Wednesday, February 26, 2014

Ba Thiên Chức


Linh Đạo Phong trào
Giáo dân Việt Nam Hải ngoại
(tiếp theo)

PTGDVNHN có mục đích giúp Giáo dân: 
1) Sống Đạo giữa đời 
2) Đem Đạo vào đời 
3) Hướng về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam
Bằng cách
− nâng đỡ nhau trong tình anh chị em như trong một gia đình, 
− giúp nhau sống đích thực tinh thần Kitô giáo
ngay trong môi trường gia đình và xã hội mình đang sống.


II.
Linh Đạo Giáo dân (tiếp theo)

B. Ba thiên chức của người Kitô hữu
Để sống đức tin giữa lòng trần thế, sống đạo giữa đời và thánh hóa thế gian, người  Kitô hữu cần ý thức ba thiên chức quan trọng của Chúa Kitô mà họ đã lãnh nhận từ Ngài khi chịu phép rửa tội, đồng thời thi hành ba thiên chức ấy trong mọi phương diện của trần thế.
Ba thiên chức ấy là: Vương Giả, Tư Tế Ngôn Sứ mà chúng ta có thể diễn tả thành ba chức năng: Làm Chủ, Làm Lễ Làm Chứng (1*).
Ba thiên chức này phản ảnh 3 công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa:
Làm Chủ: là công việc của Chúa Cha, Đấng tạo dựng, điều hành và là chủ tể của vũ trụ vạn vật.
Làm Lễ: là công việc của Chúa Con, Đấng hạ mình nhập thể làm người, đã dùng chính đời sống, sự đau khổ và cả sự chết của mình để thờ phượng Thiên Chúa Cha và để chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và con người.
Làm Chứng: là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong Giáo Hội để thánh hóa con người, và để làm chứng cho Thiên Chúa và Chúa Giêsu qua lời nói và việc làm của các ngôn sứ mọi thời đại.
Đây cũng là ba chức năng quan trọng mà Chúa Giêsu đã thực hiện suốt cả cuộc đời mình một cách gương mẫu, và cũng là ba chức năng mà những ai muốn làm môn đệ của Ngài cần phải thực hiện trong chính cuộc sống của mình.
__________________________
(1*)     «Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người [=ngôn sứ], Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền» (1Pr 2,9).

