoải từ Trường Sơn ra Biển Đông.
Năm 1925 nhà địa chất học quốc tế, Tiến Sĩ A. Krempt - Giám đốc Hải Học Viện Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu, phân chất đất đai, đo đạc, vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển đã lập phúc trình kết luận rằng: "Về mặt địa chất quần đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam" (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam).
Với điều kiện địa lý và địa chất như trên của Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có cơ sở để xin Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) chấp thuận cho mở rộng thềm lục địa theo UNCLOS. Như vậy, thềm lục địa pháp lý 200 hải lý sẽ thành Thềm lục địa mở rộng kéo dài tới 350 hải lý, tính từ Lãnh hải ra đại dương.
Trong khi đó từ quần đảo Hoàng Sa về Hoa Lục có một rãnh biển sâu hơn 2.300 mét. Vì đáy biển Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa Trung Hoa từ 200 hải lý đến 350 hải lý như trường hợp Việt Nam.
Đối với Trường Sa cũng vậy. Về mặt địa chất và địa hình đáy biển, Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên từ lục địa Việt Nam ra ngoài biển. Tại bãi Tư Chính, nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400 mét, và tại vùng đảo Trường Sa và cồn An Bang (do Việt Nam trấn giữ), độ sâu chỉ tới 200 mét. Bãi Tư Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 170 hải lý và cách Hoa lục tới 800 hải lý. Các đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12-8 bắc (từ Cam Ranh đến Cà Mau), cách bờ biển Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa lục tới 750 hải lý, nên thuộc hải phận của Việt Nam.
Hơn nữa về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Trường Sa cách bờ biển Trung Quốc bằng một rãnh biển sâu hơn 4.000 mét. Vì đáy biển không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thếm lục địa đến mức 350 hải lý. Trong mọi trường hợp, các đảo Trường Sa cách Hoa Lục quá xa, từ 700 đến 800 hải lý, vượt quá mức tối đa 350 hải lý dành cho thềm lục địa địa chất, nên không thể thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Bản tường trình của Bắc Kinh nộp cho CLCS vào tháng 5 năm 2009 cũng chỉ đề cập đến vấn đề hải phận chứ không nói gì đến Thềm lục địa mở rộng theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi vì, căn cứ trên điều kiện địa lý và địa chất, Trung Quốc không hội đủ yếu tố để yêu cầu CLCS cho hưởng quy chế Thềm lục địa mở rộng tới 350 hải lý. Cái mà Trung Quốc gọi là "Đường 9 khúc" hay "Đường Lưỡi bò", chiếm tới 80% diện tích Biển Đông, hoàn toàn không xây dựng trên một nền tảng pháp lý và địa lý nào. Phải chăng đây thuần túy chỉ là chủ trương bá quyền và "mưu đồ xâm lược mới"? Qua những diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhiều người có lý để khẳng định rằng Trung Quốc đang sử dụng "luật rừng" và chủ ý dùng sức mạnh để thực hiện bằng được ý đồ xâm lược của mình tại Biển Đông.
Còn tiếp....
Trình bầy: AnhHaiSG.
No comments:
Post a Comment