ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây
chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo
khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời:
“Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực
ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật
vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường
mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã
từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là
đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương,
đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống
trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người
nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo
Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.
Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng
thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.
Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau
khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con
người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì không thể
sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn
là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng
đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là
Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên
sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo.
Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là
hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy
Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại
cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong
thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha.
Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả
quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy
sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình
yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối
tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba
Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi
Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ,
ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình
yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi
tình yêu trên đời.
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất
gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là
khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.
Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại
là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta
hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên Chúa là tình yêu. Con
người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim
biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có
khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn
nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho
tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu
thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với
trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên
Chúa.
Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng
tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người
mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của
Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống
sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa.
Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được
kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Thiên Chúa là tình yêu. Bạn cảm nhận được
tình yêu của Thiên Chúa thế nào?
2. Bạn có là hình ảnh tình yêu của Thiên
Chúa chưa?
3. Bạn làm gì để sống mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
No comments:
Post a Comment