Wednesday, June 18, 2014

Em còn nhỏ làm sao mà biết được

VRNs (18.06.2014) – Úc Đại Lợi – Suy tư Tin Mừng đọc trong tuần lễ Mình Máu Chúa năm A 22.6.2014

“Em còn nhỏ làm sao mà biết được,
Ta với đời, thực sự chẳng nương nhau.
Ta với đời, tất nhiên là thua cuộc,
Vì áo cơm, là những ngọn lao nhanh.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Ga 6: 51-58
            Với nhà thơ, cuộc đời người chỉ cần mỗi cơm áo gạo tiền có ngọn lao nhanh vút đâm thấu đời lạnh giá. Nơi nhà đạo, cuộc sống ở Nước Trời nào cần đến tiền bạc lẫn cơm áo, nhưng chỉ cần người người biết thương yêu sẻ-san khi đói kém, thiếu thốn mỗi tình người, mà thôi.
            Có lần, Đức Gioan Phaolô II từng đặt chân đến Lima, thủ đô nước Pêru thăm dân tình ở đây, ngài cũng cảm-nghiệm được tình-thế của dân con đói nghèo cả cơm áo lẫn tình thương hơn thế. Thoạt lúc ngài đến, có khoảng hai triệu người tìm đến gặp ngài. Thông thường, vào những buổi viếng thăm như thế, hai vị Tổng thống ngoài đời và Hồng Y Giáo chủ trong đạo nước này đều sẽ ra nghênh tiếp và chào mừng Đức Giáo Hoàng, rất êm vui.

            Nhưng hôm ấy, lại thấy cặp nam nữ giáo dân bình thường là Irene và Viktor Charo, là hai người nghèo sinh sống tại khu nhà ổ chuột, tiến lên máy vi âm để đạo đạt ý kiến cùng Đức Giáo Hoàng. Vào lúc cả quảng trường chìm lắng trong thinh lặng, hai người đại-diện đã tiến về phía Đức Gioan Phaolô II vỏn vẹn nói mấy câu sau đây:

“Thưa Đức Thánh cha, dân chúng đây đang bị nạn đói hoành hành. Nhiều người trong chúng con đang ốm đói, thiếu ăn, thiếu mặc. Có người không có công ăn việc làm. Con cháu chúng con đang chết dần mòn vì suy dinh dưỡng. Hôm nay, chúng con lên đây để thưa với Đức Thánh Cha, là: chúng con vẫn mạnh mẽ tin vào Đức Chúa của sự sống. Nhưng, cũng xin Đức Thánh Cha biết cho rằng: chúng con đang ốm đói, thèm có gạo/bánh để mà ăn cho đỡ đói bụng”.

            Cả triệu người vẫn im lặng như tờ, chờ xem Đức Giáo Hoàng sẽ ứng xử làm sao trước một tình huống ra như thế. Bấy giờ, Đức Gioan Phaolô II lên tiếng hỏi dân chúng bằng ngôn-ngữ Tây Ban Nha:

                        -Phải chăng quý vị muốn nói: dân chúng ở đây đang thiếu ăn, không?”
            Cả triệu người đồng thanh đáp lại: 
                        -Dạ, đúng thế! Đúng là như thế!”
            Đức Gioan Phaolô II lại hỏi tiếp:
                        -Quý vị cũng nói rằng quý vị đang đói Chúa, có phải không?”
            Mọi người đáp:
                        -Dạ, đúng! Đúng là như thế!”
-Thế thì, hôm nay, Cha mong những người đang đói Chúa vẫn cứ vậy nhé. Và, Cha cũng mong cho người đang thèm khát của ăn/thức uống được no đầy, mãn nguyện!”

            Lúc ấy, Đức Gioan Phaolô II quay mặt về phía các tướng lãnh và chính-trị-gia ăn no mặc ấm mà phần đông là người Công-giáo ngoan đạo mà nói bằng một giọng đanh-thép, rõ ràng:

“Hôm nay, tôi không chỉ đơn giản nói rằng tôi muốn quý vị san xẻ những gì mình đang có cho người nghèo đói. Nhưng, tôi muốn khẳng định với quý vị là: Hãy trả lại cho họ. Hãy trả tất cả lại cho họ. Vì thức ăn và của cải ấy là của họ, của những người nghèo.”

