Sunday, March 23, 2014

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY "Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa" (Ga 4,14)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Hôm nay chúng ta họp nhau lại như dân Do Thái ngày xưa trong sa mạc. Họ đã trải qua nhiều gian khổ, nhất là cái khổ thiếu nước. Trong sa mạc của cuộc sống ngày nay, chúng ta cũng chịu nhiều gian khổ và cũng cảm thấy khát, khát vì biết bao ước vọng không được thỏa mãn. Lời Chúa hôm nay cho biết Ðức Giêsu là nguồn nước hằng sống. Vậy chúng ta hãy đến với Ngài và mở rộng lòng ra để Ngài giải khát cho chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

Như dân Do Thái ngày xưa trong sa mạc, nhiều khi chúng ta cũng hoài nghi nghĩ rằng Thiên Chúa đã vắng mặt.
Như dân Do Thái ngày xưa, nhiều lần chúng ta đã trách móc Thiên Chúa, nhất là khi Ngài không thỏa mãn ước muốn của chúng ta.
Chúng ta thường khao khát những sự trần gian chứ không biết khao khát những điều thuộc về Thiên Chúa.


III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc Cựu Ước ((Xh 17,3-7)

Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những hành động diệu kỳ, nhất là biến cố Thiên Thần vượt qua các gia đình Do Thái và biến cố vượt qua Biển. Ban đầu dân Israel rất phấn khởi và sùng mộ Thiên Chúa. Nhưng những khổ cực và thiếu thốn trong cuộc hành trình qua sa mạc đã dần dần khiến họ nản lòng: họ thường càu nhàu, đòi trở lại Ai cập, nhiều khi còn nổi loạn. Tuy nhiên Thiên Chúa kiên nhẫn đã dùng chính hoàn cảnh thiếu thốn ấy để giáo dục họ hiểu biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc sống.

- Ðiều thiết yếu thứ nhất là đức tin: Ngài muốn họ tin rằng sự cứu rỗi của họ ở đàng trước chứ không phải ở đàng sau: đàng trước là Ðất hứa, đàng sau là ách nô lệ Ai cập. Do đó họ có dám tin cậy vào Ngài để tiến tới phía trước không mặc dù hiện tại họ chỉ thấy toàn khổ cực thiếu thốn. Hay họ thà quay lại đàng sau để sống kiếp nô lệ với cơm thừa canh cặn ở Ai cập.

- Ðiều thiết yếu thứ hai là đức cậy: từ trước tới nay Thiên Chúa chăm lo cho họ đủ mọi điều: muốn bánh thì có manna, muốn thịt thì có chim cút. Nay Ngài để họ thiếu nước, thế là niềm trông cậy của họ lung lay, họ hỏi một cách thách thức "Có thực có Thiên Chúa hay không?" Sở dĩ họ hỏi vậy là vì họ nghĩ rằng Thiên Chúa là một kẻ có nhiệm vụ lo lắng cho họ. Nói cách khác, họ coi Thiên Chúa như một người đối diện với họ. Thực ra Thiên Chúa không phải là một người đối diện, dù người đó có quyền lực bao nhiêu đi nữa. Thiên Chúa còn hơn thế nhiều. Bài Tin Mừng hôm nay mạc khải Thiên Chúa thực ra là thế nào.

2. Ðáp ca (Tv 94)

Thánh vịnh này nhắc lại cuộc nổi loạn của dân Do Thái trong sa mạc khi họ thiếu nước. Chỉ vì khó khăn trước mắt, họ đã quên hết biết bao việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Thánh vịnh kêu mời con người nhớ lại những ơn lành của Thiên Chúa. Ðó chính là những tiếng kêu gọi của Ngài, mỗi người hãy nhận ra và ngoan ngoãn đáp lại.

3. Bài Tin Mừng (Ga 4,5-42)

- Ðức Giêsu ban đầu xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống nước, sau đó tự mặc khải Ngài chính là Nước trường sinh "Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời".

- Qua lời trên, Ðức Giêsu cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện mà là Ðấng muốn ở tận trong con người chúng ta, để làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống muôn đời. Ai tin vào Ngài và trông cậy nơi Ngài thì có Ngài ở trong người ấy. Ngài ấy sẽ có một sức sống phong phú chẳng những cho chính bản thân mà còn cho người khác nữa.

