I. HỌC
LỜI CHÚA
1. TIN
MỪNG: Ga 6,51-58
(51)
“Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống
muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế
gian được sống”. (52) Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau.
Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn Thịt ông ta được ?”.
(53) Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông
không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi
mình. (54) Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi
sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (55) Vì Thịt tôi thật là
của ăn, và Máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn Thịt và uống Máu
tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa
Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là
Bánh từ trời xuống. Không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ
đã chết. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (59) Đó là những
điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường ở Ca-phác-na-um.
2. Ý
CHÍNH:
Tin
Mừng lễ Mình Máu Chúa hôm nay gồm mấy điểm chính như sau:
Đức
Giê-su tự nhận là Bánh Hằng Sống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn
đời (51). Bánh đó là Thịt Mình của Người (51). Khi người Do thái
thắc mắc về thức ăn này, thì Đức Giê-su lại nhấn mạnh thêm: Nếu các
ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi
mình (52). Kẻ ăn Người thì ngay từ bây giờ họ đã được kết hiệp mật
thiết với Người (56) và được sống nhờ Người (57). Khác với bánh
man-na mà tổ tiên họ xưa đã ăn nhưng vẫn bị chết, còn ai ăn Bánh Đức
Giê-su ban, sẽ được sống muôn đời (58).
3.
CHÚ THÍCH:
- C
51-52: +
Bánh Hằng Sống: Đức
Giê-su là sự sống và ánh sáng của Thiên Chúa (x. Ga 1,4), được ban cho
loài người dưới hình dạng tấm bánh có thể ăn được. Bánh này chứa
đựng sức sống thiêng liêng vĩnh cửu mà những ai ăn vào sẽ nhận được
sự sống ấy. + Từ trời xuống: Đức Giê-su từ Chúa Cha mà đến (x.
Ga 6,46; 16,28). + Bánh tôi sẽ ban tặng: Là Bánh Thánh Thể mà Người sắp ban
trong bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,19-20). + Chính là Thịt tôi đây: Bánh Hằng Sống được đồng hóa
với Thịt của Đức Giê-su. Từ ngữ “thịt” trong tiếng Hy lạp là “sarx”,
ám chỉ thịt của người sống, bao gồm cả hồn lẫn xác (x. Ga 1,14). +
Để cho thế gian được sống: Hiệu quả của Bánh Thánh Thể là
thông ban cho những ai lãnh nhận có được sự sống thiêng liêng, đã được
Đức Giê-su chuộc lại bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. +
Người Do thái liền tranh luận với nhau: Làm sao ông này cho chúng ta ăn
thịt ông ta được ?: Họ
thắc mắc vì đã hiểu đúng thịt đó chính là thân xác của Đức Giê-su
đang ở giữa họ, trong khi Đức Giê-su muốn nói về Thịt của Người dưới
hình tấm bánh không men trong bữa tiệc chiên Vượt Qua. Bánh ấy sau lời
truyền phép sẽ hóa thành Thịt của Đức Giê-su đã chịu tử nạn và phục
sinh (x. 1 Cr 11,23-26). Thịt trong bí tích Thánh Thể thực sự là Bánh
mà Đức Giê-su sẽ ban để cho thế gian được sống.
- C
53-54: +
Thật, tôi bảo thật các ông: Đức Giê-su không cải chính khi người
Do thái hiểu lầm lời Người nói theo nghĩa đen, mà Người lại còn nhấn
mạnh hơn khi quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông”.+ Nếu các ông không ăn Thịt và
uống Máu Con Người…: Thịt
Máu Người trong bí tích Thánh Thể là một điều kiện không thể thiếu
để được sống đời đời. Nếu họ không ăn uống Thịt Máu Người trong bí
tích Thánh Thể, thì họ sẽ không nhận được sự sống đời đời do Người
chuộc lại nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh. +
Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời: Đây là kiểu nói lặp
lại tư tưởng ở trên. + Tôi sẽ cho người ấy sống lại
vào ngày sau hết: Hiệu
quả của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa Giê-su mỗi khi rước lễ là được
Người thông ban sự sống siêu nhiên, có sức làm cho họ được sống lại
vào ngày tận thế.