            Quả là, lời lẽ Đức Gioan Phaolô II nói hôm ấy thật khác thường. Hệt như Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay về Thánh-Thể còn khác thường, gấp nhiều lần. Chương 6 Tin Mừng thánh Gioan, cũng cho thấy rất nhiều người đã sửng sốt khi thấy Đức Kitô tỏ bày Ngài đang thực-sự hiện-diện nơi Thánh-Thể. Và, họ cắt đứt không theo Ngài nữa.
            Thật ra, thánh-sử Gioan đã nối-kết việc Đức Kitô ban tặng chính Thân Mình Ngài là vì Vương Quốc Nước Trời. Và, Ngài làm thế là để cứu độ dân con loài người. Thành thử, qua hiệp-thông rước Chúa vào lòng, ta thật-sự sẻ-san Thân Mình Chúa bằng việc tham-dự Tiệc Thánh-thể mỗi tuần.
            Tiếp nhận Chúa Phục-sinh vào lòng, qua hiệp-thông rước Mình Máu Chúa, là biểu-tượng hùng-hồn chứng-minh rằng: Ngài đang hiện-diện, ở trong ta. Đây, là “dấu-chỉ” để ta thấy Ngài thực-sự sống-động trong ta như thế nào.
            Chính vì thế, nên mỗi khi đón nhận Mình Máu Chúa, ta thưa “Amen!” là ta công-nhận đấy là Thân Mình đích-thực của Chúa. Bởi, chính Đức Kitô cũng đã chấp-nhận ta cùng kiểu-cách như thế. Ngài trao ban cho ta chính Mình Ngài, để rồi có như thế ta mới biến-đổi chính con người mình hầu tháp-nhập vào với Thiên-tính của Đức Kitô. Nói theo ngôn-ngữ thời-đại, thì: đó là đón nhận Ngài vào Tiệc thánh, khi ấy Chúa sẽ nói với ta như sau:

Này bạn, Tôi đây. Tôi đang xé nát tâm can Tôi và đổ đầy tình-yêu cho bạn đây. Bạn hãy tiếp nhận Tôi đi. Tôi có mặt ở đây là vì bạn đấy”.

            Cái nguy của mọi quà tặng và ở nơi quà này, là: ta rất dễ ngộ-nhận cho rằng quà mà Chúa trao ban là chỉ cho mỗi mình ta, thôi. Nhưng, đây phải là phút giây thân-tình thắm-thiết giữa ta với Chúa. Đúng là như thế. Và, còn hơn thế nữa. Ngày 9 tháng 8 năm 413, trong bài san-sẻ Lời Chúa về ý nghĩa của Tiệc Thánh Thể , thánh Augustin có nói:

Thánh lễ bao giờ cũng gồm 3 yếu tố: sự tốt lành, tình hiệp thông và lòng thương yêu lẫn nhau”. Và, để quảng-bá tư-tưởng nêu ở trên, thánh-nhân lại xác quyết rằng:

“Giả như ta không sống tốt lành, cũng chẳng hoạt động cho sự hiệp-nhất và không có lòng yêu thương đích-thực mà vẫn tham-dự Tiệc Thánh mỗi tuần, thì Tiệc ấy sẽ mất hết ý nghĩa và lý do tồn tại nữa rồi.”

