Thursday, February 20, 2014

CÓ CẦN THIẾT PHẢI THỰC HÀNH ĐỨC TIN TRONG GIÁO HỘI ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI KHÔNG?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi : Thực tế là có rất nhiều người Công giáo ngày nay không muốn đi xưng tội, không đi lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc vì nhiều lý do. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần giữ đức tin trong lòng và đọc Kinh Thánh ở nhà là đủ, không cần phải đi nhà thờ nữa ! Như vậy có được không ?

Trả lời:; Thực trạng sống Đạo của rất nhiều người Công giáo ở khắp nơi trên thế giới ngày nay (trong đó có người công giáo ViệtNam ở hải ngoại) quả thật là điều đáng buồn. Con số người đi xưng tội chiều thứ bảy, tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc đã giảm rất nhiều theo các thống kê đáng tin cậy.

Có nhiều lý do để giải thích thực trạng này. Nào vì hấp lực của văn minh vật chất, chủ nghĩa tục hóa (secularism) và hưởng thụ khoái lạc (hedonism) đã lôi cuốn nhiều người bỏ Chúa để chậy theo những quyến rũ của “văn hóa sự chết” như Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã cảnh giác.


Đó là những người đang mê mải kiếm tiền để làm giầu bằng mọi phương tiện, bắt chấp công bằng và bác ái cũng như tìm vui trong trong việc ăn uống, nhẩy nhót,(già trẻ, xồn xồn đều thích trò chơi thiếu lành mạnh này) cờ bạc, du hí ở những nơi tội lỗi, và do đó bỏ quên hay lơ là việc sống Đạo, cần thiết hơn. Mặt khác, cũng vì tình trạng tha hóa về luân lý, đạo đức ngày một bành trướng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia vốn tự nhận là thuộc về KitôGiáo (Christian Countries) như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và Hoa kỳ… nhưng nay lại dung dưỡng hay cho phép những thực hành phản Kitô Giáo như phá thái, chết êm dịu (Euthanasia) ly dị, hôn nhân đồng tính (same sex marriage) .Lại nữa,họ cũng làm ngơ hay tiếp tay cho kỹ nghệ sản xuất phim ảnh dâm ô (pornorgraphy), và mãi dâm phát triển làm đồi trụy không những người lớn mà đặc biệt là thanh thiếu niên vì những kỹ thuật và hình ảnh kích thích dâm tính công khai bầy bán trong các tiệm DVD for Adults và trên mạng vi tính toàn cầu. Sau nữa, vì cuộc sống tương đối đễ dàng, thoải mái cộng với tự do quá trớn ở các nước Âu Mỹ đã làm cho nhiều người không còn cảm thấy cần Chúa nữa và chỉ muốn vui sồng cho thỏa thích trong giây phút hiện tại mà thôi. Cứ đi một vòng quanh những nơi tụ họp công công sẽ thấy trẻ già,trai gái, xồn xồn ôm nhau nhẩy nhót trong những chương trình gọi là “văn nghệ cuối tuần” hay “ hát cho nhau nghe” trong đó chắc chắn có những người công giáo không đi lễ ngày Chúa Nhật nhưng lại có mặt đúng giờ để tham dự các cuộc vui thâu đêm suốt sáng này.! Đặc biệt, còn có rất nhiêu người không đi Lễ mừng Chúa Giáng Sinh nhưng lại tích cực tổ chức và tham dự những buổi ăn uống, dạ vũ vui chơi trong đêm Giáng Sinh !!. Đây quả thực là một sỉ nhục cho ý nghĩa trọng đại của ngày kỷ niệm “Thiên Chúa làm Người và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1 :14).Do đó, không thể lấy cớ mừng Chúa Giáng Sinh để ăn chơi phóng túng nhân dịp này, thay vì dọn tâm hồn cho sốt sắng để cùng với Giáo Hội cảm tạ Chúa đã giáng sinh để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết đời đời vì tội.

