Friday, March 28, 2014

Suy Niệm Mùa Chay March 27, 2014 Mở mắt nhìn đời (CN 4 MC-A-2014)

Có một mẩu đối thoại như sau:

Ông A: Có một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự suy giảm đạo đức đã chững lại, cái tốt đang được thổi bùng lên.

Ông B: Khi cuộc sống no đủ, người ta sẽ không tham tiền của người khác nữa.

Ông A: - Giàu có thì nói làm gì. Có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hoài ở tỉnh Nghệ An nhặt được 10 triệu đồng ở ven đường. Cô ấy đã tìm đến khổ chủ trả lại dù bản thân rất nghèo, lại bị khuyết tật nặng.

Ông B:- Chắc khi nhặt được có người trông thấy nên mới đem trả chứ gì?

Ông A- Không hề, trên đường đi nhận tiền mai táng cho bố, cô này nhìn thấy bọc tiền trong đám cỏ, trên đường vắng tanh không một bóng người.


Ông B- Cô này bị tàn tật chắc cũng chẳng ăn uống được mấy nên số tiền đó không cần thiết lắm cho cuộc sống, giữ lại trong nhà, trộm cướp biết được đến 'hỏi thăm' thì khốn, trả cho yên chuyện.

Ông A:- Ai chẳng cần tiền, cô ấy có thể không ăn uống được nhiều nhưng tiền thuốc men là hết sức cần thiết. Một người luôn bị ốm đau, bệnh tật mà vượt qua được sức cám dỗ của đồng tiền như cô Hoài là rất đáng quý, thật đáng trân trọng. Bác không nên nghi ngờ người có lòng tốt như vậy.

Ông A:- Sở dĩ dạo này tôi mất niềm tin vào con người bởi đến đâu cũng gặp nhan nhản những kẻ giàu nứt đố đổ vách rồi mà vẫn tìm cách cấu véo, bòn rút của người nghèo. Những người như cô Hoài là hiếm hoi lắm, tôi tỏ ra nghi ngờ là để thử lòng bác thôi.

Đôi khi vì những gì diễn ra hằng ngày khiến chúng ta có cái nhìn sai lệch về thế giới chung quanh. Chúng ta thường đổ đồng mọi sự theo nhãn quan của mình. Nhất là vì lòng ích kỷ mà chúng ta nhìn người bằng ánh mắt xét nét, đa nghi. Cho dù họ làm việc tốt, họ làm việc thiện cũng bị chúng ta nhìn với ánh mắt nghi ngờ và kết án.

Nhất là giữa một thế giới gian ác, lắm thị phi khiến chúng ta luôn nhìn đời bắng ánh mắt bi quan. Chúng ta thường nhìn vấn đề trong cái nhìn tiêu cực hơn là tích cực. Giả dụ bây giờ được hỏi máy bay Malaysia mất tích ngày 08.03 vừa qua do nguyên do gì? Có lẽ đa phần sẽ trả lời là do khủng bố. Bởi thế giới ngày nay người ta quá quen với những hình ảnh khủng bố, máu đổ, chém giết, bom đạn.

Có một lần, một người nói với tôi họ mất một con gà và họ nghi ngờ người hàng xóm lấy trộm. Tôi hỏi rằng: Có bằng chứng không? Tại sao chị không nghi ngờ là con gà của mình nó bị con chồn bắt mất hay mèo hoang ăn mất. Vì nơi nhà chị là giữa đồng hoang . . .? Đừng kết án vội kẻo sai lầm tội nghiệp cho họ.

Đây cũng là cái nhìn cố hữu của những người biệt phái. Họ nhìn để bắt bẻ, để xem có đúng luật hay không? Thế nên, thường là họ tìm cách quy kết tội vào một con người. Những người biệt phái có lẽ cũng đã quá quen nhìn mọi sự trong cái nhìn bi quan nên họ không thể nhận ra cái tốt nơi tha nhân. Họ chỉ muốn phân tích theo chiều hướng tiêu cực hơn là tích cực.

Chúa Giê-su là Đấng có thể mang lại ánh sáng cho người mù. Ánh sáng của tâm hồn và thể xác. Mù kiểu nào cũng đáng thương, cũng tội nghiệp. Mù kiểu nào nhìn sự việc cũng khiếm khuyết, cũng không trọn vẹn, cũng sai lầm. Nhất là những người mù về tình người sẽ làm cho họ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt ghen tương, giận hờn . . .

Thế nên, hãy để cho Chúa chữa trị con mắt của chúng ta. Hãy để cho Chúa mang lại ánh sáng cho cặp mắt chúng ta nhìn đời, nhìn người trong cái nhìn của yêu thương, của hy vọng. Một cái nhìn cuộc đời thật đơn giản, thật đáng yêu.

Đây cũng là cái nhìn mà Xuân Diệu đã từng nói:

        Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để cho bà nói má thơm của cháu
Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu

        Khi nhìn đời bắng ánh mắt lạc quan sẽ giúp ta nhìn người trong cái nhìn thân thiện, nhìn cuộc đời mới đáng yêu làm sao! Nhìn người đi trước trong cái nhìn kính trọng, nhìn người đi sau trong cái nhìn trân trọng. Và hơn nữa, muốn nhìn đời cho đúng phải biết chỗ đứng của mình mới có cái nhìn chính xác về cuộc đời.

        Đôi mắt xanh non cha xin của con

        Người đi trước xin của người sắp tới

        Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới

        Cuộc sống xanh non mãi mãi tươi giòn....