- Câu chuyện người phụ nữ Samaria là một thí dụ điển hình: Khi bà đã tin vào Ðức Giêsu thì bà trở thành người loan Tin Mừng cho những người khác trong làng. Những người này ban đầu tin vì nghe theo lời chị. Nhưng sau đó trong lòng họ cũng có một nguồn nước sống. Họ nói "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Ðấng cứu độ trần gian": Ðức Kitô đã cự ngụ ngay trong lòng họ.

4. Bài Thánh thư: Rm 5,1-2.5-18

Thánh Phaolô là người đã sống cái cảm nghiệm của người phụ nữ Samaria. Từ khi tin Ðức Kitô, ngài đã nói "Không phải tôi sống mà Ðức Kitô sống trong tôi". Với Ðức Kitô sống trong mình, thánh Phaolô đã trở thành một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Ngài đi khắp nơi loan báo Tin Mừng về Ðức Giêsu Kitô. Mặc dù gặp bao gian khổ, Ngài không thể không loan báo Tin Mừng ấy được.

Phaolô diễn tả nguồn nước sống trong con người là:
- Thánh Thần: "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta" (câu 5).
- Ơn sủng của Thiên Chúa ban nhờ Ðức Giêsu: "Ơn sủng nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn (tội lỗi do Adam) biết mấy cho muôn người" (câu 15)

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Những nỗi khát khao

Chúng ta khao khát rất nhiều điều: 
- Khao khát chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối
- Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc
- Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công
- Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận
- Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh
- Khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi kỵ v.v.

Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu: "Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống".

2. Chiếc vò nước được bỏ lại

"Bên bờ giếng, có một khách bộ hành mỏi mệt dừng chân. Chân lý đã vọt lên từ những lời ông ta nói. Cũng bên bờ giếng đó, người phụ nữ nọ đã để lại cái vò nước của mình, bởi từ nay nó chẳng giúp gì cho chị đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban. Cái vò nước bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hằng ngày, trong những quan hệ chẳng tới đâu với một loạt đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu, qua những trao đổi với Người (...)

Như thế, chính qua những chuyện của đời thường như ăn, uống, cuộc sống chung với một người đàn ông, cố gắng quay về với Thiên Chúa... mà con người nghe được tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng ở đây và lúc này, Người lại đến như một ân ban qua những bất trắc khôn lường của lời nói, qua thái độ chân thành của các bên đối thoại, qua những khoảnh khắc thinh lặng để cho chân lý lên tiếng nói" (J.Cl. Giroud, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 86).

3. Thờ phượng trong thần khí và sự thật

Những người Samari thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garizim. Những người Do Thái thờ phượng Thiên Chúa trên núi Sion. Và hai bên tranh cãi với nhau, thù ghét nhau.

Phải chăng đó là những chuyện đời xưa? Không. Ngày nay vẫn có những người chỉ muốn dự Thánh lễ ở nhà thờ này chứ không phải nhà thờ nọ; và có rất nhiều người chỉ thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ mà thôi.

Ðức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: "Ðã đến giờ - và chính là lúc này - những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng trong thần khí và sự thật". Thờ phượng "trong thần khí" là thờ phượng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; thờ phượng "trong sự thật" là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Ðức Giêsu, Ðấng đã xưng mình là đường, là sự thật và là sự sống.

4. Nước

Nước vô cùng thiết yếu cho sự sống. Không có nhà cửa, áo quần, người ta vẫn có thể sống. Không có ăn, người ta vẫn còn sống một thời gian khá dài. Nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.

Bởi thế, khi nói về Thiên Chúa, Thánh Kinh thích dùng hình ảnh nước: Sách Sáng thế mô tả vườn địa đàng có một con sông tỏa ra 4 nhánh mang nước đi nuôi sống các sinh vật ở 4 phương trời. Tổ tông loài người sống trong khu vườn dồi dào nước ấy đã rất hạnh phúc. Nhưng rồi khi nguyên tổ phạm tội và bị đuổi khỏi vườn địa đàng thì cuộc sống vô cùng vất vả trên đất đai khô cằn sỏi đá. Ngụ ý của tác giả đoạn sách Sáng thế ấy là: khi con người sống trong tình thân với Thiên Chúa thì cũng giống như sống bên nguồn nước tươi mát; còn khi họ tách rời Thiên Chúa thì phải khốn khổ như đang ở trong sa mạc khô cằn. Vì thế sách Khải huyền khi muốn diễn tả hạnh phúc thời cứu độ đã vẽ lên hình ảnh một thành Giêrusalem mới, trong đó cũng có một dòng sông hằng sống, nước sông tưới mát một cây hằng sống làm cho nó trổ sinh hoa quả suốt 12 tháng quanh năm, trái cây cho người ta ăn, và lá cây dùng làm thuốc chữa hết mọi chứng bệnh.

