Để nói lên vai trò quan trọng bậc nhất của người mẹ, tục
ngữ Việt Nam có câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá; Mồ côi mẹ liếm lá đầu đình”. Ấy
cũng bởi vì tình cảm mẹ con vô cùng thắm thiết. Ngôn ngữ loài người đã dùng 2
tiếng Mẹ và Con để tôn vinh tình cảm bất khả thay thế đó, đồng thời cũng dùng 2
tiếng ấy trong cách xưng hô giữa 2 ngôi vị đó trong gia đình. Đối chiếu tình cảm
đó với Thánh Kinh, khi nhìn vào mầu nhiệm Cứu Chuộc thì Đức Maria là Mẹ Thiên
Chúa (Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể), khi nhìn vào mầu nhiệm Hội Thánh thì Đức Maria là
Mẹ Giáo Hội (vì Người Con của Mẹ đã nhận Giáo Hội làm Hiền Thê và chính thức
trao phó cho Mẹ trước khi sinh thì trên Thánh Giá). Quả thật tình Mẫu Tử giữa Mẹ
Thiên Chúa và Người Con là cao vời tuyệt đỉnh, muôn vật thụ tạo khôn sánh bằng.
Tuy nhiên, khi suy niệm Thánh Kinh thì lại nảy sinh thắc mắc:
Tại sao Người Con Chí Thánh Giê-su lại gọi Mẹ mình bằng tiếng Bà nghe có vẻ xa
lạ như vậy (như trong tiệc cưới Ca-na, khi thấy thiếu rượu, Đức Maria nói với Đức
Giê-su: "Họ hết rượu rồi." Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện đó
can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến." – Ga 2, 4); thậm chí cả khi
trối trăng dưới chân thập tự: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người
nói với môn đệ Gio-an: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ
rước bà về nhà mình.” – Ga 19, 26-27). Phải chăng vì Đức Giê-su là Con Thiên
Chúa và là Thiên Chúa thật, nên Người không muốn gọi người sinh ra mình nơi trần
gian là Mẹ? Thắc mắc thật khó lý giải, đành phải nhờ vào việc tìm hiểu danh
thánh Maria qua cách giải thích của các Giáo phụ, mới hiểu rõ được vấn đề:
Qua hàng bao thế kỷ, nhờ lòng tôn sùng tuyệt đối Đức Maria,
các thánh Giáo phụ đã đề nghị nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của
danh xưng “Maria”. Tựu trung, người ta đã có được một giàn ý nghĩa kỳ thú sau
đây: Maria nghĩa là “Người Soi Sáng” bởi vì Người đã đem Ánh Sáng (Đức Giê-su
Thiên Chúa – Nguồn Ánh Sáng Cứu Độ) đến cho thế gian; Maria nghĩa là “Sao Biển”
vì những người đi biển được Sao Biển hướng dẫn về bến bờ như thế nào, thì Ki-tô
hữu trong biển đời giông tố cũng đạt đến vinh quang nhờ sự soi đường chỉ lối của
Đức Từ Mẫu Maria như vậy; Maria còn có nghĩa là “Lệnh Bà” (là Đức Bà của nhân
loại). Trước đây ở Việt Nam, trong các kinh nguyện về Đức Maria đều gọi là Đức
Bà. Điều đó cho thấy khi Đức Giê-su gọi Đức Maria là Bà, là Người tôn vinh Người
Mẹ chí ái của minh vậy.
Còn về ngày lễ “Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ”, thì Lịch sử Phụng
Vụ của Giáo Hội cho biết: Năm 1787, Đức Giáo hoàng Pi-ô VI ban phép các nữ tu
dòng Đức Mẹ Gabriel mừng lễ "Rất Thánh Trái Tim Mẹ Maria" vào ngày
22/8. Năm 1799, tất cả các nhà thờ giáo phận Palermô nước Ý được mừng lễ này.
Năm 1805, tất cả các giáo phận và các dòng tu muốn mừng lễ này đều được Đức
Pi-ô VII ban phép. Năm 1855, dưới triều đại Đức Pi-ô IX, giờ kinh và Thánh lễ
đã được Thánh bộ Lễ nghi chấp thuận (1).