- C
55-56: + Vì
Thịt Tôi: Chúa
Giê-su nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là lương thực để ăn uống,
và thông ban sự sống muôn đời. Qua bí tích Thánh Thể, người ta sẽ
được nghe Lời Người để có đức tin, sẽ được ăn Thịt uống Máu Người
để được nuôi dưỡng đức tin ấy. Nhờ đó họ sẽ có sự sống đời đời. +
“Ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”: Câu này nói lên sự kết hiệp mật
thiết giữa Chúa Giê-su Thánh Thể với người rước lễ. Sự kết hiệp
này giống như sự kết hiệp giữa hai người bạn tâm giao luôn nghĩ đến
nhau và sống vì nhau.
- C
57-59: + Như
Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi…: Chúa
Giê-su được Chúa Cha sai xuống thế gian. Người sống nhờ Chúa Cha thế
nào, thì Người cũng ban cho những ai rước Mình Máu Người được tham
phần vào sự sống siêu nhiên của Người. + Thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi
mà được sống như vậy: Sự
sống siêu nhiên ấy phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Giê-su, xuống tới
người tín hữu tin và lãnh nhận bí tích Thánh Thể. +
Đây là Bánh từ trời xuống…: Sự sống ban cho kẻ rước lễ là
sự sống đời đời phát xuất từ Thiên Chúa, khác hẳn sự sống thân xác
từ man-na, là thứ bánh vật chất được Đức Chúa ban cho dân Do thái từ trên
trời rơi xuống, nên dân Do thái thời Mô-sê, dù đã được ăn man-na trong
cuộc Xuất Hành nhưng rồi vẫn bị chết. + Ai ăn Bánh này sẽ được sống
muôn đời: Đây
là câu tóm lược bài giảng về Bánh Hằng Sống. Chúa Giê-su chính là
Bánh từ trời xuống. Người mang lại sự sống thiêng liêng cho loài
người đang phải chết vì đã phạm tội, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh
của Người.+ Hội
đường ở Ca-phác-na-um: Là
một hội đường Do thái ở Ca-phác-na-um, một thành phố được Đức Giê-su
chọn làm trung tâm truyền giáo, nằm cạnh biển hồ Ga-li-lê (x Ga 6,1).
4.
HỎI ĐÁP:
- HỎI
1: Tại sao người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giê-su lại không tiếp tục
đi theo làm môn đệ của Người nữa và họ đã tranh luận với nhau về vấn đề
gì ? Tại sao Phê-rô và Nhóm Mười Hai lại chọn ở lại với Đức Giê-su ?
Tông đồ Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin như thế
nào ?
ĐÁP:
+ Sở
dĩ người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giê-su đã bỏ không còn đi theo
Người nữa (x. Ga 6,66), vì họ đã hiểu đúng lời Đức Giê-su giảng là
ăn Thịt thân mình của Người, giống như họ ăn thịt các con chiên, bò,
gà… nên tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn
thịt ông ta được ?”. Cũng như các thân nhân Đức Giê-su ở Na-da-rét có
lần đã cho rằng Người đã bị điên khùng mất trí (x. Mc 3,21), ở đây các
đầu mục Do thái đã coi lời Đức Giê-su giảng là điều chướng tai không thể
chấp nhận được (x. Ga 6,52). Tuy nhiên, thay vì cải chính, Đức Giê-su
lại giải thích rõ hơn và còn nhấn mạnh hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông:
nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự
sống nơi mình… Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống”
(Ga 6,53.55)..
+
Phê-rô và Nhóm Mười Hai đã chọn ở lại với Đức Giê-su kể cả sau khi
Người giảng về Bánh Hằng Sống, vì các ông đã tin Người chính là Đấng
Thiên Sai và tin Lời Người nói là sự thật, dù các ông chưa hiểu rõ ý
nghĩa của những lời ấy. Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng
đức tin của Nhóm như sau: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai ? Thầy
mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con
đã tin và nhận biết Thầy chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga
6,68-69).
HỎI
2: Luật Mô-sê cấm dân Do thái không được ăn máu và thịt thú chưa cắt
tiết (x. Lv 19,26), và nghị quyết của Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49
cũng yêu cầu các Ki-tô hữu gốc dân ngoại “phải kiêng ăn đồ đã cúng
cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết và ăn thịt loài vật không cắt tiết và
tránh gian dâm” (x. Cv 15,29). Vậy tại sao Giáo Hội Công Giáo lại không
ngăn cấm các tín hữu ăn tiết canh ?
