Giáo Hội Công Giáo Hội đủ điều kiện để lên tiếng một cách có
thẩm quyền về vấn đề phá thai. Điều này, như Đức Gioan Phaolô 2 đã dạy rõ, là
ưu tiên số một của Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo ngày nay — và tất yếu phải được diễn
tả không phải chỉ như tư tưởng xã hội, mà còn bằng hành động xã hội nữa. Xin giới
thiệu bài viết của Linh mục Thomas D. Williams, Khoa trưởng Thần Học và giáo sư
môn Học Thuyết Xã Hội Công Giáo tại Đại Học Nữ Vương các Thánh Tông Đồ tại
Roma.
Khi lần đầu tiên cầm trên tay cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội
Công Giáo nhiều tháng trước khi sách được phát hành rộng rãi năm 2004, tôi cảm
thấy một sự ngạc nhiên thích thú khi đọc đoạn văn đề cập cụ thể và kết án thẳng
thừng nạn phá thai trong ngữ cảnh bàn về các quyền con người và cả ở đề tài gia
đình là cung thánh của Sự Sống. Sự kiện bất nhất là chủ đề phá thai thường được
xem là nằm ngoài môn Học thuyết Xã hội Công Giáo được giảng dạy tại hầu hết các
Chủng Viện và các Đại Học Công Giáo.
Điều này phần lớn do các thông điệp xã hội, khởi đầu với
thông điệp thời danh Rerum Novarum (Tân Sự) năm 1891 của Đức Giáo Hoàng Lêô
XIII, tương đối ít đề cập đến vấn đề phá thai. Trong toàn bộ chín thông điệp xã
hội, từ “phá thai” xuất hiện chỉ bốn lần, không lần nào vấn đề được đề cập rốt
ráo.
Một phần, sự im lặng này là do chỉ tương đối gần đây thôi,
phá thai mới xuất hiện như vấn đề luân lý trên diện rộng. Với sự phát triển khả
năng giết người cũng như cứu người của y khoa, con số ca phá thai đã lên đến mức
báo động trong bốn thập niên qua. Do đó, lần đầu tiên phá thai được đề cập đến
trong một thông điệp xã hội là vào năm 1971 với Tông Thư Octogesima Adveniens
(Năm thứ tám mươi) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ở đây Đức Phaolô nhắc đến việc
phá thai trong ngữ cảnh các giải pháp Malthus cho vấn đề thất nghiệp (số 18).
Một phần khác nữa, sự im lặng phản ánh sự hiểu biết phổ biến
phá thai như vấn đề đạo đức y khoa hơn là vấn đề công bằng xã hội, lĩnh vực
chính của tư tưởng xã hội Công Giáo. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là
người thực tế đã xoay chiều tình huống, mạnh mẽ đưa vấn đề phá thai vào trong
Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo.
Trong Thông Điệp Evangelium Vitae (Phúc Âm Sự Sống) năm 1995
ngài đề cập đến vấn đề một cách toàn diện, đặt vấn đề vào trong nội dung công bằng
xã hội. Khi bắt đầu thảo luận về tính trầm trọng của những cuộc tấn công chống
lại Sự Sống ngày nay, đặc biệt là việc phá thai, Đức Gioan Phaolô rõ ràng gợi
ta nhớ đến thông điệp Rerum Novarum và ngài đã so sánh các vấn đề Sự Sống ngày
nay với vấn đề công nhân thời Đức Lêô:
Cách đây một thế kỷ chính các công nhân mới là giai cấp bị
áp bức về các quyền cơ bản của mình, điều Hội Thánh bảo vệ họ một cách rất can
đảm bằng cách tuyên bố các quyền thiêng liêng của công nhân với tư cách là một
con người, cho nên bây giờ, khi một loại người khác đang bị áp bức về quyền cơ
bản đối với Sự Sống, Hội Thánh cảm thấy có nhiệm vụ phải nói thẳng cũng với sự
can đảm đó thay cho những ai không có tiếng nói. Tiếng kêu của Hội Thánh luôn
luôn là tiếng kêu Phúc Âm bảo vệ những người nghèo trên thế giới, những người bị
đe dọa và khinh miệt và bị vi phạm các quyền con người (số 5).