1) Làm chủ:
Chức năng Làm Chủ –phát sinh từ thiên chức Vương Giả– là làm chủ bản thân, làm chủ tập thể (gia đình, xã hội, Giáo Hội), làm chủ ngoại cảnh (thiên nhiên, môi trường, hoàn cảnh, những chuyện xảy đến…) (2*).
_________________________
(2*)     Tinh thần người làm chủ một công việc hay một tài sản khác với tinh thần của một người khách hay người làm công.
             Người khách đến thăm không có trách nhiệm gì trong căn nhà hay tài sản của người chủ căn nhà hay tài sản ấy, vì căn nhà hay tài sản ấy không phải là của người khách. Việc giữ gìn hay dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ ngăn nắp là trách nhiệm của người chủ.
             Người làm công chỉ làm và chỉ có trách nhiệm trên những việc mà người chủ giao làm. Hết việc hay hết giờ làm là hết trách nhiệm. Còn người làm chủ thì có trách nhiệm trên toàn thể công việc hay hãng xưởng mà mình làm chủ. Thành công thì mình hưởng, còn thất bại thì mình chịu.
             Tóm lại, người làm chủ cảm thấy có trách nhiệm trên toàn thể tài sản hay công việc mà mình làm chủ. Thái độ của người làm chủ rất khác với thái độ của người khách hay người làm công.
             Với chức năng và tinh thần «làm chủ» này, người giáo dân Kitô hữu cũng được Thiên Chúa mời gọi làm chủ gia đình mình, xứ đạo mình, làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, làm chủ Giáo Hội, làm chủ lịch sử, và làm chủ thế giới. Sống tinh thần «làm chủ», người Kitô hữu luôn luôn cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm đối với tình trạng tốt xấu, tiến bộ hay tụt hậu, v.v... của tất cả những thực thể hay tập thể đó.
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng họ theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài. (x. St 1,26; x. St 1,27; 5,1.3; 9,6). Mà Ngài là chủ tể thống trị vũ trụ vạn vật, Ngài cũng muốn con người làm chủ như thế. Vì thế, khi vừa tạo dựng con người, Ngài đã mời gọi con người làm chủ: «Hãy thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất» (St 1,28).
Khi mời gọi con người như thế, đương nhiên Ngài muốn chúng ta là những ông/bà chủ nhỏ, làm chủ mọi sự theo cung cách và đường lối của Ngài. Vì thế, chúng ta phải học làm chủ theo cung cách và đường lối của Ngài, chứ không phải theo cung cách và đường lối của chúng ta. Nói khác đi, chúng ta là những «người chủ nhỏ» cùng cộng tác với Ngài trong việc điều hành mọi sự theo ý Ngài.
Chức năng này liên quan đến quan hệ giữa mình với chính mình, và giữa mình với những gì không phải là mình. Trong những quan hệ này thì mình luôn luôn nắm vai trò chủ động: chủ động trong việc biến đổi mình và biến đổi mọi sự nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chủ động biến đổi mọi sự nên tốt đẹp ở đây không có nghĩa là mình ép buộc mọi người, mọi sự nên tốt theo ý mình, mà mình phải tự biến đổi mình trước tiên. Khi mình biến đổi thì mình sẽ làm cho mọi người mọi vật chung quanh mình cũng biến đổi theo.
Như vậy, điều quan trọng nhất trong chức năng này là làm chủ bản thân, nghĩa là tự chủ, là tự thắng mình, chế ngự bản thân, không để tình cảm, xúc động, dục vọng, bản năng, sở thích, ngoại cảnh điều khiển mình (3*). Có làm chủ được bản thân mới có thể làm chủ được tập thể và ngoại cảnh, làm cho mọi sự nên tốt đẹp đúng như ý muốn hay chương trình của Thiên Chúa (4*).
_________________________
(3*)     «Những việc nhỏ đều quan hệ, con đừng khinh thường. Thắng mình liên lỉ trong các việc nhỏ, con luyện ý chí thành sắt đá và làm chủ bản thân con» (ĐHV § 215)
(4*)     Lão Tử viết: «Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường» (Thắng người là kẻ có sức, nhưng thắng mình mới là người mạnh) (Đạo Đức Kinh, chương 33).
Nói chung, làm chủ bản thân, làm chủ tập thể (gia đình, xã hội, Giáo Hội), làm chủ ngoại cảnh (thiên nhiên, môi trường) đòi hỏi chúng ta ý thức trách nhiệm đối với những thực thể ấy. Khi có chuyện gì xảy ra tốt hay xấu đối với những thực thể ấy, người có tinh thần làm chủ lập tức cảm thấy mình có trách nhiệm chính trong đó, chứ không quy trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác (5*). Từ đó phát sinh ý thức chính mình có trách nhiệm sửa sai, hoàn chỉnh mọi chuyện sao cho tốt đẹp.
_________________________
 (5*)    Người có tinh thần làm chủ, khi đứng trước những khiếm khuyết, những điều không ứng ý trong gia đình, xã hội, Giáo Hội, hay những tập thể mà mình làm một thành viên, v.v... thì có tâm tình nhận lỗi như trong “Kinh Cáo Mình”: “… lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” (mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa). Từ đó, người ấy tự xét lại bản thân xem phần lỗi của mình như thế nào trong tình trạng khiếm khuyết đó, đồng thời sẵn sàng nhận trách nhiệm sửa sai hay hoàn thiện công việc hay tập thể của mình. Tuyệt đối không đổ lỗi cho người khác!
             Người có tinh thần làm chủ, khi gặp những chuyện đáng tiếc thì luôn luôn “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Chính khi mình cảm thấy có trách nhiệm trong chuyện đáng tiếc ấy và xét xem mình có lỗi gì trong đó, thì mình mới chịu sửa sai và nên hoàn thiện được. Và đó chính là thái độ của người làm chủ. Người có tinh thần “làm khách” hay “làm công” thì không bao giờ thấy mình có trách nhiệm trong đó.