ĐÁP:
Thời
Mô-sê, người ta tin rằng: Máu là sinh khí tụ lại, nên chỉ dành riêng
để tế lễ dâng cho Thiên Chúa trong lễ Xá Tội. Vì chỉ mình Đức Chúa mới
là chủ tể của sự sống (x. Lv 17,11). Đàng khác, tục lệ uống máu
những con vật sát tế cho thần linh vẫn có trong nhiều tôn giáo của
dân ngoại. Vì thế mà Luật Mô-sê đã cấm ăn máu và thịt thú chưa cắt
tiết máu còn lẫn trong thịt (x. Lv 19,26).
Ngày
nay Giáo Hội không có luật cấm ăn tiết canh hay thịt thú vật chưa cắt
tiết, vì Luật cấm này đã được Đức Giê-su kiện toàn (x. Mt 5,17), khi
truyền cho các môn đệ ăn Thịt uống Máu Người (x. Mt 26,26-28), và niềm
tin sinh khí tụ lại trong máu là không có cơ sở đúng đắn. Đàng
khác, Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 tuy có yêu cầu các Ki-tô hữu
An-ti-ô-khi-a không được ăn tiết và thịt thú chết ngạt không phải vì
lý do đức tin mà chỉ là một biện pháp kỷ luật của Hội Thánh, nhằm
bảo vệ sự hiệp nhất trong cộng đoàn Hội thánh bấy giờ bao gồm cả các
tín hữu gốc Do Thái lẫn gốc lương dân, như Tông Đồ Gia-cô-bê giám mục
thành Giê-ru-sa-lem đã cho biết: “Vì từ thế hệ xa xưa, trong mỗi thành
ông Mô-sê, đều có những người rao giảng. Họ đọc lời của ông trong các
hội đường mỗi ngày Sa-bát” (Cv 15,21). Ngày nay vì không còn có nguy cơ
chia rẽ nội bộ giữa các tín hữu gốc Do thái và gốc lương dân như
thời Hội thánh sơ khai, nên Giáo luật không đề cập đến vấn đề này và người
tín hữu được tự do ăn hay không ăn máu huyết của các con vật nói trên.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ
được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng chính là Thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
2. CÂU
CHUYỆN: CHIẾC NHẪN KỶ VẬT CỦA TÌNH YÊU.
Có
một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được hơn một năm. Trong thời
gian đó họ đã sống thật hòa hợp hạnh phúc. Mỗi buổi sáng trước khi
rời nhà đi làm, và buổi chiều khi vừa trở về ngôi nhà thân thương,
anh chồng không bao giờ quên trao cho vợ một cử chỉ âu yếm và một lời
nói yêu thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng ngày một nồng thắm.
Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người chồng trên
đường từ sở làm về nhà bị trúng mưa. Anh đã bị cảm lạnh phải nằm
liệt giường và được vợ anh tận tình chăm sóc. Do bệnh không thuyên
giảm, nên anh đã được vợ mang đi bệnh viện và được chẩn đoán mắc bệnh
sưng phổi. Sau đó anh tiếp tục được bác sĩ xét nghiệm và xác định anh bị mắc
ung thư màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba vô phương cứu chữa. Khi biết
mình sắp chết, anh chồng đã cầm lấy tay vợ thều thào nói: “Em yêu quí !
Có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng
vâng theo ý Chúa. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được tiếp tục
sống bên em. Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài
chiếc nhẫn mà cách đây hơn một năm hai vợ chồng mình đã trao cho nhau
khi kết ước trước bàn thờ Chúa. Bây giờ anh xin tặng chiếc nhẫn kỷ
vật này cho em, để em tin là anh luôn ở bên em và hằng cầu xin cho em an
lành hạnh phúc”. Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo và âu yếm xỏ
vào tay vợ, giống như trước đây anh đã trao nhẫn trong lễ hôn phối của
hai người. Sau khi chết, anh được an táng tại nghĩa trang gần nhà. Từ
ngày đó, hằng ngày người ta đều thấy một phụ nữ còn rất trẻ, đầu
chít khăn tang, tay cầm bó bông đi viếng nghĩa trang. Chị đứng hằng giờ
trước ngôi mộ cỏ mọc chưa xanh của chồng để cầu nguyện cho anh. Tay
chị có đeo hai chiếc nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và một chiếc
nhẫn thứ hai là kỷ vật thân thương của người chồng quá cố đã để lại
khi sắp từ giã cuộc đời.