Xin Chúa Giê-su là ánh sáng trần gian soi sáng tâm trí để chúng ta biết nhìn đời thật đáng yêu, nhìn người bên cạnh thật đáng trân trọng. Xin đừng vì ích kỷ, mù quáng mà sống thiếu tình thân với tha nhân. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền



Chủ Nhật IV Mùa Chay A - Hãy Biết Mình

Hãy Biết Mình

Có hai vợ chồng đi tham quan một cửa hàng trưng bày tranh thuê lụa. Vừa bước tới cửa bà vợ đã chăm chú nhìn vào bên trong một hồi lâu rồi nhận xét: “Tranh gì đâu mà xấu vậy? Thêu người đàn bà chẳng giống ai!”. Ông chồng vội bịt miệng bà và nói: “Không phải tranh đâu, đó là gương đấy. Đó là hình ảnh của bà được phản chiếu qua gương đấy! Chớ nhận xét hồ đồ!”. Người đàn bà quá xấu hổ đành bỏ ra về.

Đó cũng là cảnh mù loà đáng thương của nhiều người trong chúng ta. Khi chúng ta phê bình chỉ trích người khác đang khi chính chúng ta vẫn còn đó đầy những lỗi lầm. Khi chúng ta chê bai anh em đang khi chúng ta vẫn còn đó những khuyết điểm và thói hư tật xấu. Chúng ta thường cắt nghĩa tốt về mình nhưng lại quá hà khắc về lối sống của tha nhân. Chúng ta thường mù loà về bản thân mình nhưng lại thích soi mói anh em. Đúng như cha ông ta vẫn nói:

“Chân mình còn lấm bê bê

Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.

Bài tin mừng hôm nay nói đến rất nhiều nhân vật nhưng chỉ có một người là sáng mắt thực sự. Người có mắt sáng là người biết nhìn nhận sự việc đúng sự thật. Người sáng mắt không lệch lạc về quan điểm, về sự việc. Người sáng mắt biết nhận định đúng về những gì đang diễn ra chung quanh. Đó là anh mù từ thuở mới sinh. Anh mù về thể xác nhưng sáng về tinh thần. Anh đã dám nhìn nhận sự thật cho dù vì đó mà anh bị trục xuất khỏi cộng đoàn. Anh đã công khai nói lên niềm tin của mình vào Đấng đã chữa lành cho anh. Cho dù anh gặp nhiều sự chống đối, nhiều hiểm nguy nhưng anh vẫn phải nói đúng sự thật về những gì đã diễn ra trong cuộc đời anh.

Nhưng tiếc thay nhiều người mắt sáng nhưng lại tối tâm hồn. Đó là các biệt phái đầy kiêu căng đã không thể nhìn thấy quyền năng của Chúa đang hiển thị trước mặt các ông. Đó là cha mẹ của anh mù vì sợ hãi đã lẩn trốn sự thật, không dám nói đúng sự thật cũng đồng nghĩa chấp nhận mình mù loà giữa đời. Người biệt phái vì lòng ghen ghét mà họ đã có cái nhìn lệch lạc về việc làm của Chúa Giêsu. Cha mẹ anh mù vì cầu an nên thiếu trách nhiệm với con và với người đã cứu con mình. Xem ra bệnh mù về tâm hồn có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến mù loà. Và xem ra bệnh mù thể xác thì ít hơn bệnh mù về tinh thần. Bởi lẽ, mỗi một cách sống sai với lương tri con người đều được coi là căn bệnh mù loà của tâm hồn. Chúng ta có thể nhìn thấy những triệu chứng cũng như nguyên do của bệnh mù loà tâm hồn như sau:

Khi chúng ta quá ích kỷ dẫn đến không thấy nhu cầu của thân nhân để cảm thông và giúp đỡ.

Khi chúng ta quá vô tâm nên không thấy nỗi đau của anh em mà chính chúng ta đã gây nên cho họ.

Khi chúng ta quá lười biếng đến nỗi không còn thấy trách nhiệm và bổn phận của mình với gia đình và xã hội.

Khi chúng ta quá bảo thủ và thành kiến nên không thấy điều hay, điều tốt của tha nhân.

Khi vì phán đoán nông cạn, hời hợt làm chúng ta mù loà không thấy những giá trị của người anh em và khiến ta hay lên án một cách hồ đồ, thiếu công bình và bác ái.

Nhưng điều quan yếu hơn cả đối với các tín hữu trong Mùa Chay không phải chỉ là nhìn nhận sự khuyết tật mù loà của mình đế sám hối canh tân, đề cầu xin Chúa chữa lành mà còn phải có một đời sống đức tin như anh mù sau khi được sáng mắt sáng lòng.

Đó là một đức tin đầy lạc quan, biết reo vui cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn đã lãnh nhận. Đó là một đức tin đầy can đảm, sẵn sàng trực diện với những cạm bãy thù nghịch của những kẻ đồng đạo tội lỗi hay đã bị thoái hoá. Và đó cũng còn là một đức tin vững vàng chấp nhận thiệt thòi cô đơn, vì dám làm chứng cho ánh sáng giữa bóng tối tội lỗi, sa đoạ của trần đời hôm nay.

Nguyện xin Chúa là ánh sáng trần gian soi lối cho chúng ta đi trong ánh sáng và chân lý. Xin cho chúng ta can đảm đoạn tuyệt với bóng tối tội lỗi và chân thành sống theo ánh sáng của lề luật và tình thương. Amen.
Lm.Jos Tạ duy Tuyền March 27, 2014


Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền - dongcong.net

No comments:

Post a Comment