Monday, February 24, 2014

Đặc Điểm Của Linh Đạo PTGDVNHN



Linh Đạo Phong trào 
Giáo dân Việt Nam Hải Ngoại

(tiếp theo)


PTGDVNHN có mục đích giúp Giáo dân: 

1) Sống Đạo giữa đời 

2) Đem Đạo vào đời 

3) Hướng về Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam

Bằng cách

− nâng đỡ nhau trong tình anh chị em như trong một gia đình, 

− giúp nhau sống đích thực tinh thần Kitô giáo
ngay trong môi trường gia đình và xã hội mình đang sống.




III.
Linh đạo của Phong trào
Giáo dân Việt Nam Hải ngoại



B. Đặc điểm của linh đạo PTGDVNHN
Khía cạnh đặc thù của linh đạo này là nhấn mạnh đến tính trần thế của người giáo dân trong việc “sống thánh giữa đời”, tính xã hội trong việc “đem Đạo vào đời”, tính Giáo Hội trong việc phục vụ Giáo Hội địa phương, và tính gia đình trong quan hệ nội bộ giữa các thành viên.
1. Tính tại thế
Theo Công Đồng Vatican II, «tính cách riêng biệt và đặc thù nhất của giáo dân là tính tại thế» (1*), nên linh đạo PTGDVNHN đặc biệt nhấn mạnh và chú trọng tính cách riêng biệt này. «Tại thế» là sống giữa đời, giữa trần gian, phải đối diện và sống những thực tại trần tục nhất của con người: làm ăn, kiếm tiền, tình yêu nam nữ, tính dục, những khó khăn, những cám dỗ, những cạm bẫy, những đe dọa, âu lo, bấp bênh, bệnh tật, hoạn nạn, tính «lôi thôi» của đời sống gia đình, những tệ nạn, những bất công xã hội, tình trạng mất việc, những đấu tranh… Người giáo dân được Thiên Chúa an bài xếp đặt, đồng thời kêu gọi nên thánh trong bối cảnh trần tục đó.
________________________________
(1*)     Vat II, GH §31.
Vì thế, ơn gọi riêng của giáo dân là: «tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm việc trần thế, và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa» (2*). Đó là nét riêng biệt của linh đạo giáo dân, khác với linh đạo của các bậc khác trong Giáo Hội. Người Kitô hữu giáo dân sống đạo giữa đời, với muôn người, trong muôn mặt của cuộc sống trần thế, trong mọi thực tại trần gian như: lao động nghề nghiệp, hôn nhân gia đình, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, giải trí vui chơi...
________________________________
(2*)     Vat II, GH §31.
PTGDVNHN nhấn mạnh quan hệ mật thiết giữa đạo và đời, giữa đức tin và cuộc sống trong thực tế hằng ngày giữa lòng thế giới. Đạo và đời phải xoắn với nhau thành một thực tại duy nhất, không tách biệt. Đạo hay đức tin phải thật sự thấm nhập vào đời sống, vào xã hội để biến cải đời sống cá nhân và tập thể xã hội hay trần gian nên tốt đẹp, thánh thiện hơn. Đạo hay đức tin phải được thể hiện cụ thể trong tư tưởng, lời nói, hành động của người Kitô hữu.
Từ khi nhập thể làm người, Chúa Kitô đã nâng cấp tất cả những gì là phàm tục –được thực hiện do tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân– lên phẩm giá thánh thiêng. Vì thế, những việc thường được gọi là «tục», là «đời», đều trở nên có ý nghĩa thiêng liêng, cao trọng và đem lại hạnh phúc, nếu được thực hiện trong đức tin, cậy, mến, dưới sự dẫn dắt của Thánh Linh Thiên Chúa. Mọi việc làm, dù là tầm thường nhỏ bé đến đâu, đều có thể biến thành lời cầu nguyện sốt sắng, thành những việc thiêng liêng, nếu được làm với tình yêu chân thành, với tâm tình thờ phượng Chúa, nhằm làm đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân (3*).
________________________________
(3*)     Những việc làm nhỏ bé được làm với tình yêu thật sự vô vị lợi thì có giá trị trước mặt Chúa hơn những việc làm tuy tốt đẹp, vĩ đại nhưng được làm nhằm mục đích «vì danh» , «lấy tiếng» , hay trục lợi cách nào đó.