Đoạn văn này, từ những trang đầu tiên của Evangelium Vitae
đóng khung toàn bộ câu hỏi về phá thai theo Giáo Huấn của Hội Thánh. Nếu thông
điệp năm 1891 của Đức Lêô XIII tập chú vào số phận giai cấp công nhân là giai cấp
xã hội cần nhất đến sự bảo vệ can trường vào lúc đó, thì sự chú ý của Huấn Quyền
xã hội ngày nay nên chuyển sang lớp mới những người bị áp bức này. Đức Gioan
Phaolô II nói tiếp:
“Ngày nay có muôn vàn con người yếu đuối, không phương tiện
tự vệ, bị coi rẻ trong quyền căn bản được sống còn, đặc biệt là trường hợp các
hài nhi sắp được sinh ra. Nếu vào cuối thế kỷ trước Giáo Hội không được im lặng
trước những bất công ở thời đó, thì ngày nay Giáo Hội càng không thể im lặng,
khi mà cùng với những bất công, lại tăng thêm, trên nhiều miền ở khắp thế giới,
những bất công và những hiện tượng áp bức còn nặng nề hơn, đôi khi được trình
bày như là những yếu tố của tiến bộ nhằm tổ chức trật tự thế giới mới” (số 5).
TẠI SAO PHÁ THAI ĐÁNG CHÚ Ý MỘT CÁCH ĐẶC BIỆT TRONG GIÁO HUẤN
XÃ HỘI CÔNG GIÁO?
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 thấy rằng phá thai là một vấn
đề đạo đức và xã hội mang tính tượng trưng và đặc thù, đáng được sự tập trung
chú ý trong tư tưởng xã hội Công Giáo. Để diễn tả tính đặc thù của việc phá
thai với tính cách một vấn đề về công bằng xã hội, đây là sáu đặc điểm phân biệt
phá thai với các hiện tượng xã hội có liên quan:
1. Phá thai liên quan cụ thể đến vấn đề hủy diệt Sự Sống vô
tội. Điều này phân biệt việc bàn về phá thai với các đề tài có liên quan khác.
Ta không bàn về việc giết kẻ địch, như trong chiến tranh, hoặc những kẻ sát
nhân đã bị kết án, như trong trường hợp hình phạt tử hình, vị Hồng Y lúc đó là
Joseph Ratzinger vào tháng 6 năm 2004 đã viết: “Có thể có một số sự khác biệt
chính đáng về ý kiến ngay cả trong số những người Công Giáo về việc tiến hành
chiến tranh và áp dụng hình phạt tử hình, nhưng tuy nhiên đối với vấn đề phá
thai và an tử thì không”. Mặc dù mọi Sự Sống đều quý giá, thần học luân lý đã
luôn luôn phân biệt việc hủy diệt “Sự Sống vô tội” là đặc biệt xấu và luôn luôn
đáng phải lên án ở bất kỳ nơi đâu. Không ai có thể “trong bất kỳ trường hợp
nào, tự biện minh cho mình quyền hủy diệt trực tiếp một sinh mạng vô tội” (Bộ
Giáo lý Đức Tin, Donum Vitae, 76-77).
Không ai vô tội hơn và vô phương tự vệ cho bằng một trẻ em
chưa sinh.
2. Một nhân tố khác phân biệt phá thai với tính cách một hiện
tượng xã hội chính là biên độ của vấn đề: hàng năm ước có khoảng 46 triệu ca
phá thai được thực hiện trên thế giới, một con số tự bản thân nó đã khiến cho
phá thai trở thành một vấn đề xã hội với những tỷ lệ làm ta thảng thốt. Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô viết: “Nhân loại thời nay bày ra một cảnh tượng thật sự
đáng báo động nếu chúng ta xem xét không những mức độ ác liệt của những cuộc tấn
công tràn lan đối với Sự Sống mà còn ở quy mô chưa từng nghe thấy về số lượng
những cuộc tấn công” (Evangelium Vitae, số 17).
Một vụ giết người đơn độc có thể là một vấn đề xã hội, nhưng
là một vấn đề xã hội có giới hạn. Một kẻ giết người hàng loạt thì gây ra một vấn
đề xã hội nghiêm trọng hơn. Nhưng các vụ giết người mỗi năm lên đến hàng triệu
người đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức và quyết liệt. Số lượng các vụ phá
thai nêu bật tính xã hội của vấn đề, và làm cho phá thai trở thành một trong những
vấn đề công bằng xã hội nghiêm trọng nhất của mọi thời.
3. Một nhân tố thứ ba phân biệt phá thai với các vấn đề công
bằng khác là tính pháp lý của nó. Không giống với các trường hợp giết Sự Sống
con người hàng loạt khác, như khủng bố hoặc giết người hàng loạt, rõ ràng là bị
liệt ra ngoài vòng pháp luật tại các nước tiên tiến, phá thai được hưởng sự miễn
trừ pháp lý. Phá thai hủy diệt Sự Sống con người một cách có hệ thống, hợp vệ
sinh, hợp pháp.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã viết về tính mới mẻ của “những
đe dọa được lập trình một cách khoa học và có hệ thống” (Evangelium Vitae, số
17). Sau này, ngài có nhận xét về tính đặc thù của phá thai là một quyền pháp
lý.