Nhưng đáng buồn thay, là đứng trước thực trạng này, những người có trách nhiệm giáo dục luân lý và đạo đức, -cách riêng hàng giáo sĩ với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, chăm lo cho phần rỗi của các tín hữu được trao phó cho mình dạy dỗ, và hướng dẫn về mặt thiêng liêng, lại không có can đảm nhìn vào sự thật và mạnh mẽ lên án những nguy cơ đe dọa cho đức tin Công Giáo dẫn đến sự thờ ơ sống Đạo của nhiều tín hữu trong Giáo Hội ngày nay.Đáng lý phải mạnh mẽ nói cho mọi tín hữu biết sự cần thiết phải tìm kiếm Thiên Chúa và Vương Quôc bình an, hạnh phúc của Người trên hết mọi vui thú và danh lợi chóng qua ở trần thế này, thay vì im lặng để được an thân,- hay đáng buồn hơn nữa – là một số người còn cộng tác với thế quyền để tìm tư lợi, bỏ quên sứ vụ rao giảng và làm nhân chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Nhưng thử hỏi: được mọi lợi` lãi ở đời này mà không được cứu rỗi thì ích lợi gì ?

Tin mới nhất vừa cho biết là nhà độc tài Gadahfi của Libya đã bị bắn chết cách thê thảm, kết thúc 42 năm cai trị sắt máu ở quốc gia Phi Châu này.

Nhưng nếu giả sử ông ta không được cứu rỗi để sống đời đời, thì thử hỏi những lợi lãi trần thế to lớn mà ông có được như 6 bà vợ chính thức, quyền uy tột đỉnh danh vọng, tiền bạc vơ vét đầy túi, đầy kho, sau 42 năm cai trị xứ giầu hỏa Libya liệu có thể bù đắp được cho sự thiệt thòi to lớn là mất sự sống hay không ?

Dầu sao đây cũng là bài học đắt giá cho những kẻ độc tài, cai trị vô nhân đạo còn sót lại trên thế giới phải suy nghĩ mà sám hối để kịp thời rút lui, kẻo chắc chắn có ngày sẽ bị quần chúng trừng trị đích đáng. như số phận của Gadahfi, Mubareck, Sadam Hussein, Binladen…

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói như sau với các môn đệ xưa: : “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mang sống mình? (Mt 16: 26; Mc 8: 36; Lc 9 : 25)

Có ai được lợi lãi cả thế giới này đâu.? Nhưng cho dù có ai chiếm được mọi của cải và danh vọng trên trần thế này mà cuối cùng mất linh hồn thì những lợi lãi kia cũng không thể bù đắp được cho sự thiệt thòi lớn lao là mất sự sống, mất linh hồn. Đó là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta đang sống trong môi trường thế giới quá bị nhiễm độc vì chủ nghĩa tục hóa (secularism) tôn thờ vật chất và chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) lôi kéo con người đi tìm mọi mọi vui thú vô luân vô đạo.

Để bào chữa cho việc thờ ơ sống Đạo, không muốn tham dự các nghi thức phụng vụ của Giáo Hội- cụ thể là tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ buộc- nhiều người nghĩ rằng chỉ cần tin và đọc Kinh Thánh ở nhà, hay nghe những chương trình giàng Kinh Thánh của các mục sư Tin Lành trên truyền hình là đủ, không cần phải năng xưng tội hoặc tham dự Thánh Lễ hàng tuần nữa!

Chúng ta phải nghĩ thế nào về quan niệm này của những người nói  trên ?

Chắc chắn đây không phải là cách sống Đạo đúng nghĩa của người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo.

Thật vậy, trước hết là vấn đề đức tin.Thế nào là tin ? tin có Thiên Chúa tốt lành thì phải yêu mến và giữ Luật của Người. Mà yêu mến thì phải thể hiện bằng hành động cụ thể chứ không thể nói suông ngoài miệng là tin mà không có việc làm nào bề ngoài để chứng minh.

Một truyện vui kể rằng, ở một giáo xứ kia, Cha Xứ chợt lưu ý đến một ông già nọ vốn thường sốt sắng tham dự không những Thánh Lễ ngày Chúa Nhật mà còn siêng năng đi lễ mỗi ngày nữa… Nhưng bẵng đi một thời gian lâu, ông cụ vắng bóng ở nhà thờ. Cha Xứ lấy làm lạ, tưởng ông cụ bị đau ốm hay đã di chuyển đi nơi khác. Cha bèn đến nhà thăm ông xem sao. Đến nơi cha vẫn thấy ông ở nhá. Hỏi lý do vì sao ông vắng mặt ít lâu nay ở nhà thờ thì ông trả lời cha như sau:

“ con thấy không cần phải đi lễ, đọc kinh chung nữa. Con ở nhà đọc Kinh Thánh, lần chuỗi và nhớ đến Chúa trong lòng là đủ rồi.