2. Tính xã hội
Không ai là một hòn đảo, và ai cũng đều sinh ra từ xã hội, tồn tại và phát triển trong xã hội, nhờ xã hội, nên tính xã hội là một chiều kích cơ bản của con người, và cũng là của người giáo dân. Do đó, mọi người, mọi giáo dân, đều có bổn phận, trách nhiệm xây dựng và phát triển xã hội.
Vì thế, PTGDVNHN giúp các thành viên ý thức sâu xa về chiều kích xã hội, về tầm quan trọng của những vấn đề xã hội phát sinh trong môi trường cụ thể mình đang sống, nhất là ý thức về trách nhiệm xã hội của người Kitô hữu, thúc đẩy họ góp phần vào việc thăng tiến xã hội và giải quyết những vấn đề xã hội theo ánh sáng Tin Mừng và Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội”.
Tính xã hội của linh đạo PTGDVNHN thúc đẩy các thành viên áp dụng đạo hay đức tin vào đời sống của mình trong xã hội. Đức tin đích thực phải giúp các Kitô hữu trở thành những thành viên tốt và tích cực của xã hội, phải thúc đẩy họ quan tâm đến xã hội và dấn thân cho xã hội nhiều hơn trường hợp họ không có đức tin. Đạo có làm cho đời tốt đẹp hơn thì mới là đạo đích thật. Cách sống của người Kitô hữu tượng trưng cho «bộ mặt của Đức Kitô giữa xã hội». Sự gắn bó và hài hòa giữa đạo và đời, chủ trương «đem Đạo vào đời» là những điểm nhấn của linh đạo PTGDVNHN (4*).
________________________________
(4*)     Dân gian thường nói: «Đời không đạo, đời thành điên đảo; đạo không đời, đạo biết dạy ai?».
Theo linh đạo PTGDVNHN, giữa Giáo Hội và xã hội có mối quan hệ gắn bó rất mật thiết, hỗ tương, không thể tách biệt. Muốn “đem Đạo vào đời”, muốn Kitô hóa xã hội, thì phải xã hội hóa Kitô giáo, theo nghĩa là Giáo Hội phải gắn bó với xã hội, quan tâm đến xã hội, và dấn thân cho những vấn đề xã hội nhiều hơn nữa. Lm Adolph Kolping (5*) nói:  «Muốn đời sống xã hội càng có tính Giáo Hội bao nhiêu, thì đời sống Giáo Hội càng phải có tính xã hội bấy nhiêu».
________________________________
(5*)     Lm Adolph Kolping, người Đức, là vị sáng lập Hội Kolping (hiện là một hội công giáo quốc tế), được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước ngày 27/10/1991 tại Rôma. Hội này cũng là một hội dành cho giáo dân.

3. Tính Giáo Hội
Mọi Kitô hữu đều được sinh ra về mặt tâm linh từ lòng Giáo Hội, được Giáo Hội nuôi dưỡng và phát triển về tâm linh cũng trong môi trường Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội vừa là mẹ, vừa là môi trường sống của người Kitô hữu, nên người Kitô hữu có bổn phận và trách nhiệm xây dựng và phát triển Giáo Hội. Vả lại, Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó Chúa Kitô là đầu, và mỗi Kitô hữu là một chi thể (6*). Người Kitô hữu không thể lớn lên và phát triển độc lập với Giáo Hội Mẹ, cũng như cành nho không thể tồn tại và phát triển độc lập với gốc nho (7*). Không thể liên kết với Chúa Kitô mà tách rời khỏi Giáo Hội, cũng như một chi thể không thể liên kết với đầu mà lại tách rời khỏi thân thể. Sự gắn bó, yêu mến đối với Giáo Hội luôn luôn đi đôi với sự sung mãn của đời sống thuộc linh. Thánh Âu Tinh nói: «Ai càng yêu mến Giáo Hội của Chúa Kitô thì càng có Thánh Linh».
________________________________
(6*)     Xem 1Cr 12,12-30. «Anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận» (câu 27).
(7*)     Xem Ga 15,1-7. «Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được» (câu 5)