Sau khi liệt kê hàng loạt các đe dọa khủng khiếp đối với Sự
Sống con người, như nạn suy dinh dưỡng, chiến tranh và nạn buôn bán vũ khí,
ngài tương phản các đe dọa này với một loại đe dọa mới đối với Sự Sống. Chẳng
những các cuộc tấn công đối với Sự Sống không còn bị xem là tội ác, nhưng, ngài
viết “chúng mặc lấy một cách nghịch lý tính chất “các quyền”, đến nỗi người ta
đòi hỏi Nhà Nước cho họ được sự nhìn nhận hợp pháp và thực hiện các quyền đó
thông qua các dịch vụ miễn phí do các nhân viên chăm sóc sức khỏe tiến hành”
(Evangelium Vitae, số 11).
4. Khía cạnh mang tính phân biệt thứ tư của phá thai là sự
phân chia tùy tiện con người thành những người đáng sống và những người không
đáng sống. Phá thai không phải giết bừa những cá nhân không có liên hệ mà là với
sự khoanh vùng cả một lớp mới những con người (chưa sinh) như những phi-nhân-vị
(non-persons), bị loại trừ khỏi các quyền và sự bảo vệ cơ bản được dành cho tất
cả các con người khác. Bằng cách này, phá thai bắt chước các đại thảm kịnh lịch
sử của mọi thời, luôn luôn bắt đầu bằng cách vu vạ cho cả một lớp người là
không đáng sống hay đáng được tự do.
Về mặt lịch sử, các tội ác xã hội lớn nhất đối với nhân loại
– nạn diệt chủng, tệ phân biệt chủng tộc, phá thai, chủ nghĩa bài Do Thái, phân
biệt giới tính, nạn nô lệ – đã luôn luôn vi phạm nguyên tắc bình đẳng, đưa toàn
bộ một bộ phận của gia đình nhân loại xuống một vị trí thấp hơn với một phẩm
giá nằm dưới những người còn lại. Vì nhân quyền xuất phát từ nhân phẩm, nên một
khi phẩm giá bị đặt vấn đề thì các quyền bình đẳng cũng đành chịu chung một số
phận.
Nếu nhân phẩm tùy thuộc vào một cái gì đó không phải là địa
vị thành viên nhân loại – cho dù cái đó có là trí thông minh, khả năng thể
thao, vị trí xã hội, chủng tộc, tuổi tác, hoặc sức khỏe – ta ngay lập tức thấy
như thế là đã phân biệt ra hai hạng người: những người có thế giá và những người
không. Như Đức Gioan Phaolô đã viết:
“Làm sao còn nói được tới phẩm giá của nhân vị, khi người ta
giết những kẻ yếu nhất và vô tội nhất ? Nhân danh công lý nào mà người ta thực
hiện sự kỳ thị đến mức bất công đối với những con người như thế, bằng cách
tuyên bố rằng một số những người này đáng được bảo vệ, còn những người kia thì
bị từ chối quyền sống?” (Evangelium Vitae, số 20).
5. Phá thai còn tự phân biệt khỏi các vấn đề khác về y đức,
như an tử và giúp người khác tự tử, bởi sự thiếu vắng khả năng có sự đồng ý được
thông báo. Tình trạng của người chưa sinh là người không có tiếng nói và hầu
như vô phương tự vệ, như vậy đây là một chiều kích cần thêm vào các cuộc thảo
luận về tính luân lý và sự nghiêm trọng của việc phá thai. Ở đây phạm trù đạo đức
sinh học gọi là “quyền tự chủ” không thể áp dụng được, vì trẻ chưa sinh không
có cách nào tự lên tiếng được.
6. Cuối cùng, phá thai không giống các tệ nạn xã hội chủ yếu
khác như thất nghiệp và ly dị bởi vì tính vô hình tương đối của nó. Không những
chính các nạn nhân không có tiếng nói mà những ai có lợi ích từ việc phá thai
không hề mảy may lên tiếng trước công chúng; nói chung, các bà mẹ và các gia
đình là nạn nhân thứ hai của việc phá thai cũng không lên tiếng. Ngay cả các
nhà lập pháp cũng thận trọng về những cuộc thảo luận thẳng thắn về hiện tượng
phá thai, còn quảng cáo để bảo vệ Sự Sống thì bị cấm tại hầu hết hệ thống truyền
hình.