2) Làm lễ
Chức năng Làm Lễ –phát sinh từ thiên chức Tư Tế là thể hiện tương quan giữa mình với Thiên Chúa, vừa là chủ tể của mình và vạn vật, cũng là người Cha luôn luôn yêu thương chăm sóc mình và vạn vật. Do đó, chức năng làm lễ được thể hiện qua việc thờ phượng, yêu mến, kính phục, quyết tâm sống thực hiện Thánh Ý Ngài, làm theo những lời Ngài dạy (6*), và phó thác cuộc sống của mình cho Ngài (7*). Nói chung, những việc làm hay tâm tình ấy được gọi là cầu nguyện (8*). Cầu nguyện rất cần thiết trong đời sống Kitô hữu, nhất là trong việc tông đồ (9*).
_________________________
(6*)     «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !» (Mt 7,21-23)
(7*)     Việc ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa là điều tốt, nên làm. Nhưng đối với Thiên Chúa, nó không giá trị bằng việc thực hiện những lời Ngài dạy, những tâm tình hay hành vi yêu thương đối với đồng loại. Thật vậy, Thiên Chúa nói qua lời ngôn sứ Isaia: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì ? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm ! Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta ? Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương ; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn ; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,11-17).
(8*)     Cầu nguyện không chỉ là đọc kinh, ca tụng Thiên Chúa, xin Ngài ơn nọ ơn kia. Cốt yếu của cầu nguyện không nằm ở những việc đó, mà ở chỗ nâng tâm hồn lên hướng về Thiên Chúa, kết hiệp với Thiên Chúa qua quan niệm, tư tưởng, lời nói, việc làm, quyết tâm trở nên hoàn hảo giống Thiên Chúa...
             Chắc chắn Thiên Chúa không thích những lời nguyện không phù hợp với tâm tình đích thực bên trong, không xuất phát từ đáy lòng, hay những lời cầu xin phản ánh tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình: «Giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,23-24);
             Khi cầu nguyện, không cần phải nói nhiều về những nhu cầu của mình, như thể Thiên Chúa không biết gì về những nhu cầu ấy: «Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin» (Mt 6,7-8); «Dầu miệng con không nói ra, Chúa đã hiểu thấu lòng con. Con hãy xem gương người đàn bà băng huyết: động đến gấu áo Chúa, được nhận lời ngay» (ĐHV §139).
(9*)     «Muốn đánh giá công việc tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào? Nếu con không cầu nguyện, chẳng ai tin con làm việc vì Chúa đâu! Tại sao có khủng hoảng trong Hội Thánh? Vì hạ giá việc cầu nguyện» (ĐHV §§132,133,134); « Kết qủa phong phú của việc tông đồ giáo dân tuỳ thuộc ở sự kết hiệp sống động của chính họ với Chúa Kitô, Đấng phán rằng: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh được nhiều hoa trái vì ngoài Thầy ra chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5)» (Vatican II, Tông đồ Giáo dân §4a).