            Thành thử, giống như Đức Gioan Phaolô II đã nói nhân ngày ngài đến với Lima, thủ-đô của Pêru, thì: nhiều người đã nối-kết việc nhận Bánh Hằng Sống ở Tiệc Thánh với việc ban phát cơm bánh để duy-trì sự sống, sau bữa Tiệc.
            Tính bình quân, thì hiện nay trên thế giới, mỗi ngày có đến 26 ngàn người chết vì đói hoặc khát. Năm 1961, tổng thống John F Kennedy cũng đã nhận-định về nạn đói khi ông bảo: “Chỉ một thứ giữa ta và việc xóa-bỏ nạn đói kém nên tồn-tại là niềm ước-ao thấy việc ấy được thực hiện”. Thật ra, chúng ta có thể nuôi-dưỡng được nhiều người. Nhưng thật lòng, lại không muốn làm thế.
            Trong buổi hội thảo về Tiệc Thánh Thể, cố Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, là cha Pedro Arrupe có nói: “Bao lâu thế giới này vẫn còn người đói và khát, thì bấy lâu Tiệc Thánh Thể mà ta cử hành vẫn còn có điều gì đó, rất thiếu xót.”
            Nói thế, ngài không có ý bảo rằng: việc ta tề-tựu cử-hành thánh-lễ đây là chuyện vô bổ. Nhưng, cố linh-mục Pedrp Arupe chỉ muốn nhấn mạnh một điều, là: khi ta quay-quần quanh bàn Tiệc đây là để nhận của ăn rất thánh, thì thực tế, trên thế giới còn rất nhiều người vẫn đói ăn, tức: vẫn thiếu mất cái gì đó rất cần cho sự sống. Vẫn có một thứ trống rỗng nào đó, ở quanh đây.
            Quả là trống rỗng ấy đang mời ta dấn-bước vào trong đó để đong cho đầy. Chúa đến với ta ở buổi Tiệc Thánh qua của ăn đích-thực Ngài tặng, rằng: điều mà Đấng Thánh nhắn nhủ ta trong Kinh Sách, vẫn còn đó: “Khi Ta đói, các con có cho Ta ăn đâu?”
            Câu nói này, muốn xác-định một điều, là: Chúa cho ta no đầy thế nào, thì ta vẫn có thể và vẫn cần phải giúp-đỡ nhau cho thật đầy thật no, giống như thế. Mong sao Lễ hội Mình Máu Chúa hôm nay đem đến cho ta sức mạnh và niềm xác tín rất thật.
            Cầu mong sao, thực-phẩm đích-thực mà ta cung-cấp -lấy từ bàn Tiệc thánh này- chứng-tỏ cho thế giới thấy được rằng: uy-lực của Thánh-Thể đã biến-cải ta thành người tốt, biết hiệp-thông, yêu-thương lẫn nhau. Cầu và mong sao, ta xác-tín thêm rằng: những gì ta đã và đang sẻ-san cho người nghèo, sẽ không là thứ cơm thừa canh cặn, ta có dư dật. Nhưng, đó chính là thực phẩm lẽ đáng là của họ và ta cần trao trả lại cho họ.
            Có như thế, mọi cảnh đói nghèo sẽ không còn tồn-tại trên thế-giới đầy những những thèm khát vì đói ăn hoặc thiếu mặc, nữa.           
            Trong tinh-thần cảm-nghiệm về một quyết-tâm như thế, ta lại sẽ ngâm tiếp lời thơ trên, rằng:

            “Em còn nhỏ làm sao mà biết được,
            Mỗi nụ tình ẩn chứa một loài sâu.
            Và, khi em thấm nhuần ê ẩm,
            Ta sợ tài ta đã rũ nhầu.”
            (Nguyễn Tất Nhiên – Vài đoạn viết ở Đinh Tiên Hoàng)


            Viết gì thì viết. Viết ở nơi nào rày cũng thế. Miễn là, người viết chớ có ưu-tư “nụ tình ẩn chứa một loài sâu”, nữa. Nhưng, đã biết liên-tưởng đến tình người sẻ-san nhiều thứ và nhiều sự cho mọi người. Cả những người túng thiếu lẫn người thấp hèn kém, rất thiếu ăn. Chính đó, là xã hội đầy tình người. Là, Nước Trời nay có Chúa chở che để mọi người sống vững mạnh suốt nhiều thời, trong đời.

No comments:

Post a Comment