Phá thai diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín, và không
được đưa ra trước công chúng. Như trong trường hợp nô lệ, việc chấm dứt tình trạng
bất công xã hội của việc phá thai chủ yếu tùy thuộc vào lòng can đảm và sự sẵn
lòng lên tiếng của những con người và các tổ chức không trực tiếp can dự vào việc
phá thai.
SỰ ĐÓNG GÓP CỤ THỂ CỦA CÁC TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CÔNG GIÁO TRONG VẤN
ĐỂ PHÁ THAI
Tư tưởng Xã Hội Công Giáo đề ra hai yếu tố cần phân biệt
trong cuộc tranh luận về phá thai.
Trước hết, nó đặt ra nhịp cầu giữa thần học luân lý và việc
thảo luận công khai. Trong kinh nghiệm lâu dài xử lý các vấn đề xã hội, Hội
Thánh không những đã tìm cách trình bày chân lý Kitô giáo trong tất cả sự phong
phú của chân lý, nhưng còn tìm cách ảnh hưởng đến các Kitô hữu và mọi người thiện
chí trong việc xây dựng một nền văn minh công lý và tình yêu.
Nhằm mục đích này, Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo thường sử dụng
từ vựng luật tự nhiên hướng đến tất cả những người thiện chí, và đưa ra những lập
luận có sử dụng các khái niệm và cách cấu tạo dễ tiếp cận có thể đem ra thảo luận
về luân lý trong một môi trường trong đó người ta không công khai tuyên xưng
các xác tín chung (a non-confessional environment).
Thứ hai, có lẽ hơn bất kỳ định chế nào trên thế giới, Hội
Thánh trong Giáo Huấn Xã Hội của mình đã phát triển một số các nguyên tắc nhằm
giải đáp các vấn đề luân lý phức tạp trong xã hội.
Vì các tình huống mới phát sinh từ khung cảnh chính trị-xã hội
đang thay đổi nhanh chóng, cho nên Hội Thánh đã cho thấy sự uyển chuyển đáng
khâm phục trong việc thích ứng với các tình thế mới trong khi vẫn đang bảo vệ
phẩm giá chính yếu của nhân vị và gia đình.
Một trường hợp điển hình là lập trường ưu tiên chọn lựa người
nghèo của Hội Thánh, một nguyên tắc Phúc Âm, chủ ý nhấn mạnh vào và chú ý đến
những người đang cần trợ giúp nhất. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi đó là “một
hình thức đặc biệt của việc ưu tiên thực hiện bác ái Kitô Giáo” ảnh hưởng trên
cuộc sống mọi Kitô hữu (Sollicitudo Rei Socialis – Thông điệp Quan tâm đến các
Vấn đề xã hội, số 42).
Trong nhiều dịp, Huấn Quyền đã giải thích rõ là “người
nghèo” muốn nói ở đây không phải là một giai cấp xã hội, hoặc chính là những
người chịu sự thiếu thốn vật chất, nhưng bao gồm những người chịu mọi nỗi khốn
cùng và túng quẫn. Ta đọc trong sách Giáo Lý: “Sự khốn cùng này đã khiến Ðức
Kitô chạnh lòng thương xót và mang lấy thân phận khốn cùng của con người và tự
đồng hóa với người bé nhỏ trong các anh em” (số 2448).
Như một người mẹ tuy dành nhiều thời gian và sức khỏe cho một
đứa con đang bị bệnh, nhưng không vì lý do đó mà yêu thương những đứa con khác
ít đi, các Kitô hữu được kêu gọi tập trung các nỗ lực để ưu tiên dành cho những
người túng thiếu và vô phương tự vệ nhất trong chúng ta. Áp dụng nguyên tắc này
vào xã hội đương thời, thì bất công xã hội đang kêu gào lớn nhất đối với lương
tâm Kitô hữu, vì các lý do đã nêu, lại là cuộc tấn công có chủ đích và trên diện
rộng nhắm vào những thành viên yếu đuối nhất của xã hội, là những trẻ chưa
sinh.
Trong truyền thống đáng kính đứng lên bảo vệ những thành
viên vô phương tự vệ nhất của xã hội, Giáo Hội Công Giáo Hội đủ điều kiện để
lên tiếng một cách có thẩm quyền về vấn đề phá thai. Điều này, như Đức Gioan Phaolô
Vĩ Đại đã dạy rõ, là ưu tiên số một của Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo ngày nay — và
tất yếu phải được diễn tả không phải chỉ như tư tưởng xã hội, mà còn bằng hành
động xã hội nữa.
Tác giả bài viết: Linh mục Thomas D. Williams (Đan Quang Tâm
dịch)
Nguồn tin: www.giaophanbaria.org
No comments:
Post a Comment