Chức năng Làm Lễ đã được Chúa Giêsu thực hiện một cách hoàn hảo nhất mà chúng ta có thể mô phỏng hay bắt chước Ngài. Sự thờ phượng của Chúa Giêsu được thực hiện qua một quá trình, bắt đầu từ việc hạ mình xuống thế sống thân phận con người, nhất là đã tự hủy mình hay tự sát tế mình qua cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá (10*). Nơi Chúa Giêsu, việc sát tế hay thờ phượng ấy vừa là thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa, vừa là thể hiện tình yêu đối với con người. Có thể nói Ngài đã thờ phượng Thiên Chúa bằng cách yêu thương và hy sinh đến tận cùng cho con người. Đó cũng là cách thờ phượng mà chúng ta, những môn đệ của Ngài cần noi theo. Nơi Chúa Giêsu, việc thờ phượng Thiên Chúa và việc yêu thương con người chỉ là một thực thể duy nhất, gắn liền với nhau không thể tách biệt như hai mặt của cùng một tờ giấy.
_________________________
(10*)   Thánh Phaolô đã mô tả quá trình ấy như sau: «Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8).
Trong Cựu Ước, việc thờ phượng Thiên Chúa được thực hiện bằng việc sát tế một con vật thay vì sát tế chính bản thân mình để nói lên quyền chủ tể của Thiên Chúa trên mạng sống mình. Con vật bị sát tế gọi là “lễ vật hy sinh”, như thế cốt yếu của việc thờ phượng là sự hy sinh, là hành vi sát tế. Nhưng con vật là cái gì ngoài mình, không phải là mình hay cái thân thiết nhất của mình. Việc thờ phượng Thiên Chúa không gì bằng sự sát tế chính “cái tôi” của mình, cùng với những ý riêng, ý kiến, tham vọng… của mình để cuối cùng là «Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi» (Gl 2, 20) (11*).
_________________________
(11*)   Cũng vậy trong những lãnh vực khác của cuộc sống: «Tôi làm, nhưng không phải tôi làm, mà là Thiên Chúa làm trong tôi», «Tôi muốn, nhưng… mà là Thiên Chúa muốn...»
Chức năng Làm Lễ được thực hiện chủ yếu trong chính cuộc sống đời thường hằng ngày, chứ không phải chỉ thực hiện tại các thánh đường, trong các Thánh Lễ hay trong những giờ cầu nguyện (12*).
_________________________
(12*)   Thánh Lễ, các bí tích, và các giờ cầu nguyện đem lại nhiều ơn thiêng, sức mạnh tâm linh để giúp ta sống thánh thiện, có động lực để «từ bỏ mình» và «vác thập giá theo Chúa» hầu sống yêu thương. Việc sống thánh thiện, sống tinh thần «từ bỏ mình» và «vác thập giá» hầu sống yêu thương mới là mục đích hay hiệu quả của các bí tích hay những giờ cầu nguyện.
             Người Việt thường nói: «Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn». Cũng vậy, Thánh Lễ, các bí tích hay việc cầu nguyện là để phục vụ và phát triển đời sống tâm linh, chứ không phải ngược lại. Cần phân biệt rõ ràng cái nào là mục đích và cái nào chỉ là phương tiện.
             Nếu những phương tiện ấy (Thánh Lễ, bí tích…) không làm ta tiến bộ trong đời sống tâm linh, thì ta đã sử dụng những phương tiện ấy không đúng.
Tóm lại, chức năng Làm Lễ được thực hiện bằng việc dâng bản thân, dâng ý riêng, dâng mọi công việc của đời thường lên Thiên Chúa như một lễ vật, cùng với Chúa Giêsu, để thờ phượng Thiên Chúa và để thánh hóa bản thân và mọi công việc của mình (13*).
_________________________
(13*)   «Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người» (Rm 12:1); «Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài» (Dt 10: 6-7).