Cha mỉm cười và hỏi ông : “ thế các con cháu cụ bây giờ ở đâu” ?

Ông cụ đáp : “chúng ở xa con lắm,nhưng hàng năm cứ vào dịp Lễ Giáng Sinh và Tết thì đều trở về thăm con và cho quà tử tế.”

Nghe xong cha xứ nói : “tốt lắm, nhưng cụ làm ơn cho tôi xin địa chỉ hay số phôn của của các con cháu cụ đi ”.

-“Để làm gì thưa cha” ? ông cụ hỏi.

Cha trả lời ngay : “ để tôi viết thư hay phôn cho các con cháu cụ bảo họ đừng tốn công và tiền bạc về thăm cụ nữa. Họ chỉ cần nhớ đến cụ trong lòng là đủ rồi; không cần thiết phải về thăm cho tốn thì giờ và tiền bạc nữa.

Nói xong cha xứ cáo từ ra về trong khi ông cụ ngồi suy nghĩ những lời của cha vừa nói. Và mấy hôm sau, người ta lại thấy ông cụ xuất hiện ở nhà thờ như cũ.

Câu truyện trên chỉ là truyện tưởng tượng, nhưng cũng giúp minh chứng phần nào điều Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ dạy như sau về sự cần thiết phải thể hiện đức tin qua hành động cụ thể:

Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không ? Ông Abraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao?

Bạn thấy đó : đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.” (Gc 2:20-22)

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hôi của Người trên trần thế và ban các bí tích như phương tiện hữu hiệu và cần thiết để thông ban ơn cứu độ của Chúa cho những ai muốn nhận lãnh qua Giáo Hội .

Nhưng không phải cứ rửa tội rồi là sẽ được cứu rỗi. Cũng không thể nói khơi khơi như anh em Tin Lành rằng “tôi tin Chúa Kitô” là xong, không cần phải làm gì nữa, Tôi đã hơn một lần nói rõ là : theo Thần học và giáo lý của Hội Thánh, dựa trên Kinh Thánh và ơn mạc khải của Chúa Thánh Thần, thì muốn được cứu rỗi, nghĩa là được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Thiên Nước Trời mai sau đòi hỏi chúng ta trước hết phải cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cộng thêm phần đóng góp của cá nhân con người vào ơn thánh.

Chính yếu tố cần đóng góp thêm của con người vào ơn cứu độ, mà người tín hữu không thể thờ ơ với nhu cầu tối quan trọng là phải sống và thực hành đức tin trong Giáo Hội sau khi được lãnh Phép Rửa.

Thật vậy, đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ hay người tân tòng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Hạt giống này không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết quả được, nếu không có sự vun xới, tưới bón của những người có trách nhiệm hỗ trợ về mặt thiêng liêng là cha mẹ và người đỡ đầu đối với trẻ em, của người bảo trợ và cộng đoàn đức tin đồi với người tân tòng.

Do đó, nếu cha mẹ không lo giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình, nhất là cho con cái được tiếp cận với một cộng đoàn đức tin – cụ thể là một giáo xứ- để con em được học hỏi giáo lý và lãnh nhận các bí tích quan trọng và cần thiết khác như xưng tội, rước lễ lần đầu, và thêm sức thì đức tin của các em sẽ không thể lớn lên được.

Đối với người tân tòng (catechumens) và những người lớn (adults) đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy từ ngày sơ sinh, thì việc nuôi dưỡng và thực hành đức tin trong Giáo hội cũng cần thiết không kém..Cụ thể, nếu không tham dự việc cầu nguyện chung với cộng đoàn đức tin là giáo xứ, và nếu không tin –hay không nhìn nhận lợi ích của bí tích hòa giải để năng đi xưng tội, nhất là không tham dự Thánh Lễ, và rước Mình Máu Thánh Chúa là “ nguồn suối và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội” thì người ta lấy gì để nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin ?

