Thursday, March 6, 2014

PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ CN I CHAY A

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào Mùa Chay Thánh.

Mùa Chay trải dài 40 ngày.Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất hứa, 40 ngày ngôn sứ Êlia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa.Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện.Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện.Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.



Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.

Chịu cám dỗ

Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này.Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng nụ hôn giả dối…Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.

Thiên Chúa cho phép ma qủy cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh đức tin của mình.

Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi Ngài cho phép như thế, ma qủy cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta.

Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy. Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ qúa sức mình chịu đựng được. Như vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma qủy với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh.

Ma qủy thường cám dỗ như thế nào ?

Ma qủy lừa dối con người.Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và chẳng nên làm. Nhưng ma qủy lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma qủy không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng ăn trái này thì Bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội. Ma qủy khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn bé ăn trộm một qủa trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma qủy cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm những điều nhỏ tới phạm những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên, không ai nghiện rượu ngay khi uống chén đầu tiên. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến chỗ nghiện ngập (x. Buồn vui cùng kiếp người, ĐTGM Ngô Quang Kiệt, trang 33).

Chuyện kể rằng : khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :

- Ông đang trồng cây gì thế ?

- Cây nho.

- Nó có lợi gì không ?

- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

- Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống nữa thì... hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

Ma qủy luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác.

Phương thế chiến thắng cám dỗ.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.

Lời Chúa.

Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.

Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
- Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

Ăn chay cầu nguyện.

Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.

Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta !

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều”(Ga 14,26).

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.

Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

No comments:

Post a Comment