3. SUY
NIỆM:
Hơn
hai ngàn năm trước đây, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã lập phép Thánh
Thể, để trao cho Hội Thánh dấu hiệu của một tình yêu vô cùng lớn lao
là Mình Máu Thánh của Người dưới hình bánh rượu, để nên của ăn của
uống cho các tín hữu, hầu ban cho họ được sự sống đời đời.
1) ĐỨC
GIÊ-SU TIÊN BÁO VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Trong
hội đường ở thành Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã tuyên bố với đám đông dân
chúng như sau: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này,
sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Nghe vậy người Do thái liền
tranh luận với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông
ta được ?” (Ga 6,52). Trước phản ứng của thính giả, Đức Giê-su không những
không rút lại hoặc giải thích khác đi, mà Người còn nhấn mạnh như sau: “Thật,
tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con
Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu tôi,
thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày
sau hết. Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống”
(Ga 6,54-55). Sau đó Đức Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể thực sự trong
bữa Tiệc Vượt Qua chung với các Tông đồ trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,19-20).
2)
THÁNH THỂ LÀ MỘT MẦU NHIỆM ĐỨC TIN:
Nghe
Đức Giê-su nói đến việc cho người ta ăn thân thể của mình, nhiều môn đệ đã xì
xầm phản đối: “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” (Ga 6,60). Đức Giê-su
đã trả lời cho thắc mắc ấy bằng việc giải thích lý do người ta không chấp nhận
sự thật này là vì họ không tin vào nguồn gốc thần linh của Người: “Điều đó anh
em lấy làm chướng không chấp nhận được ư ? Thế thì anh em thấy Con Người lên
nơi đã ở trước kia thì sao ? “ (Ga 6,61-62). Người cũng cho thấy để có thể tin
nhận chân lý mầu nhiệm này cần phải có ơn Chúa ban: “Không ai đến với Thầy
được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (x. Ga 6,65). Và Tin Mừng cho biết: “Từ
lúc đó, có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).
Riêng Nhóm 12 khi nghe Đức Giê-su hỏi đã cùng với ông Phê-rô tuyên xưng đức
tin như sau: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những
lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và
nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga
6,68-69).
3)
HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI:
Trong
thực tế đời thường, các thực phẩm như rau thịt cơm bánh chúng ta ăn uống sẽ
được cơ thể tiêu hóa để biến thành năng lượng giúp cho cơ thể hoạt động: suy
nghĩ nói năng hành động. Chúng ta có khỏe mạnh hay đau ốm phần lớn tùy thuộc
vào thực phẩm và cách thức ăn uống của chúng ta. Ngày nay, các thầy thuốc điều
trị bệnh ngoài việc cho toa dùng các loại thuốc đặc trị, còn phối hợp với việc
ăn uống các loại rau quả có lợi cho sức khỏe gọi là thực phẩm chức năng nữa.