3) Làm chứng
Chức năng này –phát sinh từ thiên chức Ngôn Sứ là làm  tông đồ hay làm chứng cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu-Kitô, cho chân lý (luôn luôn thành thật, nói sự thật), cho công lý (sống công bình và đòi hỏi công bình trong xã hội, chống bất công áp bức), giúp mọi người nên tốt lành thánh thiện hơn, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
a– Làm chứng cho Thiên Chúa: Thiên Chúa ít khi trực tiếp và minh nhiên dạy dỗ chỉ bảo con người, mà thường chỉ gián tiếp dạy dỗ, chỉ bảo họ qua các ngôn sứ của mỗi thời đại. Thời đại nào cũng có những người được kêu gọi làm ngôn sứ, làm tông đồ, hoặc hữu danh hoặc vô danh, để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu (14*).
_________________________
(14*)   «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28,19); «Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin» (Rm 12,6); «Các Kitô hữu phải cố gắng toả ánh sáng sự sống với tất cả lòng tin tưởng vững chắc và lòng can đảm của người tông đồ, cho dù phải đổ máu» (Vatican II, Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo §14c); «Phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát (x.1Pr 3,15)» (Vatican II, Hiến chế về Giáo Hội, §10a).
Công Đồng Vatican II xác định bổn phận và quyền làm tông đồ của người giáo dân: «Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ thêm mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (x. 1Pr 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu» (Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân §3a).
Chức năng Làm Chứng không chỉ là làm tông đồ hay làm chứng cho Thiên Chúa, mà còn phải làm chứng cho chân lý, công lý và tình yêu Kitô giáo bằng chính đời sống và việc làm của mình.
b– Làm chứng cho chân lý: Người giáo dân Kitô hữu phải luôn luôn ăn ngay nói thật, không gian dối trong lời nói cũng như trong việc làm (15*). Phải sống làm sao để bất kỳ lời nào ta nói ra phải là những lời tốt đẹp, người khác có thể tin ngay, không phải nghi ngờ điều gì (16*).
_________________________
(15*)   «Có thì nói có, không thì nói không, thêm bớt điều gì là bởi ma quỉ mà ra» (Mt 5,37).
(16*)   «Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe» (Ep 4,29).
c– Làm chứng cho công lý: Sống công bằng và sòng phẳng đối với mọi người, không bất công đối với bất kỳ ai, về mặt tiền bạc cũng như ân nghĩa; đó là công bằng cá nhân mà người giáo dân Kitô hữu phải thực hiện (17*). Ngoài ra, Kitô hữu còn phải chống bất công xã hội đồng thời cổ võ việc thực thi công bằng xã hội trong môi trường mình đang sống (18*). Đây là nền tảng của Đức Ái Kitô giáo. Đức Ái Kitô giáo không thể có được nếu không được xây dựng trên nền tảng công bằng (19*).
_________________________
(17*)   «Lời bất công của người công chính vô cùng ác hại. Đó là thuốc độc do tay bác sĩ trao. Toa thuốc ấy càng truyền ra, càng giết người» (ĐHV §757).
(18*)   «Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái» (Vatican II, Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay §69a).
             «Hoà bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hoà bình là “công trình của công bằng” (Is 32,17)» (nt §78a).
(19*)   «Đức tin phải biểu lộ sự phong phú của mình bằng cách thâm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ» (nt §21e).
d– Làm chứng cho tình yêu: Tình yêu đối với nhau và đối với mọi người là dấu chứng của người môn đệ Chúa Giêsu: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35) (20*).
_________________________
(20*)   «Việc noi theo và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên Giáo hội là Mẹ chúng ta vui lòng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Đấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người» (Vat. II, GH §42d).
Người ta chỉ yêu đúng nghĩa hay yêu đích thực khi người ta thực hiện được hai yếu tố: “từ bỏ mình” và “vác thập giá” (21*), là hai điều kiện mà Chúa Giêsu đòi hỏi những người muốn theo Ngài phải có từ trong bản chất của mình (22*). Người theo Chúa phải là chứng nhân sống động của tình yêu đích thực đối với mọi người, không trừ ai, nhưng phải bắt đầu từ những người gần mình nhất: vợ con, cha mẹ, anh em, bạn bè, rồi đến những người xa hơn…
 Người giáo dân nên thánh giữa đời chính là thực hiện 3 chức năng trên của người Kitô hữu trong đời sống thường ngày.
_________________________
(21*)   “Từ bỏ mình” = ra khỏi chính mình, quên mình; “vác thập giá” = chịu thiệt thòi, đau khổ. Yêu ai mà ta không quên mình đi để nghĩ đến hạnh phúc của người đó, và cũng không chấp nhận hy sinh, chịu khổ hay chịu mất mát gì để người đó được hạnh phúc, thì tình yêu đó không phải là tình yêu đích thực. Lúc đó, mình chỉ yêu mình và tìm cách hưởng hạnh phúc bằng tình cảm của người đó dành cho mình, chứ không phải yêu người đó. Nói cách khác, mình yêu mình qua người đó: tình yêu đi đường vòng đến người đó để rồi trở lại chính mình.
(22*)   «Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả» (1Cr 13,4-7).


No comments:

Post a Comment