Achille Degeest
Câu chuyện hôm nay đặt ra trước mầu nhiệm khôn lường của sự
từ khước ánh sáng. Phái Pharisêu không tự truy vấn mình, kiểm thảo mình, lại từ
chối sự thật hiển nhiên bằng cách khai trừ người mù được chữa lành. Để hiểu rõ
hai chi tiết trong bài, nên lưu ý điều này là, theo quan niệm thông thường, nước
miếng có sức chữa lành. Ta hiểu tại sao Chúa Giêsu đã làm bùn xức vào mắt người
mù. Đức Giêsu thường ghép hành động thần thiêng của Người vào trong các thực tại
tự nhiên khiêm tốn nhất. Đàng khác, sở dĩ người Pharisêu tố cáo người mù đã
sinh ra trong tội, là vì theo đạo lý họ, bệnh tật là hình phạt về một lỗi phạm
–ở đây là lỗi phạm của cha mẹ- Đó là điều Chúa phản đối. Câu chuyện về người mù
đặt ra một cách gay cấn vấn đề đón nhận chân lý như thấy hiện ra khắp nơi trong
các bản văn của thánh Gioan. Ở đây ta đứng lên trên cả vấn đề phép lạ và hiệu
năng của phép lạ xét như dấu hiệu; ta đứng trước một sự mù quáng tinh thần
không chịu nhìn xem chính cái dấu hiệu nữa. Lòng thù ghét có sức tạo nên một trạng
thái tâm lý làm cho con người nên đui mù. Khi tâm hồn bị đóng kín lại, nó không
còn thấy điều hiển nhiên nữa. Cả đến sự thật bên ngoài khách quan về việc người
mù đã lành bệnh, ai ai cũng biết hết, thế mà người Pharisêu vẫn từ chối, vẫn
bài bác. Có lần Chúa Giêsu đã phải nói với người Do Thái rằng dù một phép lạ xảy
ra trên trời (gây chấn động mạnh mẽ) cũng khó cho họ nhìn nhận.
Thái độ từ khước ánh sáng có nhiều đặc điểm. Sau đây là hai
đặc điểm:
1) Người ta lấy một khía cạnh của sự thật, cô lập nó, dựng
nó lên thành tuyệt đối, mà quên rằng nó tuỳ thuộc vào những yếu tố khác quan hệ
hơn của sự thật ấy. Kiêng việc xác ngày lễ nghỉ là một điều luật. Giữ luật ấy
là việc tốt. Nhưng nó lệ thuộc vào luật bác ái, luật này cao trọng hơn. Vậy mà
người Do Thái xem nó là một điều tuyệt đối. Nhân danh ngày “lễ nghỉ”, họ từ khước
lòng bác ái. Lối suy nghĩ này là đầu giây mối nhợ của bao nhiêu vụ tranh luận,
cãi cọ mà họ kéo Chúa Giêsu vào.
Trong Giáo Hội hiện nay cũng có nhiều hiện tượng thuộc loại
này. Ví dụ: người ta tách riêng một ít trong Phúc Âm, coi đó là tuyệt đối, rồi
sử dụng để biện minh cho bạo lực nhân danh Tin Mừng.
2) Người ta ngồi vào trong một hệ thống ý tưởng mà họ quyết
đoán là đúng. Họ làm như thế có thể là vì trí không hướng nhiều về dường ấy, vì
một lợi ích nào, vì tình liên đới với phe nhóm v.v… Nét tiêu biểu là ở chỗ họ
coi mình là người biết, người sáng suốt, người hiểu rõ, Chúa Giêsu trách bọn
Pharisêu vì họ nói: “Chúng tôi thấy”. Trước một não trạng như thế, khi chân lý
xuất hiện một cách khác thường, nó sẽ không được nhìn nhận. Mà trong đời sống
con người, chân lý của Chúa thường mặc những hình thức bất ngờ và gây khó chịu
cho thói quen của ta. Chân lý ấy làm nổ tung mọi hệ thống tư tưởng và mọi
chương trình hành động. Người Kitô hữu khi suy nghĩ cũng như lúc hành động phải
chăm chú nhìn những dấu hiệu của Chúa.
http://tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/SuyniemINDEX.htm
No comments:
Post a Comment