Tác giả: Paul Nguyễn
Hoàng Đức
Mùa chay thật là mùa bận rộn của bổn phận ép xác nào Lễ Tro,
rồi Lễ Thánh Giu-se bạn trăm năm của Đức mẹ Maria, rồi Lễ Truyền Tin… Nhưng
trong sự sốt sắng, bộn bề của cả thể xác lẫn tâm linh đó, các Kitô hữu như đang
tự ươm cho mình một niềm vui. Niềm vui đó là gì? Giống như một số nơi, người ta
thấy vinh dự và hân hoan khi được chọn đóng vai nhân vật Chúa Jesus, được vác
thánh giá lên đồi “Golgotha”. Các tín đồ được mặc tấm áo của tình yêu để giơ
vai chia sẻ gánh nặng thập giá khổ nạn của Chúa. Nhưng tấm áo đó không có nghĩa
là lưu đầy, mà rõ ràng nó đang gieo men trên da thịt về một khúc khải hoàn như
lời của một bài Thánh ca “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong vui sướng/ Ai gieo
trong nước mắt sẽ về giữa tiếng cười”. Ở đời có vụ trồng cấy nào không chảy mồ
hôi?! Và những bận rộn khổ ải của mùa gieo hạt cây thập tự mà chính Chúa Jesus
đã mang chẳng lẽ lại không thể trở thành một mùa gặt của tâm linh?! Một hạt cải
nhỏ bé còn lên mầm, một mẩu vỏ cây khô bị ép thành vỏ bút chì vẫn có sóng từ
trường, thì với sức mạnh của Chúa Toàn Năng – Ngài là Đấng chủ tể của mọi sự sống
huyền nhiệm như thế và hơn thế bội bội lần, chẳng lẽ lại để mặc cho con cái
mình gieo mầm thập giá khổ nạn mà lại không được gặt vụ mùa của thập giá vinh
quang?! Chẳng phải như Chúa Trời đã hứa đó sao: “Có người nào trong anh em, khi
con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?”(Mt 7,12).
Đó là những gì tôi diễn ra bằng lời những thẳm sâu tâm hồn của
147 nam nữ sinh viên và cử nhân trong chuyến đi với khẩu hiệu “Tĩnh tâm mùa
chay 2014”, cạnh đó là ảnh Đức Hồng y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đang ở
giai đoạn nước rút phong thánh của Tòa Thánh Vatican. Ba chiếc xe khách trọng tải
hơn 50 tấn cùng lúc rời khỏi Hà Nội vào sáng 29/3, chuyến đi do Câu Lạc Bộ Giáo
Huấn Xã Hội Công Giáo tổ chức, trưởng đoàn là anh Giuse Nguyễn Tiến Đạt một người
lúc nào cũng sốt sắng cùng giới trẻ, sinh viên. Cùng lúc đó một chiếc xe khách
khác cũng lăn bánh khỏi quê hương Hà Tĩnh, mong sẽ hội tụ cùng nhau tại Đan viện
Châu Sơn. Nơi mà địa chỉ địa lý đó như một thể xác đền thánh đang chứa đựng một
linh hồn chủ chăn mà mọi người gọi bằng một cái tên rất trân trọng “Đức Tổng
Giuse Ngô Quang Kiệt”. Lẽ ra nên gọi ngài là “Nguyên Đức Tổng …” thì đúng hơn,
nhưng dường như những ngày ngài “chấp chính” với những gì ngài làm như “Núi
Thánh Đồng Chiêm”, đất Tòa Khâm sứ kề ngay Tòa Giám mục Hà Nội, rồi đất nhà thờ
Thái Hà, cùng những câu nói đã trở thành phương ngôn của ngài như “Quyền tự do
là người ta được hưởng, chứ không phải đi xin”, hay “Qua các cửa khẩu tôi xấu hổ
khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam…” mới đây khi rộ lên thông tin nhiều nước dùng tiếng
Việt để cảnh báo người Việt chớ ăn cắp, đặc biệt Nhật Bản còn đưa ra số liệu và
danh sách tên tuổi rõ ràng những người Việt chiếm tới 40% các vụ trộm cắp tại
Nhật, lại càng thấy cái “tự sỉ” của Đức cha thật mang thông điệp tiền phong,
dám dũng cảm, dám nói… phải chăng vì thế mà mọi người vẫn giữ nguyên tình cảm với
ngài mà không thấy ngài đã bị loại ra khỏi ngoại vi của thủ đô cũng như các vấn
đề thời đại.