Từ sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917 ban hành mệnh
lệnh "Tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ", vào ngày mồng 8/12/1942, Đức Thánh
Cha Pi-ô XII long trọng dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Tới tháng
5/1943, Đức Thánh Cha khuyến khích tín hữu Công Giáo kêu cầu sự bầu cử của Đức
Trinh Nữ Rất Thánh, nhất là bằng cách đọc kinh Mân Côi cầu cho thế giới được
hoà bình đích thực. Ngài cũng kêu mời mọi người dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm
Đức Mẹ. Năm 1945, ngài chính thức thành lập lễ "Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ"
vào ngày 22/8. Theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, năm 1969, Đức Phao-lô VI đổi
lễ này vào ngày thứ Bảy sau lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su (cuối tuần Chúa nhật II
sau lễ Hiện Xuống) (2).
Thật vô cùng ý nghĩa khi ngày lễ kính Trái Tim Người Mẹ đi
liền với ngày lễ kính Thánh Tâm Người Con. Ấy cũng bởi vì 2 Trái Tim ấy luôn gắn
liền với nhau, ở trong nhau trong suốt thời Cứu Độ và mãi mãi cho đến vô cùng.
Để được hòa chung Máu của Mẹ với Máu của Con làm của dưỡng nuôi những tín hữu,
cùng đồng công cứu chuộc nhân loại thoát khỏi sự chết đời đời, hẳn nhiên Đức Mẹ
phải có đầy đủ trong lòng (trong trái tim) nguồn ân sủng chan chứa làm nên những
hình ảnh Trái Tim Từ Mẫu tuyệt vời: Trái Tim Tinh Tuyền, Trái Tim Tín Thác,
Trái Tim Cay Đắng, Trái Tim Nhân Hậu.
Trái Tim Tinh Tuyền: Mẹ đã được tuyển chọn ngay
từ khi Nguyên tổ phạm tội. Thiên Chúa đã tiền định một E-và Mới sẽ “đạp nát đầu
con rắn (Xa-tan) đã cám dỗ E-và” (St 3, 1-15). E-và Mới đó chính là Đức Maria
được hồng ân vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi đầu thai trong lòng bà Anna. Đồng
thời, trong suốt cuộc đời trần thế, Mẹ cộng tác mật thiết với Người Con (A-đam
Mới) đồng công cứu chuộc loài người, gặp biết bao nghịch cảnh và cám dỗ của ba
thù, Mẹ vẫn giữ nguyên tuyền vẻ đẹp trinh trong một Trái Tim Vẹn Sạch, không
chút bợn nhơ trần thế.
Trái Tim Tín Thác: Sau khi nghe sứ thần truyền
tin, Mẹ chẳng so đo ngần ngại, mà dứt khoát: “Xin Vâng”. Mẹ
hoàn toàn vâng phục, phó thác vào Thiên Chúa Quan Phòng với tất cả tấm lòng
tin, cậy, mến. Qua bài ca “Ngợi Khen” (Magnificat), Mẹ cảm tạ,
ca ngợi và tri ân Thiên Chúa đã đoái thương đến Mẹ và dân Chúa chọn. Vì nay lời
Giao ước đã được thưc hiện, Mẹ phó thác vào Thiên Chúa, tuân phục theo những dấu
chỉ, những mệnh lệnh của Người cách trực tiếp, hay gián tiếp qua người bạn trăm
năm là Thánh Cả Giu-se. Dù bụng mang dạ chửa nặng nề, Mẹ vẫn vui lòng lên đường
trở về Bê Lem cùng với Thánh Cả Giu-se, theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế
Augusto. Sau khi sinh hạ Hài Nhi Giê-su nơi hang bò lừa Bê-lem lạnh lẽo, Mẹ lại
tiếp tục vâng theo Thánh ý, đem Con sang Ai-cập lánh nạn Hê-rô-đê lung giết các
hài nhi.