5. Những thứ nước

Người thiếu phụ xứ Samari mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ 6 mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi gặp được Ðức Giêsu, trò chuyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Ðức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực.

6. Thánh vịnh 42

"Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mông
Tìm đến Ngài, lạy Chúa"

7. Chuyện minh họa

Ngày xửa ngày xưa có một người ăn mày ngồi bên vệ đường để ăn xin, bên cạnh ông là một túi vải đựng vỏn vẹn vài hạt lúa. Bỗng ông thấy chiếc xe chở Nhà Vua đang đi tới. Ông mừng lắm, tự nhủ rằng thế nào Nhà Vua cũng bố thí nhiều tiền cho ông. Ông chạy ra đón đường 
- Muôn tâu bệ hạ, xin dủ lòng thương xót bố thí cho kẻ thần dân nghèo khổ này một ít tiền để sống qua ngày.

Nhà vua xuống xe, đến gần người ăn mày, và nói một câu khiến ông hết sức ngạc nhiên và thất vọng:
- Ông có thể dâng cho hoàng thượng của ông một món quà gì không?

Không cách nào từ chối được, người ăn mày lục lọi trong túi vải một hạt lúa nhỏ nhất đưa cho nhà vua.

Khi nhà vua đi rồi, người ăn mày tiếc rẻ mở túi vải ra đếm lại số hạt lúa của mình. Lạ thay, thay vào chỗ hạt lúa đã cho đi là một hạt vàng sáng lóng lánh, cũng bằng y hạt lúa ấy. Lúc đó người ăn mày vô cùng tiếc rẻ: phải chi mình cho hết những hạt lúa đi thì bây giờ mình đã có một túi đầy những hạt vàng!

Ý nghĩa chuyện này: 

- người xin trở thành người cho và người cho trở thành người nhận, như Ðức Giêsu và người phụ nữ Samaria vậy.
- chính lúc cho đi là lúc nhận lãnh; chính khi xẻ chia là khi trở nên giàu có.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI 

CT: Anh chị em thân mến
Chúa ban cho chúng ta những phương thế tuyệt hảo để chữa lành vết thương tội lỗi trong tâm hồn: đó là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo khổ bất hạnh. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. Nước hằng sống Ðức Giêsu ban chính là Mặc Khải / là lời giáo huấn / là Thánh Thần của Ngài / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh / để nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng / mọi người biết thành tâm trở về cùng Chúa / để đền bù những tháng ngày bội nghĩa vong ân.

2. Hằng năm / ở nhiều nơi trên thế giới / đặc biệt là tại những vùng đang có chiến tranh / đang gặp thiên tai / dù được cứu trợ khẩn cấp / vẫn có một số khá đông người bị chết vì đói khát / vì bệnh tật / do phải uống nước bị ô nhiễm trầm trọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp hoạn nạn / được giúp đỡ đầy đủ và kịp thời.

3. Chúa đã ban cho người kitô hữu Mùa Chay thánh để đổi mới đời sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết mọi tín hữu / biết chuyên tâm cầu nguyện và làm nhiều việc lành phúc đức.

4. Giảm bớt chi tiêu ăn uống / để chia cơm xẻ áo cho những anh chị em đói rách nghèo nàn / là ưu tiên số một của người kitô hữu trong Mùa Chay này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thực thi bác ái / không những trong việc lớn / mà còn trong những chuyện nhỏ của đời sống hằng ngày.

CT: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Xin cho tất cả chúng con biết thờ phượng Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin...

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Trước kinh Lạy Cha: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta nên đã đổ tràn Thánh Thần Ngài vào lòng chúng ta. Trong tâm tình hiệp nhất với Thánh Thần Tình yêu ấy, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời Kinh Lạy Cha sau đây.

- Sau kinh Lạy Cha: Chủ tế thêm đôi lời vào lời kinh sau đó "Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, và giúp chúng con khỏi tái phạm tội lỗi, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an..."

VII. GIẢI TÁN

Sau khi gặp được Ðức Giêsu, người phụ nữ Samari đã vui mừng chạy đi loan tin vui cho những người dân làng. Anh chị em cũng đã gặp được Ðức Giêsu. Bây giờ anh chị em hãy ra đi loan tin mừng của Chúa cho mọi người mà anh chị em sẽ gặp gỡ hôm nay. Chúc anh chị em được bình an.

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

No comments:

Post a Comment