Những cô bạn trẻ, và các bạn trai đang cất tiếng hát thánh
ca, hát liên khúc, chưa hết bài này đã qua bài khác. Đó là những bài hát của
tâm hồn đang sẵn lòng bước vào mùa gieo cấy thập giá vất vả. Một vụ gieo cấy đức
tin thực sự khổ ải. Với những tâm hồn trai gái phơi phới trẻ trung như vậy,
theo lẽ thường họ sẽ đang mải mê vui đùa, tán tỉnh, chọc ghẹo, hẹn hò nhau…
nhưng không, họ thực sự đang bước vào những bài học nặng nề của tâm linh. Người
giầu có đích thực phải là người có nhiều hành lý. Và những người trẻ tuổi này rất
sốt sắng tự giác đi vào cánh đồng đang cày cuốc với tâm thức rõ rệt rằng họ muốn
được mang hành trang thập giá của Đức Ki-tô để được giầu có vô vàn. Tôi bỗng nhớ
tới một đoạn của một nhà văn Mỹ. Trong chuyến chinh phục miền núi tuyết, một
đoàn người thuê một người bản địa da đỏ dẫn họ đường. Trong đoàn có một phụ nữ
trẻ. Người dẫn đường đã nói với thiếu phụ rằng: nhìn cái cách cô đi theo những
người đàn ông chinh phục núi tuyết không sờn lòng, tôi biết dân tộc của cô xứng
đáng làm chủ thế giới này. Vậy thì hôm nay, nhìn cái cách những cô – những
chàng trẻ tuổi đi vào mùa gieo cấy của thập giá, tôi hoàn toàn nghĩ rằng: chỉ
có bằng đức tin mới trao cho con người ta nhiều sức mạnh đến vậy để đi vào vụ
gieo cấy khổ ải như đang đi vào giữa bữa tiệc đời.
Và kìa cánh đồng đức tin với những luống cày dang dở đang đợi
họ. Xếp hành lý vừa xong, mọi người đã giục nhau sẵn sàng bước vào thánh lễ. Nhạc
thánh lễ vang lên “Quỳ bên cung thánh, đoàn con thiết tha kêu cầu Chúa…” những
tâm hồn trẻ trung làm sao không trào dâng xúc động rưng rưng… Vì đây không phải
Thánh lễ như mọi lần… chính tôi cũng vậy, tôi chưa bao giờ được đứng gần Đức
cha Ngô Quang Kiệt đến vậy, gần đến mức tôi có thể thấy rõ nhưng mạch máu dưới
cổ ngài đang đập nghẹn ngào… Tôi chạnh lòng nhớ lại trước kia thi thoảng trong
những thánh lễ lớn mới được dự thánh lễ do ngài làm chủ tế tại nhà thờ Lớn Hà Nội,
nguy nga tráng lệ, giáo dân chật ních nhà thờ, đứng cả phía trước và hai bên sườn.
Lúc đó ngài nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Latin, thật mẫn tiệp và bản
lĩnh với những câu “Hòa bình không thể là hòa bình xuông, mà muốn có hòa bình
người ta phải biết yêu công lý”. Lúc đó ngài thật “y phục xứng kỳ đức”! Nhưng
hôm nay, trước bàn thánh nhỏ bé khiêm nhường kia, ngài vẫn sốt sắng làm đại lễ
với đúng chức phận của mình. Và tôi thấy thật chạnh lòng! Chạnh lòng là tâm cảm
của máu thịt con người! Và có lẽ cái chạnh lòng đó cũng nhắm về con người ngài
cũng ở phần máu thịt! Có một phương ngôn: “Thường những người thân nhất với ta
lại làm ta đau khổ nhất”. Và cũng có phương ngôn “bóng tối luôn còn ở dưới chân
đèn”, liệu Đức Tổng có phải mang nỗi đau thiếu công lý ngay dưới chân tượng
Chúa Jesus hay không. Tôi muốn nói lên điều này như một sự thể nghiệm của linh
hồn chúng ta, rằng không ai khác ngoài chính Chúa Jesus cũng phải mang thập giá
bất công ngay tại vương triều mà dường như chỉ có mỗi một mình Philato dám rửa
tay để nói “ta không có tội vào huyết của người này”. Bài học về sự bất công chẳng
bao giờ là cũ cả.
Sau lễ, mọi người lại tập trung nghe Đức Tổng bàn về “Sứ điệp
mùa chay” của Đức Thánh Cha Phanxico, với chủ đề “Chúa Jesus đã trở nên nghèo để
làm cho chúng ta được giầu có nhờ cái nghèo của ngài” (x.2 Cr8,9). Đức Tổng đã
lý giải về cách Chúa Jesus là con Thiên Chúa, nhưng đã từ bỏ vinh quang thiên
quốc toàn năng mặc lấy thân phận con người nhỏ bé, con của người thợ mộc nghèo
nàn, rồi dưới cả sự nghèo Ngài còn bị mang nỗi nhục nhằn làm tử tội, bị kéo lê
đi với thánh giá nặng nề trên vai và mạo gai đội đầu… Ngài giống người cho đi tất
cả làm “ví” của mình rỗng, còn ví của con chiên thì được đầy tràn, từ tài sản
trong túi đến kho tàng sung túc của tâm linh. Và Đức Tổng quán triệt ý của Đức
Thán Cha về sự hy sinh rằng: không ai có thể cho đi mà vẫn còn, cho đi mà không
mất mát, không đau đớn. Cho mà không mất mát có khác nào chẳng cho gì cả?! Đức
Tổng còn nêu ra rất nhiều câu chuyện của Đức Thánh Cha, từ lời nói đến việc làm
gần gũi thân mật, sốt sắng của ngài mong làm giầu đời sống cho những người
nghèo, và giầu đức tin cho thế giới đang nghèo nàn linh hồn và tình thương giữa
đống tiện nghi vật chất đầy tràn.