Về
phạm vi đức tin, các tín hữu cũng được Chúa ban ơn cứu độ là sự sống đời đời
nhờ 2 loại thực phẩm chức năng là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Mỗi tuần khi
tham dự thánh lễ Chúa nhật, các tín hữu được ăn hai loại thực phẩm này khi lắng
nghe Lời Chúa trong phần phụng vụ Lời Chúa và khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa
trong phần phụng vu Thánh Thể. Nhờ nghe Lời Chúa, nhất là bài suy niệm của chủ
tế mà các tín hữu sẽ nhận ra những sai sót tội lỗi của mình để tu sửa và ngày
một nên con thảo của Chúa Cha, nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su và nên anh chị
em của mọi người trong Hội Thánh. Rồi nhờ việc rước Mình Thánh Chúa, chúng ta
sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và sau đó đem Chúa đến cho những
người chúng ta có dịp tiếp xúc giữa đời thường. Nhờ ơn Chúa giúp và nhờ thành
tâm sống Lời Chúa mỗi ngày, và tham dự các buổi học sống Lời Chúa hằng tuần với
cộng đoàn nhóm nhỏ, chắc chắn các tín hữu sẽ được từng bước biến đổi nên người
mới đầy vị tha, bác ái, hiền hòa, nhẫn nhịn, bao dung và khiêm nhường phục vụ…
thay cho con người cũ đầy thói ích kỷ, tham lam, gann ghét, tự mãn… Nhờ đó
chúng ta có thể nói được như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là
tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
4) TRỞ
NÊN BÁNH ĂN CHO THA NHÂN:
Như
vậy, lãnh nhận bí tích Thánh Thể là ăn hai loại thực phẩm chức năng là Lời Chúa
và Mình Thánh Chúa, để nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ ngày một biến đổi nên tốt
hơn, sẽ từng bước loại trừ “cái tôi” ích kỷ cố hữu để thay bằng lối sống vị tha
của Đức Giê-su, luôn trải rộng tình thương đến với mọi người, sẵn sàng trở nên
tấm bánh bị ăn như Ðức Giê-su (LM Antoine Chevrier, tu hội Prado). Nhờ một lối
sống luôn quên mình để nghĩ đến người khác, chúng ta sẵn sàng bị những người
chung quanh ăn, sẵn sàng hy sinh phục vụ người thân như vợ chồng, con
cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm... Sống được như vậy là chúng ta đã
lãnh nhận bí tích Thánh Thể cách đẹp lòng Chúa hơn cả.
Một
người thực sự kết hiệp với Chúa Thánh Thể sẽ luôn chọn đi con đường “Qua đau
khổ vào trong vinh quang” theo ý Thiên Chúa. Đây là con đường hẹp, leo dốc và
ít người muốn theo nhưng là đường duy nhất dẫn đưa chúng ta lên trời. Nhờ năng
ăn Lời Chúa và Mình Thánh Chúa chúng ta sẽ đón nhận được ơn Chúa giúp để ngày
một biến đổi nên giống Chúa Giê-su hơn. Mỗi ngày chúng ta sẽ chết đi cho các
thói hư thuộc về con người cũ “thuộc thể”, để biến đổi thành con người mới
“thuộc linh”, tức là thuộc về Thần Khí của Chúa Ki-tô và được sống đời đời như
thánh Phao-lô đã viết: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì
thuộc tính xác thịt. Còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì
thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần
Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,5-6).
4.
THẢO LUẬN: Để đáp lại tình yêu thương tột cùng của Đức Giê-su khi
lập bí tích Thánh Thể, mỗi tín hữu phải có thái độ thế nào khi
tham dự Thánh lễ hay dự chầu Thánh Thể… ?
5.CẦU
NGUYỆN:
LẠY
CHÚA GIÊ-SU. Bàn tiệc Thánh Thể do Chúa thiết lập và mời chúng con tham
dự nhằm biểu lộ tình yêu thương và sự hiệp nhất cộng đoàn. Chúa
muốn chúng con phải tránh thói ích kỷ và những việc lgây chia rẽ
nội bộ, như Tông đồ Phao-lô đã quở trách giáo đoàn Cô-rin-thô: “Trước
tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau… Khi anh em họp
nhau, thì không còn phải là ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi
người lo ăn bữa riêng của mình trước. Và như thế kẻ thì bị đói,
người lại no say ! Cho nên thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em
hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hóa ra để
bị kết án !” (1 Cr 11,18-22.33-34). Hôm nay, xin Chúa giúp chúng con
biết hiệp thông với tha nhân mỗi khi tham dự thánh lễ. Cho chúng con
biết thể hiện tình bác ái huynh đệ bằng việc vào nhà thờ ngồi ghế
thay vì đứng ở ngoài sân. Cho chúng con biết mở miệng thưa kinh chung
với cộng đoàn. Xin cho chúng con luôn biết dấn thân, sẵn sàng đi bước
trước đến làm quen với những người mới gặp, sẵn sàng nhường chỗ tốt
cho những người già cả và tật nguyền… để thánh lễ trở thành cơ hội
giúp chúng con thực hành tình yêu hiệp nhất với Chúa và với tha nhân.
X)
HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN
VINH - HHTM
No comments:
Post a Comment