Trái Tim Cay Đắng: Ngày 13/6/1917, một trong ba
thiếu nhi Fatima (Lucia, Jacinta và Francisco) là Lucia (được “Chúa Giê-su dùng
để làm cho Mẹ được mọi người nhận biết và yêu mến”) đã trực tiếp nghe lời Đức Mẹ
phán hứa: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa
con đến với Chúa”. Thế rồi, trước khi biến đi, Đức Maria đã dùng tay phải chỉ
vào ngực, cho 3 trẻ thấy một Trái Tim bị gai nhọn từ chung quanh đâm vào (3).
Điều này cho thấy những gai nhọn, đinh sắc (tội lỗi loài người) không chỉ đâm
vào Thánh Tâm Người Con mà còn đâm cả vào Trái Tim Mẹ. Trái Tim Mẹ khi còn tại
thế đã đau đớn đúng như lời ngôn sứ Si-mê-on tiên báo (“Còn chính bà, một lưỡi
gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” – Lc 2, 35). Thật không ngờ cho đến 20 thế kỷ
sau, khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (năm 1917), Trái Tim Mẹ vẫn tiếp tục bị gai
nhọn, đinh sắc tội lỗi loài người đâm thâu. Danh thánh Maria với nghĩa là “Biển
Đắng Cay” quả thật không sai.
Trái Tim Nhân Hậu: Nói về nhân hậu là nói về Đức
Mến nền tảng của Ki-tô giáo. Đó chính là điều răn trọng nhất: “Mến Chúa yêu người”.
Với Đức Maria thì Trái Tim Mẹ đã vượt trên tất cả phàm nhân về đức tính nhân hậu.
Vì “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, Đức Maria đã dâng hiến toàn
thân cho Thiên Chúa (khấn giữ đồng trinh). Cũng vì yêu Chúa, nên Mẹ đã “xin
vâng như lời sứ thần truyền” dù cho Mẹ “không hề biết đến người nam”. Cũng vì
yêu Chúa, nên Mẹ chấp nhận mọi gian nan vất vả khi sinh con tại hang bò lửa
Bê-lem, khi mang Con lánh nạn sang Ai-cập. Từ khi hạ sinh Trưởng Tử Giê-su, Mẹ
hết lòng yêu thương, chăm sóc Con, không những thế, Mẹ còn dạy mọi người đức mến
yêu, vâng phục tuyệt đối Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: “Người bảo gì,
các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5). Cho đến khi Con tử nạn trên Gôn-gô-tha thì Trái
Tim tan nát của Mẹ vẫn mở ra đón nhận đàn con cái trần gian do Người Con trao
phó. Trái Tim của Mẹ vì khiêm cung nhân hậu đã xin vâng nhận làm Mẹ Thiên Chúa,
nay lại mở rộng lòng nhận hậu, nhận làm Mẹ Giáo Hội lữ hành.
Suy niệm về Trái Tim Từ Mẫu Maria thì vô cùng, không bút mực
nào có thể diễn tả cho hết được về kỳ công Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một
E-và Mới Maria, hạ sinh một Trưởng Tử A-đam Mới, cùng hiệp thông thi hành sứ vụ
Cứu Độ nhân loại. Người Ki-tô hữu hãy chạy đến với Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, để
được “Nhờ Mẹ, đến với Chúa – Ad Jesum per Mariam”, cầu xin Người ban cho một
tâm hồn trong sạch, một trái tim tinh tuyền như Mẹ và như vua Đa-vit thủa xưa.
Hãy tha thiết thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng
trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51, 12). Ôi! “Lay
Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền. Để con luôn luôn cao dâng tâm tình
kính mến. Lay Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền. Để con luôn luôn trung
kiên vững một niềm tin.” (TCCĐ “Trái Tim Tinh Tuyền”).
JM. Lam Thy ĐVD.
Chú thích: (1, 2 và 3): xin coi “Lịch sử Phụng Vụ”
và “Tài liệu về Mẹ Maria” – Thanhlinh.net.
No comments:
Post a Comment