Vì thế, PTGDVNHN chủ trương luôn luôn hiệp nhất, gắn bó và tích cực xây dựng Giáo Hội. Giáo hội cụ thể nhất trong đời sống của người giáo dân bình thường, chính là giáo xứ. Yêu mến và xây dựng Giáo Hội chính là yêu mến và xây dựng giáo xứ của mình. Tính Giáo Hội trong linh đạo PTGDVNHN được thể hiện bằng ý thức dấn thân cho Giáo Hội, một cách cụ thể như:
– Tìm mọi cách để xây dựng và phát triển giáo xứ, tùy theo khả năng và thì giờ mình có.
– Tích cực ủng hộ và cộng tác với cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ. 
– Tham gia vào những công việc chung trong giáo xứ (ca đoàn, dạy giáo lý, đóng góp quĩ, đảm nhận những chức vụ trong giáo xứ…).
– Tham dự những sinh hoạt phụng vụ chung trong giáo xứ (thánh lễ, phép lành Mình Thánh Chúa, kinh chung…).
– Luôn hòa nhập với những cộng đoàn khác trong giáo xứ (8*). yêu thương và coi tất cả những cộng đoàn khác như cộng đoàn của mình, để tất cả cùng hợp tác xây dựng và cùng trở thành một cộng đoàn duy nhất là «Gia đình của Thiên Chúa».
________________________________
(8*)     Tránh tất cả mọi hình thức cá biệt, lập dị, cho dù có tốt đẹp đến đâu, để luôn luôn hòa nhập với cộng đoàn Dân Chúa. Tuyệt đối tránh não trạng «biệt phái» , tự hào và tự tách biệt khỏi cộng đoàn chung.
Để bảo đảm sự hiệp nhất giữa PTGDVNHN với các Giáo Hội địa phương, PTGDVNHN chỉ hoạt động sau khi được giám mục hay linh mục sở tại chấp thuận. Và mọi cơ sở PTGDVNHN ở các địa phương đều cần có Linh mục đồng hành đảm nhận phần giáo dục tâm linh.

4. Tính gia đình
Linh đạo Kitô giáo có thể tóm gọn lại trong chữ «yêu thương». Thánh Phaolô viết: «Ai sống yêu thương, là người đó chu toàn lề luật» (9*). Thánh Âu Tinh cũng viết: «Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm». Mà không môi trường nào giúp người ta tập sống yêu thương một cách dễ dàng cho bằng môi trường gia đình. Trong gia đình, mọi người đều tự nhiên yêu thương nhau: cha mẹ yêu thương con cái và ngược lại, còn anh chị em thì yêu thương nhau. Tình thương trong gia đình là thứ tình thương chân thật nhất, vô vị lợi nhất, tự nhiên nhất. Người ta có những kinh nghiệm đầu tiên về tình thương, hay cảm nghiệm được tình thương nhiều nhất là ở trong gia đình. Vì thế, gia đình là môi trường yêu thương lý tưởng nhất cho mọi cộng đoàn Kitô giáo.
________________________________
(9*)     «Tình yêu là luật Chúa vẹn toàn» (Rm 13,8b; xem Rm 13,10).
PTGDVNHN cũng lấy tình thương trong gia đình làm lý tưởng để mọi thành viên theo đó mà sống với nhau. Mọi thành viên trong cùng một cơ sở –qui tụ nhau để cùng giúp nhau nên thánh, cùng sống linh đạo giáo dân– đều phải coi nhau như anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình. Trong tinh thần gia đình, họ cùng yêu thương, nâng đỡ, che chở, đùm bọc nhau trong mọi tình huống của đời sống hằng ngày, về tinh thần cũng như vật chất. Đó chính là sống tinh thần «Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa», trong đó, Thiên Chúa là cha mẹ, mọi Kitô hữu đều là con cái Chúa, và là anh chị em của nhau.
Nếu các thành viên PTGDVNHN sống với nhau như trong cùng một gia đình như thế, thì đó sẽ là nét hấp dẫn và lôi cuốn nhất của PTGDVNHN. Chính Chúa Giêsu đã nêu lên điểm chính yếu hấp dẫn ấy: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35). Trong khi nền tảng của các gia đình hiện nay đang bị lung lay tận gốc rễ, nhiều người không tìm được sự cảm thông, tình yêu thương chân thực nơi chính gia đình tự nhiên của mình, mà lại tìm thấy nơi những cộng đoàn nhỏ bé trong các tôn giáo, mà các cơ sở PTGDVNHN phải là những điển hình. Tính gia đình của PTGDVNHN không những đáp ứng được nhu cầu tình gia đình của con người, mà còn có khả năng giáo dục và củng cố tình gia đình trong mái ấm gia đình của các thành viên. Các thành viên PTGDVNHN phải sống tinh thần gia đình làm sao để nhờ gia nhập PTGDVNHN mà mái ấm của họ trở nên hạnh phúc, êm đềm và tràn đầy yêu thương hơn.

Hết


No comments:

Post a Comment