Đằng rằng tin có Chúa là điều quan trọng và đọc Thánh Kinh là cần thiết và bổ ích. Nhưng đức tin phải được nuôi dưỡng sung mãn với ơn Chúa thông ban qua các bí tích quan trọng như Phép rửa, Thêm sức, Hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể là nguồn mạch chính nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của Giáo Hội nói chung và của cá nhân mỗi tín hữu nói riêng. Vì thế, nêu không tham dự mọi cử hành phụng vụ thánh của Giáo Hội mà đỉnh cao là Thánh Lễ Tạ Ơn thì đức tin và đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ không thể tăng trưởng được và có đủ sức để sống đức tin ấy trước những thách đố của sự dữ, dịp tội đầy rẫy trong trần thế này, nhất là những mưu chước thâm độc của ma quỉ “ Thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” ? (1Pr 5: 8)

Kinh nghiệm cá nhân và phổ quát chứng minh rằng muốn được thăng tiến trong bất cứ lãnh vực nào, người ta cần phải cố gắng học hỏi và trau giồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn của lãnh vực ấy. Một lực sĩ không thể giữ được thành tích của minh nếu không chuyên cần tập luyện mỗi ngày. Chân lý này hoàn toàn đúng trong lãnh vực thiêng liêng, đạo đức. Một người siêng năng cầu nguyện nhất là tham dự Thánh Lễ và rước Minh Thánh Chúa sẽ tăng lòng yêu mến và gần Chúa hơn người làm biếng không cầu nguyện và rước Minh Thánh Chúa.Tình trạng “nguội lạnh thiêng liêng” này sẽ đưa đến sự sa sút đức tin, đức cậy và đức mến.theo thời gian.

Đó chính là điều Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:

Và phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.” (Mt 25:29)

Nói khác đi, chính nhờ siêng năng làm việc đạo đức và hiệp thông với Giáo Hôi trong mọi cử hành phung vụ như cầu nguyện đọc kinh chung, đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể, năng xưng tội, nhất là tham dự Thánh Lễ để được rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, mà đời sống thiêng liêng của chúng ta được lớn lên, đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tin có thật, Người đang yêu thương và muốn “ đến và ở lại trong chúng ta” (Ga 14: 23), nếu chúng ta thực tâm yêu mến và tìm kiếm Người trên hết mọi sự ở đời này.

Như thế, yêu mến Chúa thì không thể coi nhẹ đời sống thiêng liêng, coi thường các phương tiện hữu hiệu và cần thiết là các bí tích mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội cử hành để mưu ích cho phần rỗi của mỗi người chúng ta, bao lâu còn sống trên trần gian này.

Do đó, không thể “sống Đạo” một mình mà không cần đến Giáo Hội, không tham gia đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội như thực trạng sống Đạo hiện nay của rất nhiều người.

Sau hết, liên quan đến việc đọc Kinh Thánh, có thể nói vắn tắt như sau: đọc Kinh Thánh là cần thiết và hữu ích.Tuy nhiên, không thể tự đọc mà hiểu đúng được Lời Chúa trong Kinh Thánh.

Vì thế, cần thiết phải tham dự Thánh lễ để được nghe và giải nghĩa lời Chúa qua các bài đọc, đặc biệt là bài Phúc Âm. Nhưng muốn được hiểu biết thêm về Kinh Thánh thì có thể tham dự những lớp học hỏi về Kinh Thánh do những người có khả năng chuyên môn hướng dẫn ở các giáo xứ, hoặc tốt nhất đi học một khóa về Kinh Thánh ở Đại Học hay Chủng Viện. Ở Mỹ, có nhiều chủng viện thâu nhận cả học viên bên ngoài vào học các lớp Thần học và Kinh Thánh dành cho chủng sinh đang chuẩn bị làm linh mục. Nghĩa là không thể tự học Kinh Thánh để hiểu cho đúng lời Chúa được.

Tóm lại, quan niệm sống Đạo tách rời khỏi, hay không cần hiệp thông hữu hình với Giáo Hội là rất sai lầm. Là tự lừa dối mình nếu không muốn nói là tự kiêu tự đại, cho mình có đủ khả năng để tìm đến với Chúa, không cần phương tiện hữu hiệu mà Chúa Kitô đã có ý ban cho chúng ta là Giáo Hội của Chúa trên trần thế này. Với chức năng siêu phàm, Giáo Hội được ví như “con Tàu của ông Nô-e” trong thời đại ngày nay để cho những ai muốn vào sẽ được cứu sống giữa cơn phong ba của hồng thủy đang nổi lên để cuốn đi vào lòng đại dương mọi sinh vật bên ngoài con Tàu cứu nguy này.


Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

No comments:

Post a Comment