Tôi được mời lên như chứng nhân để chia sẻ về một thời gian
Đức cha F.X. Nguyễn Văn Thuận bị cầm tù. Tôi đã nói về hình ảnh cây thập giá nặng
nhất mà Hồng y Nguyễn Văn Thuận mang, đó là mối ưu tư không phải bị giam cầm,
không phải “một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài” với cơm canh tù ngục, nỗi buồn
của gánh nặng bất công, mà sự đau đáu lớn nhất của ngài là “không được làm mục
vụ”, không được gần gũi các giáo dân của ngài để nâng đỡ phần linh hồn thiêng
liêng của họ qua mục vụ Thánh lễ.
Tôi cũng suy diễn và chia sẻ nỗi buồn đó về Đức Tổng (ngài
không có mặt khi đó). Buổi Thánh lễ vừa diễn ra vẫn còn dư âm, Đức Tổng quả là
đã mang thập tự đó vào thánh lễ. Buồn vì ngài đã phải xa dời những con chiên
đông đảo của ngài giữa lòng thủ đô khi mà phong độ của ngài đang độ chín nhất
và sung mãn nhất. Nhưng vẫn vui, vì hôm nay trên cánh đồng đức tin nơi thâm sơn
cùng cốc này, ngài vẫn còn được bước đến bàn thánh cử hành nghi thức mục vụ cao
nhất của giáo hội, đó là thánh lễ để nâng đỡ linh hồn của các con chiên.
Sau giờ chia sẻ, một bạn trẻ có hỏi tôi: “Nhà văn ơi, nếu
chú coi, sự ‘tha phương’ của Đức Tổng như là một sự cay đắng, thì không đúng
tinh thần chịu đựng của Chúa Jesus”. Tôi đáp:
“Sự cay đắng đó là của máu thịt trần thế, đó là điều tự
nhiên. Chính Chúa Jesus trước khi khổ nạn, đã ngước nhìn trời cầu rằng ‘Lạy Cha
xin cất con khỏi chén đắng này, nhưng theo ý Cha chứ không phải theo ý con’”. Nếu
Chúng ta có một thể xác trần gian này, thì nó đều biết đau và biết chua xót. Và
hôm nay bài giảng của chúng ta là “Hãy biết chua xót cho người khác” – Đó cũng
chính là thương xót vậy!
Ăn cơm vừa xong, cha Simon Vũ Đức Hòa lại mời lên hội trường
để giảng về ơn sám hối, rồi cha mời mọi người lên nhà nguyện cầu nguyện và xưng
tội. Sau đó mỗi người được phát một cây nến tiến đến chầu bên bàn thánh, quì chầu
thánh thể trong tiếng nhạc du dương rất chuyên nghiệp của Đan viện, có các tu
sĩ mục vụ và hướng dẫn.
Sáng hôm sau, mọi người lại nhắm về núi Chúa nằm kế bên Đan
viện để nghe Đức Tổng giảng tiếp về Thông điệp mùa chay. Sau đó là thánh lễ, rồi
chụp ảnh lưu niệm với ngài.
Có một ngày rưỡi mà hai thánh lễ, hai bài giảng về thông điệp
mùa chay của Đức Thánh cha, một bài dạy về đức sám hối, xưng tội, một giờ chầu
thánh thể, một bài chia sẻ, một cuộc thảo luận nhóm… vẫn chưa hết khi về, đoàn
lại rẽ vào nhà thờ Sở Kiện để tìm hiểu về gương các thánh tử vì đạo… Rõ ràng là
hai ngày đi “cầy – cấy” đức tin mật độ trên cả sốt sắng. Nhưng chẳng ai thấy mệt
cả. Kìa các bạn trẻ lại đang bắt nhịp hát những liên khúc thánh ca như thể đó
là lời chúc mừng cho mùa gặt sớm của đức tin đã gieo đầy ắp. Chúa đã dạy “Cây
nào ra trái ấy”, chẳng lẽ mỗi cá nhân như những cây vừa lên mầm đức tin lại
không ra quả?! Chắc chẳng có ai dại dột lại tin vào điều ngược lại.
No comments:
Post a Comment